Biến đổi khí hậu làm trầm trọng hơn tình trạng nghèo đói tại Ethiopia

Biến đổi khí hậu làm trầm trọng hơn tình trạng nghèo đói tại Ethiopia

Ngày 28/2, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo tác động của biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, căng thẳng xã hội và xung đột ở Ethiopia.

Trong Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển (CCDR) công bố tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, WB cho biết phần lớn người dân nghèo ở Ethiopia đang phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu và thiếu nguồn lực để quản lý.

WB nêu rõ, trong những năm gần đây, nỗ lực giảm nghèo của quốc gia Đông Phi này đã chậm lại do nhiều cú sốc, bao gồm đại dịch COVID-19, xung đột Nga – Ukraine dẫn đến giá lương thực và năng lượng trên thế giới tăng cao, hạn hán kéo dài cũng như các cuộc xung đột ở vùng Tigray và gần đây nhất là ở vùng Amhara.

Theo WB, tăng trưởng kinh tế của Ethiopia đã giảm xuống khoảng 6%/năm. Mức tăng trưởng này không đủ để giúp Ethiopia đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của mình, trong đó có mục tiêu giảm đói nghèo cùng cực đang ảnh hưởng đến gần 25% dân số nước này.

tm-img-alt
Người dân tị nạn ở Mekele thuộc vùng Tigray, miền Bắc Ethiopia. Ảnh: AP

CCDR cho thấy đợt hạn hán hiện nay ở Ethiopia đang gây ra những tác động nghiêm trọng nhất trong 40 năm qua, với 6 mùa mưa có lượng mưa thấp liên tiếp, ảnh hưởng nặng nề đến cư dân ở các vùng đồng cỏ khô cằn của nước này.

Báo cáo nhấn mạnh rằng, trong những thập niên tới, biến đổi khí hậu còn có thể làm giảm năng suất của ngành nông nghiệp, hiện đang sử dụng khoảng 60% lực lượng lao động của Ethiopia, trong đó có cả những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất.

Nhiệt độ tăng cao và những thay đổi về lượng mưa cũng có thể làm trầm trọng thêm tỷ lệ mắc các bệnh như sốt rét và sốt xuất huyết. Nhiệt độ gia tăng có thể tạo ra những tác động bất lợi, làm giảm năng suất làm việc và triển vọng tích lũy vốn con người, hai chỉ số cần thiết để duy trì tăng trưởng.

Tác động của biến đổi khí hậu cũng sẽ được thể hiện qua tình trạng lũ lụt ngày càng nghiêm trọng, năng suất cây trồng và vật nuôi giảm, sản xuất thủy điện không ổn định, thiệt hại về cơ sở hạ tầng và tổn thất về sức khỏe con người.

Vĩnh Hải (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích