Cảnh giác chiêu dùng tài khoản ngân hàng trùng tên tài khoản facebook để lừa đảo
Theo đó, đối tượng lừa đảo sử dụng các tài khoản ngân hàng trùng tên với tài khoản cá nhân trên mạng xã hội facebook. Sau đó, sử dụng các thủ thuật hack chiếm đoạt facebook người dùng và nhắn tin vay tiền bạn bè của ngươi dùng bị chiếm đoạt tài khoản. Do số tài khoản trùng tên, trùng trang facebook cá nhân nên nhiều người không cảnh giác mà chuyển tiền vào đúng số tài khoản đối tượng lừa đảo đưa ra. Nhiều người không nghĩ đến tình huống kẻ xấu lại có trong tay tài khoản ngân hàng trùng tên với người quen nên mất cảnh giác.
Cảnh giác chiêu dùng tài khoản ngân hàng trùng tên với tài khoản facebook để lừa đảo.
Theo Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục đã nhận được báo cáo về một số trường hợp bị nhóm lừa đảo chiếm tài khoản Facebook để nhắn tin mượn tiền bạn bè, người thân với chiêu thức không mới, nhưng điểm khác biệt so với trước đây là tài khoản nhận tiền trùng cả ngân hàng và tên người dùng, chỉ khác số tài khoản khiến nhiều người bị lừa đến hàng trăm triệu đồng qua mạng xã hội.
Lợi dụng tâm lý của nhiều người tin tưởng khi chuyển tiền đến tài khoản mang tên người quen, các nhóm lừa đảo sau khi có trong tay tài khoản ngân hàng nào đó sẽ săn tìm tài khoản mạng xã hội có tên tương tự để làm mồi nhử.
Cục An toàn thông tin cho biết, tài khoản ngân hàng với người đứng tên bất kỳ có thể được mua trên chợ đen hoặc thuê những người nhẹ dạ đăng ký hộ. Ngoài ra, kẻ xấu có thể lợi dụng kẽ hở của một số ngân hàng cho đăng ký mở online, sử dụng giấy tờ, thông tin cá nhân bị đã bị lộ hoặc đánh cắp.
Sau khi đã có tài khoản ngân hàng, kẻ gian tìm trên mạng xã hội như Facebook những tài khoản có tên giống và tìm cách chiếm quyền điều khiển, ví dụ gửi mã độc qua tin nhắn, email. Khi nạn nhân chẳng may sập bẫy, nhóm lừa đảo sẽ nhanh chóng đánh cắp tài khoản Facebook và nhắn tin mượn tiền hoặc tung tiếp đường link dụ dỗ thêm các nạn nhân khác bằng Facebook của người bị hại.
Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo,người dùng cần bảo vệ thông tin cá nhân để tránh bị lợi dụng, đồng thời thực hiện biện pháp xác minh danh tính qua một kênh khác trước khi tiến hành bất kỳ một giao dịch nào. Ví dụ, khi nhận được tin nhắn từ Messenger, có thể gọi điện trực tiếp để đảm bảo đó đúng là người cần chuyển tiền.
Một cách phổ biến để lừa đảo người dùng là sử dụng Messenger. Những kẻ lừa đảo gửi các liên kết này bằng cách sử dụng bot được tải bằng các tập lệnh chung. Chẳng hạn, “điều này thật vui nhộn…” hoặc “OMG, hãy xem cái này!”. Nếu người dùng thấy một dòng như thế này được đính kèm với một URL, hãy hết sức cẩn thận bởi đây có thể là tin nhắn dẫn đến đường link độc hại.
Những tin nhắn tự động này cố gắng thuyết phục người dùng cung cấp thông tin cá nhân. Tin nhắn có thể làm người dùng sợ hoặc cám dỗ người dùng bằng những lời hứa hẹn về điều gì đó hài hước hoặc thú vị. Nếu người dùng nhận được một tin nhắn như vậy, kể cả từ một người bạn, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn hoặc mở liên kết. Thay vào đó, hãy trả lời và hỏi chuyện gì đang xảy ra. Nếu vẫn không chắc chắn, người dùng có thể kiểm tra đích của liên kết bằng ứng dụng web kiểm tra liên kết đó.
Phương Nam