Quảng cáo được phép sử dụng từ “tốt nhất”, “số một” khi nào?

Khoản 11 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018 quy định: Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là hành vi bị cấm.

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL ngày 06 tháng 12 năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 35/2018/TT-BVHTTDL ngày 19 tháng 11 năm 2018, quy định tài liệu hợp pháp quy định tại khoản 11 Điều 8 của Luật Quảng cáo bao gồm: Kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp có chức năng nghiên cứu thị trường; Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự tại các cuộc thi, triển lãm có quy mô khu vực hoặc toàn quốc bình chọn và công nhận các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó là “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự.

Thời gian sử dụng tài liệu hợp pháp chứng minh từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự trên các sản phẩm quảng cáo là 01 (một) năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận hoặc nhận kết quả khảo sát thị trường. Trên sản phẩm quảng cáo phải thể hiện đầy đủ, rõ ràng, chính xác tên tài liệu hợp pháp theo quy định nêu trên.

 Ảnh minh hoạ

Đồng thời, pháp luật quy định chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm sử dụng từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” trong quảng cáo như sau: Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 và điểm a khoản 2 Điều 34 Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP và Nghị định số 128/2022/NĐ-CP, quy định hành vi: Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hành vi vi phạm do cá nhân thực hiện (Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng);

Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng (khoản 7 Điều 34); Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo (điểm a khoản 8 Điều 34);

Theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 thì người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, nội dung quảng cáo sử dụng từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số 1” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự chỉ được phép nếu có các tài liệu chứng minh theo quy định, nếu không thì đây là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu vi phạm thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị tuy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, khi làm nội dung quảng cáo thì tổ chức, cá nhân kinh doanh nên lưu ý để không vi phạm quy định của pháp luật.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích