Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp thuộc điểm nóng gây ô nhiễm môi trường

Theo đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục tăng cường công tác truyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên nước nhằm năng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường và tài nguyên cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Đồng thời tập trung, tăng cường kiểm tra đối với các doanh nghiệp thuộc điểm nóng gây ô nhiễm môi trường. Chủ động kiểm tra đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các doanh nghiệp bị người dân phản ảnh về ô nhiễm môi trường trên địa bàn theo thẩm quyền quản lý. Không ngừng tăng cường theo dõi, đôn đốc trong việc giải quyết, xử lý vi phạm vệ sinh nơi công cộng.

 UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

Mặt khác, triển khai hiệu quả các đoàn kiểm tra đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ trên địa bàn trong việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các sở ngành, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện nhằm tăng tính chủ động, kịp thời trong công tác thanh tra, kiểm tra, xác minh, xử lý phản ảnh ô nhiễm môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở ngành, quận, huyện rà soát, tổng hợp các vướng mắc trong quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; chủ động đề nghị bộ, ngành Trung ương hướng dẫn hoặc báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND thành phố đề nghị các Bộ, ngành Trung ương điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền.

Liên quan tới hành vi vi phạm về môi trường, trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành 162 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường và tài nguyên nước, tăng 06 Quyết định so với năm 2022, với tổng số tiền phạt là 15,6 tỷ đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tiến hành kiểm tra theo kế hoạch đối với 61 doanh nghiệp; kiểm tra đột xuất giải quyết phản ảnh, khiếu nại về ô nhiễm môi trường đối với 04 doanh nghiệp; kiểm tra việc chấp hành quyết định quyết định xử phạt 07 doanh nghiệp; phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra đối với 07 doanh nghiệp; tiếp nhận 114 hồ sơ đề nghị xử phạt do cơ quan khác chuyển đến, tham mưu ban hành 38 quyết định xử phạt, tổng số tiền phạt 4,5 tỷ đồng…

Một số Quy chuẩn Việt Nam về môi trường hiện đang áp dụng ở nước ta

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước: QCVN 08:2023/BTNMT; QCVN 09:2023/BTNMT; QCVN 10-2023/BTNMT.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích: QCVN 43:2017/BTNMT. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí: QCVN 05:2023/BTNMT. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng đất: QCVN 03:2023/BTNMT. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 51:2017/BTNMT; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 61-MT:2016/BTNMT.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sơ chế cao su thiên nhiên QCVN 01-MT:2015/BTNMT; QCVN 11-MT:2015/BTNMT; QCVN 12-MT:2015/BTNMT; QCVN 13-MT:2015/BTNMT;QCVN 60-MT:2015/BTNMT; QCVN 62-MT:2016/BTNMT; QCVN 63:2017/BTNMT.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phế liệu: QCVN 31:2018/BTNMT; QCVN 32:2018/BTNMT; QCVN 33:2018/BTNMT; QCVN 65:2018/BTNMT; QCVN 66:2018/BTNMT; QCVN 67:2018/BTNMT. 

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích