Khai thác giá trị mới từ các tuyến đường sắt cũ
Khai thác giá trị mới từ các tuyến đường sắt cũ
Quy hoạch Tổng thể Seoul 2040: Những ví dụ tốt cho Quy hoạch Thủ đô Hà Nội – Bài 1: Khai thác giá trị mới từ các tuyến đường sắt cũ.
Đầu năm 2024, GS Choi Jong-Kwon – Tiến sĩ Luật Hành chính và Luật Quy hoạch và Phát triển Đô thị (Viện Nghiên cứu Luật Đại học Quốc gia Seoul – Hàn Quốc) gửi chúng tôi bộ tài liệu Quy hoạch Tổng thể Seoul 2040, trong đó có nhiều nội dung hữu ích mà Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có thể tham khảo.
Quy hoạch Tổng thể Seoul tới năm 2040 thực hiện trong 3 năm 9 tháng (2019-2022)
Bắt đầu từ tháng 3/2019, thực hiện đến tháng 12/2022. Bộ tài liệu gồm 3 tập: Báo cáo tiến trình lập Quy hoạch (272 trang); Kế hoạch tái thiết và bảo trì Seoul tới 2030 (207 trang) và Thuyết minh Quy hoạch Tổng thể Seoul tới 2040 (206 trang) – gọi tắt là QH Seoul 2040.
Bản QH Seoul 2040 (206 trang) là một kế hoạch dài hạn phát triển toàn diện cho Thành phố Seoul với sự tham gia của nhiều đơn vị, bao gồm cả các chuyên gia. Dữ liệu từ tiền quy hoạch, gồm hiện trạng, tầm nhìn tương lai, quy hoạch chiến lược cho từng lĩnh vực và khu vực sinh sống… cho đến khi hoàn thành quyhoạch được tập hợp, tóm tắt và thảo luận – Là kết quả của sự trao đổi rộng rãi giữa nhóm chuyên gia với 1.120 công dân đại diện cho các nhóm khác nhau và tham vấn với các tổ chức liên quan.
Bản QH Seoul 2040 (206 trang), trình bày thành 6 chương, có 33 bảng, 47 hình vẽ. 4/47 hình vẽ dưới đây mô tả những thay đổi về địa giới hành chính, mạng lưới đường bộ, hình thức thành phố Seoul từ năm 1394 đến năm 2000; Những thay đổi của các phương án lập quy hoạch Seoul qua các giai đoạn có bối cảnh kinh tế xã hội khác nhau; Quyết tâm và tầm nhìn trong việc đổi mới phương pháp lập Quy hoạch Seoul 2040 và đặc biệt là hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả của quy hoạch tổng thể (với 39 chỉ tiêu chia thành 6 nhóm).
Ngay trong quá trình lập QH Seoul 2040, thủ đô của Hàn Quốc đối mặt với những khó khăn do đại dịch COVID-19 trong 3 năm, nhưng cũng nhận ra tiềm năng của thành phố dựa trên công nghệ kỹ thuật số tiên tiến, nhận thức công dân vượt trội và môi trường tự nhiên phong phú để giải quyết khủng hoảng khí hậu, chuyển đổi kỹ thuật số và lối sống, chẳng hạn như những thay đổi trong thói quen ăn uống. Thoát khỏi các phương pháp truyền thống, Seoul trong tương lai sẽ là một khu vực kết nối thông qua hệ thống quy hoạch khác biệt, phản ánh các đặc điểm khác nhau của khu vực. Tổ chức lại các khu dân cư hiện hữu thành khu sinh hoạt tự cung tự cấp cho từng căn hộ, trở thành các hạt nhân tự chủ sinh thái thích ứng với các tình huống thảm họa khí hậu và đại dịch. Những đơn vị không gian có thể thực hiện các hoạt động đô thị, tạo ra chất lượng cuộc sống mới cho người dân ở bất kỳ đâu tại Seoul. Nó sẽ trở thành cơ sở cho một chính sách phát triển cân bằng.
Lối sống mới và các tiếp cận mới các không gian cũ sẽ định hình thành phố tương lai
Quy hoạch tổng thể Seoul 2040, thể hiện tầm nhìn “Seoul của tôi là nơi để sống, Seoul cho mọi người trên thế giới” trong không gian đô thị, cụ thể với 7 mục tiêu: Tạo ra khu vực sinh hoạt đa dạng hàng ngày với sự thuận tiện của đi bộ; Tái tổ chức không gian bờ sông làm trung tâm; Tạo ra không gian đô thị mới với hạ tầng 3 chiều; Đổi mới chức năng đa trung tâm ; Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trong tương lai; Thành phố an toàn không xả thải carbon; Chuyển đổi hệ thống quy hoạch cứng nhắc thành thích ứng, năng động, hiệu quả.
Quy hoạch tổng thể Seoul 2040 đã tích hợp các mục tiêu trên trong phương án tái thiết mạng lưới đường sắt, nhà ga, trạm xử lý hàng hóa trên mặt đất của đường sắt quốc gia cũ, để kết nối với đường sắt đô thị nổi và ngầm mới của thành phố.
