Những tác động thảm khốc của việc gia tăng lượng rác thải đô thị toàn cầu
Nghiên cứu mới của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) chỉ ra rằng, ô nhiễm sẽ leo thang, tốc độ tăng rác thải nhanh nhất sẽ xảy ra ở các vùng hiện vẫn xử lý rác thải bằng cách đổ đống và đốt – những hành vi thải khí nhà kính và rò rỉ chất độc hại vào đất, nguồn nước và không khí.
Báo cáo của UNEP với tựa đề “Vượt qua thời đại lãng phí: Biến rác thải thành tài nguyên”, Triển vọng quản lý chất thải toàn cầu 2024 (GWMO 2024), đã đưa ra cái nhìn tổng quan về lượng chất thải rắn đô thị, cách quản lý cùng tác động của việc quản lý rác thải đối với sức khỏe hành tinh và con người.
UNEP cảnh báo, nếu chúng ta không hành động khẩn cấp, “núi rác” bao phủ trái đất dự kiến sẽ tăng lên 3,8 tỷ tấn vào giữa thế kỷ này, vượt xa so với dự báo trước đó. Kịch bản đó sẽ kéo theo gánh nặng kinh tế cao gấp đôi, có thể lên đến 640 triệu USD vào năm 2050 (từ mức 361 triệu USD năm 2020). Con số này cũng đã tính tới những những “chi phí ẩn” liên quan việc xử lý rác kém hiệu quả dẫn tới ô nhiễm, suy giảm sức khỏe và biến đổi khí hậu.
Giám đốc điều hành UNEP – bà Inger Andersen cho biết: “Việc tạo ra chất thải về bản chất gắn liền với tăng trưởng GDP và nhiều nền kinh tế phát triển nhanh đang phải chật vật vì gánh nặng từ lượng rác thải ngày càng tăng”.
Theo bà Andersen, những khuyến nghị của UNEP có thể hỗ trợ chính phủ các nước trong nỗ lực “tạo ra xã hội bền vững hơn và bảo đảm một hành tinh đáng sống cho các thế hệ tương lai”.
Báo cáo của UNEP và Hiệp hội Chất thải rắn quốc tế (ISWA) đã được công bố tại Hội nghị Môi trường của Liên Hợp quốc được tổ chức vào tuần này tại Nairobi. Báo cáo được đưa ra tiếp theo sau một báo cáo năm 2018 của Ngân hàng thế giới (WB), ước tính rằng thế giới sẽ thải ra trung bình 3,4 tỷ tấn rác mỗi năm, tính đến năm 2050.
Theo đánh giá của ISWA bản báo cáo và những số liệu ước tính vừa được đưa ra “vừa là hướng dẫn vừa là lời kêu gọi hành động” để đưa ra giải pháp quản lý rác thải hiệu quả.
Cụ thể, báo cáo kêu gọi ngăn chặn sự gia tăng chất thải bằng cách chuyển sang các mô hình kinh tế tuần hoàn và không chất thải. Theo đó, những biện pháp đề cập tới bao gồm việc ngăn chặn rác thải phát sinh ngay từ đầu cũng như các phương pháp tiêu hủy và xử lý rác thải tốt hơn, có thể hạn chế chi phí ròng hằng năm xuống còn khoảng 270 tỷ USD, tính đến năm 2050.
Tuy nhiên, chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa bằng cách chuyển sang một mô hình kinh tế tuần hoàn hơn. Điều đó sẽ cho phép chúng ta thúc đẩy sự thịnh vượng mà không gắn liền với việc gia tăng chất thải. Theo tính toán được nêu lên trong báo cáo của UNEP, điều này có thể mang lại lợi ích kinh tế ròng lên tới hơn 100 tỷ USD mỗi năm.
