Thị trường Thương mại điện tử TP.HCM đạt 4,7 tỷ USD trong năm 2023
Chiều 29/2, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố tổ chức họp báo, thông tin về tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phạm Hải chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp, Phó Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương TP.HCM) Nguyễn Minh Hùng đã có thông tin về doanh thu thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến – livestream của TP Hồ Chí Minh trong đợt mua sắm cuối năm qua. Theo đó, năm 2023, thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Riêng TPHCM đạt 4,7 tỷ USD (khoảng 112.000 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng đạt 37%, cao nhất cả nước.
Ngoài hoạt động mua sắm kết hợp giải trí trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok (livestream mua sắm trực tuyến)… cũng có sự phát triển mạnh mẽ và tăng trưởng khá đồng đều. Trong đó, nổi bật là sự tăng trưởng của nền tảng Tiktok shop. Dù mới xuất hiện từ giữa năm 2022, Tiktok shop hiện đã chiếm gần 10% tổng doanh số thương mại điện tử.
Ngoài những điểm sáng, thành tựu đáng ghi nhận, thị trường thương mại điện tử tại TP.HCM vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn, tìm ẩn một số thách thức như: hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo trực tuyến, mua bán không có hóa đơn, sự phát triển bền vững và lành mạnh của ngành, đảm bảo tính công bằng, lợi ích phát triển chung của toàn bộ cộng đồng, xã hội và công tác quản lý nhà nước.
Phó Trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Hùng thông tin về các nhóm giải pháp tồn động, bất cập phát sinh của thị trường thương mại điện tử của Thành phố.
Để giải quyết các vấn đề này, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành xây dựng kế hoạch thương mại điện tử năm 2024 với 27 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chia thành 2 nhóm quan trọng là nhóm giải pháp thúc đẩy và nhóm quản lý.
Nhóm Giải pháp thúc đẩy: Sở Công thương nhận định, chợ truyền thống hoàn toàn có thể thích ứng, chuyển đổi phương thức bán hàng, kết hợp online và offline, phát huy lợi thế của chợ truyền thống, đó là: văn hoá, nguồn hàng, người bán hiểu rõ sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm, kho hàng… Qua đó, thay đổi hoạt động bán hàng truyền thống, định hướng thúc đẩy, đưa các hoạt động thương mại điện tử vào chợ truyền thống (livestream bán hàng)…
Đối với nhóm giải pháp quản lý: dữ liệu thương mại điện tử hiện còn tương đối tổng quan, chưa chi tiết; cơ quan thuế, Quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn để xác định nguồn hàng, doanh thu, nhà bán…
“Sở đang xây dựng công cụ thu thập hệ thống dữ liệu giao dịch thương mại điện tử, dữ liệu kho hàng, dữ liệu nhà bán, dữ liệu giao dịch, doanh thu… Từ đó điều hướng, hỗ trợ cơ quan thuế, quản lý thị trường thực hiện chức năng quản lý có trọng điểm, trọng tâm…” – Nguyễn Minh Hùng thông tin thêm.
Nguồn: hoanhap.vn