Đền Cửa Ông, nơi gặp gỡ của chốn linh thiêng, núi non và biển cả
Đền Cửa Ông mang kiến trúc độc đáo được du khách gần xa tìm đến mỗi dịp Xuân về. Ngôi đền nằm trên ngọn đồi cao gần 100m, nhìn ra vịnh Bái Tử Long, là một trong những di tích lịch sử văn hóa nhà Trần, nơi thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, người có công trấn ải vùng Đông Bắc, đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 18. Đền còn là nơi thờ phụng gia thất Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các danh tướng tài ba đời nhà Trần: Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão…
Đền Cửa Ông mang kiến trúc độc đáo được du khách gần xa tìm đến mỗi dịp Xuân về. |
Địa hình ở đền Cửa Ông là dải thung lũng hẹp chạy dài theo đường 18, nằm giữa hai dãy đồi núi cao. Từ xưa, đường bộ đi qua Cửa Ông là con đường độc đạo đi ra vùng biên giới phía Đông Bắc. Cửa Ông như cái yết hầu nối miền Đông trập trùng đồi núi với vùng mỏ giàu có và miền Tây rộng lớn.
Đền Cửa Ông không chỉ có giá trị lịch sử to lớn, mà còn mang giá trị nghệ thuật, văn hoá sâu sắc. Toàn cảnh khu đền được bố trí trên các ngọn đồi thấp, đan xen dưới những bóng cây cổ thụ, tạo nên phong cảnh tĩnh mịch và trang nghiêm.
Đền được xây bằng đá đúc, gạch Bát Tràng, vữa hồ pha mật, gạch lát nền bằng đất sét nung, ngói mũi đất nung… Trang trí theo các điển tích Long, Ly, Quy, Phượng. Phần trong nhà đền xây bằng các loại gỗ bền, đẹp như đinh, lim, trắc, gụ. Khung nhà được dựng theo lối kèo, cầu, dường, trụ… trên đó khắc họa các bức phù điêu, bức trướng, câu đối và các hoa văn được sơn son, thếp vàng.
Ngôi đền nằm trên ngọn đồi cao gần 100m, nhìn ra vịnh Bái Tử Long |
Theo truyền thuyết dân gian, có lần tại biển Cửa Suốt, tự nhiên trời bỗng dưng mưa to, gió lớn, sấm sét nổi lên ầm ầm. Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng đang đi tuần trên biển, thấy có một phiến đá to nổi lên, liền ngang nhiên ngồi lên trên đó. Sóng nổi cuồn cuộn, mực nước dâng lên cao nhưng phiến đá vẫn nổi trên mặt nước, chở che ông đi, đè đầu những ngọn sóng lớn.
Khi mưa gió lặng yên, dân chúng không thấy ông đâu nữa, mà bên trên phiến đá chỉ có một cái mũ, liền rước về thờ, lập miếu và tâu lên triều đình. Đó là ngày 16 tháng 8 năm 1311 và ngày này được xem là ngày hóa của ông.
Nhà vua đã sắc phong ông là Thượng Đẳng Phúc Thần Ông và được xem là vị chủ thần ở Đền Cửa Ông. Bên trong đền có tượng ông và đôi câu đối, hàm ý nghĩa trân trọng và thông cảm với ông giúp chiến thắng Bạch Đằng, tướng giỏi uy danh vang lừng Đất Bắc. Đền Cửa Ông không chỉ thờ Trần Quốc Tảng, mà thờ gần như đủ hệ thống Trần Triều không nơi nào có được.
Lễ hội đền Cửa Ông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia |
Du khách đến với khu di tích đền sẽ tham quan 3 khu vực chính là đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, được phân bố ở ba vị trí khác nhau. Đền Hạ nằm ở phía dưới thờ Mẫu; đền Thượng gồm đền chính thờ Trần Quốc Tảng, đền Quan Châu, đền Quan Chánh…
Xen lẫn các công trình kiến trúc thờ là rất nhiều cây cổ thụ, cây tiểu cảnh, hoa được chăm sóc thường xuyên, tạo nên khung cảnh vừa trang nghiêm, thành kính, vừa có cảm giác thư thái, trong lành đối với du khách. Có lẽ vì vậy, mặc dù để tham quan, chiêm bái hết toàn cảnh Khu di tích mất tới nửa ngày, nhưng không tạo cảm giác mệt mỏi cho du khách.
Xen lẫn các công trình kiến trúc thờ là rất nhiều cây cổ thụ, cây tiểu cảnh |
Những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh Quảng Ninh, sự chung tay của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, Đền Cửa Ông đã được tôn tạo, mở rộng không gian ngôi đền. Nơi đây cũng là một trong số điểm sáng về công tác quản lý với mô hình “4 không” được duy trì tốt từ nhiều năm nay: không mất vệ sinh môi trường; không mất an ninh trật tự, đảm bảo giá cả các dịch vụ xung quanh; không ăn xin và không chèo kéo khách.
Lễ hội đền Cửa Ông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và đền Cửa Ông được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt. Năm 2024, Lễ hội Đền Cửa Ông sẽ được tổ chức vào ngày 3/2 âm lịch với quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt để chuẩn bị cho Lễ tưởng niệm 711 năm ngày mất của Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng (1313 – 2024).
Bảo Thoa
Nguồn: Báo lao động thủ đô