Tác giả chính của báo cáo, chuyên gia Zoe Lenkiewicz thuộc UNEP nhấn mạnh: “Những phát hiện của báo cáo này đã chứng minh rằng thế giới cần khẩn trương chuyển sang phương pháp tiếp cận không rác thải, đồng thời cải thiện quản lý chất thải để ngăn ngừa ô nhiễm đáng kể, phát thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực đến sức khỏe con người”.
Các bãi chôn lấp rác thải trên thế giới là nguồn phát thải chính khí metan gây hiệu ứng nhà kính mạnh, được thải ra khi chất thải hữu cơ như phế liệu thực phẩm phân hủy. Trong khi đó, việc vận chuyển và xử lý rác thải cũng tạo ra khí carbon dioxide khiến cho trái đất của chúng ta “nóng dần lên”.
Báo cáo của UNEP cảnh báo: “Các hoạt động xử lý chất thải bừa bãi có thể khiến các hóa chất độc hại thấm sâu vào đất, nước và không khí, gây ra thiệt hại lâu dài, thậm chí không thể phục hồi đối với hệ thực vật và động vật địa phương, đồng thời tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, gây hại cho toàn bộ hệ sinh thái và xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người”.
Theo UNEP, việc đốt rác có thể giải phóng những “hóa chất vĩnh viễn” vào không khí, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường. Cũng theo nghiên cứu của UNEP, mỗi năm có tới 1 triệu ca tử vong do bệnh tật liên quan đến những lỗ hổng trong quản lý chất thải, bao gồm tiêu chảy, sốt rét, bệnh tim và ung thư…
Hiện nay, tại Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh.
Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hàng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí. Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn. Ngoài ra, trong số 30% được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp thì cũng có đến 2/3 là được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ô nhiễm không khí.
Tại thành phố Hà Nội, lượng rác sinh hoạt đô thị phát sinh hàng ngày khoảng 7.000 tấn/ngày.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày phát sinh khoảng 10.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị. Thành phố đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư xử lý rác thải hàng chục năm trước nhưng chủ yếu là dùng phương pháp chôn lấp. Hiện nay hầu hết các bãi rác này đã sắp quá tải và đang hàng ngày gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ngoài ra, các thành phố lớn khác đều gặp khó khăn trong vấn đề quản lý và xử lý rác thải. Tại Cần Thơ đã có nhà máy đốt rác phát điện với công suất 400 tấn/ngày, nhưng đang gặp vấn đề về khí thải. Lượng khí thải chiếm tới 5% tổng lượng rác xử lý với nguy cơ chứa các chất gây ung thư như furan và dioxin, đang được thu gom nhưng kho chứa tro bụi đã quá tải mà chưa tìm được cách xử lý phù hợp.
Tại Hải Phòng, lượng rác phát sinh vào khoảng 700-800 tấn/ngày. Một số khu xử lý như khu chôn lấp Tràng Cát hay nhà máy phân compost tỏ ra không hiệu quả. Hiện thành phố đang có kế hoạch kêu gọi các nhà đầu tư xử lý rác theo công nghệ hiện đại hơn.
Tại Đà Nẵng, rác thải đã trở nên vô cùng bức xúc nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được cải thiện.
Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 450/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/4/2022, theo đó xây dựng thực hiện Đề án trọng điểm về tăng cường năng lực quản lý Chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam và xác định lộ trình đến năm 2025 giảm “Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp trên tổng lượng chất thải được thu gom” xuống 30%.
Ngoài ra, còn một số văn bản pháp luật sau đây liên quan đến xử lý rác thải sinh hoạt: QCVN 61-MT:2016/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Lò đốt CTRSH theo hướng quy định nghiêm ngặt hơn, bảo đảm kiểm soát được các chất ô nhiễm phát sinh trong quá trình xử lý, bảo vệ sức khỏe Nhân dân (theo nguyên tắc quy định tại Điều 99 của Luật BVMT). TCXDVN 261-2001: Bãi chôn lấp chất thải rắn – Tiêu chuẩn thiết kế…
An Dương (T/h)