Seoul có 9,51 triệu dân cư trú tại 25 quận trong thành phố có diện tích 606km2. Thu nhập bình quân Seoul gấp 7 lần Hà Nội (43.404 USD/6.174USD). Seoul có 23 tuyến ĐSĐT dài 1.308km chạy qua 782 ga, phục vụ 8 triệu lượt đi/ngày – là một trong những hệ thống ĐSĐT bận rộn nhất trên thế giới.
Quy hoạch tổng thế Seoul 2040 hướng sự chú ý tới 101km đường sắt chạy nổi trên mặt đất Seoul, gồm 71,6km đường sắt quốc gia và 29,6km ĐSĐT. Các tuyến đường sắt này chạy qua trung tâm thành phố và chính nó là trục giao thông xương sống tạo nên khung cảnh Thành phố trong suốt 100 năm lịch sử. Cùng với đường sắt là 4,5km2 không gian lớn giữa trung tâm thành phố là các ga đầu mối, trạm depo của đường sắt quốc gia lẫn ĐSĐT – đó sẽ là những không gian trung tâm đô thị mới hay hành lang cảnh quan nổi bật trong thành phố tương lai. Các không gian tiềm năng này sẽ được phát triển theo chiều dọc (từ tầng sâu đến tầng cao), và theo chiều rộng (kết nối các nhà ga trung tâm mới và không gian ven sông). Giao thông đô thị không chỉ là sợi dây kết nối các trung tâm mới của thành phố mà còn kết nối các phương tiện giao thông hiện tại với những loại hình xuất hiện trong tương lai.
Thành phố rồng bay với giấc mơ bay xa
Thu ngân sách Hà Nội năm 2011 là 122 nghìn tỷ đồng, Hà Nội đã dự kiến đến 2020 sẽ có 178 km ĐSĐT và BRT với tổng đầu tư gần 200 nghìn tỷ đồng. Thực tế đến 2024 mới có 13km ĐSĐT đang chạy và 13km đang làm. Thu ngân sách Hà Nội năm 2023 đạt 400 nghìn tỷ đồng, nhưng đặt ra viễn cảnh 400km có tổng đầu tư lớn hơn 11 lần tổng Ngân sách thành phố Hà Nội đầu tư giao thông giai đoạn 2016-2025 (888 nghìn tỷ đồng/83,3 nghìn tỷ đồng). Để làm nên kỳ tích ấy Hà Nội trông đợi vào mô hình phát triển theo định hướng TOD hay dự kiến thành lập tập đoàn đầu tư đa ngành đường sắt, thương mại dịch vụ và bất động sản. Tuy vậy, có những câu hỏi chưa lời giải đáp: quỹ đất công làm vốn TOD có còn không hay đã giao làm bất động sản lâu rồi? Hành lang pháp lý đã có sẵn hay chưa có để hỗ trợ quy trình “tái điều chỉnh đất/tái thiết đô thị”? Mô hình tập đoàn đa ngành mới sẽ lấy vốn hoạt động từ đâu, vận hành nó như thế nào trong khi các tập đoàn cũ còn ngổn ngang với món nợ ngàn tỷ dự án đắp chiếu nơi nơi?
Dù khó khăn mấy Hà Nội cũng cố gắng hoàn thành 13km ĐSĐT dở dang và đã khởi động 38km Văn Cao – Hòa Lạc. Nếu may mắn, trước năm 2030 thì nối dài thêm 8km Ga Hà Nội vượt ngầm sông Hồng cập bến ga Gia lâm, sớm đưa 72km ĐSĐT vào sử dụng… Nhưng ngay hiện tại Hà Nội đã có sẵn 116km đường sắt quốc gia đang hoạt động cầm chừng trong lòng Hà Nội, một số đoạn tuyến ngành đường sắt đã bàn giao về Hà Nội. Với hành lang hàng trăm km đường sắt, hàng chục nhà ga đã cắm mốc giới mặt bằng tạo thành mỏ vàng 7,5km2 đất đô thị quý giá, sở hữu công, có thể huy động ngay để phát triển mạng lưới giao thông đô thị tốc độ cao – sức chở lớn, tạo hành lang cây xanh cảnh quan. Không chỉ trở thành mạng lưới giao thông – thương mại trọng yếu của Thủ đô mà còn kết nối với hàng ngàn km đường sắt quốc gia tỏa ra 4 phía: Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Phòng, TPHCM. Thông qua Quy hoạch tổng thể Seoul 2040, Hà Nội cần nhận ra những giải pháp khoa học, khả thi để trình bày trong Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội, thay vì sa đà vào những viễn cảnh xa vời, những mô hình mới còn ẩn chứa quá nhiều rủi ro, dẫn đến nguy cơ vẽ quy hoạch thành quy hoạch treo rất tiềm tàng.
Trần Huy Ánh
Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội,
Thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam,
Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây Dựng)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị