Kỳ 2: Mấu chốt phải kiểm soát được giao dịch

​​​​​​Tăng cường kiểm soát giao dịch kinh doanh, dòng tiền

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thu thuế từ hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội có thực thi được hay không phụ thuộc phần lớn vào phương thức quản lý, giám sát hoạt động thu thuế của cơ quan Nhà nước, chứ không phải là chính sách pháp luật có hay không có đối với hoạt động kinh doanh này.

Mới đây, tại cuộc họp bàn giải pháp chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay, hiện người bán hàng online cần đóng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ kinh doanh online trên 100 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, cơ quan thuế không dễ quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập, kiểm soát giao dịch kinh doanh, dòng tiền.

Lãnh đạo ngành Thuế khẳng định, thời gian tới sẽ siết chặt quản lý thu thuế từ thương mại điện tử. Danh sách những người bán hàng online nợ thuế sẽ bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng đó, cơ quan thuế sẽ cưỡng chế, trong đó có biện pháp cấm xuất cảnh với người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ.

Kỳ 2:  Câu chuyện “làm sao để thu thuế?”
Cơ quan thuế đang đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và truy thu thuế với hoạt động thương mại điện tử. (Ảnh minh họa: H.Phong)

Các biện pháp này mấy năm qua đã được áp dụng với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, riêng với người bán hàng qua thương mại điện tử, cơ quan thuế chủ yếu tuyên truyền, khuyến khích, đôn đốc để các tổ chức, cá nhân kinh doanh và các bên thứ ba tự giác kê khai, nộp thuế.

Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126 năm 2020 quy định tạm hoãn xuất cảnh với người nộp thuế đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người nộp thuế có quyền quyết định tạm hoãn, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.

Trước kia khi chưa được bổ sung thẩm quyền này, các cá nhân nợ thuế, chủ doanh nghiệp, nhất là các chủ doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đã “cao chạy xa bay” trước khi cơ quan Hải quan đề nghị tạm hoãn xuất cảnh. Tuy nhiên, để chống thất thu ngân sách Nhà nước và thu hồi số thuế nợ đọng từ các cá nhân, doanh nghiệp chây ỳ, quy định này là cần thiết để tránh các đối tượng nợ thuế bỏ trốn.

Tổng cục Thuế cũng cho biết, theo quy định hiện hành, sàn giao dịch thương mại điện tử phải cung cấp thông tin về người bán. Riêng các sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo còn phải cung cấp thêm doanh thu của từng người bán.

Bộ Tài chính cũng ký các thỏa thuận, phối hợp về cung cấp thông tin với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và đang trong quá trình xây dựng dự thảo Thỏa thuận phối hợp công tác với Ngân hàng Nhà nước. Dự trên các thông tin này, cơ quan thuế sẽ đưa nhiều cá nhân, tổ chức vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp nhằm điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu.

Kiên quyết xử lý tận gốc, ai chưa đóng phải truy thu

Trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội) cho rằng, mặc dù cơ quan thuế, Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, quản lý thị trường các địa phương đã tích cực vào cuộc để chống thất thu thuế ở lĩnh vực này, song vẫn phức tạp và khó khăn.

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Hiện nay quy định tại Việt Nam về kinh doanh online chưa đầy đủ nên xuất hiện nhiều kẽ hở. Vì vậy, ngành thuế cần phải có cơ sở công nghệ quản lý tốt; đồng thời có luật pháp về vấn đề kinh doanh online và hệ thống quản lý chặt chẽ hơn. Song song với đó là có giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; tập huấn, tuyên truyền để người dân có ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.

Nguyên nhân tại sao? Theo vị chuyên gia, thứ nhất, kinh doanh bán hàng qua mạng tại Việt Nam có số lượng lớn nhưng lại là kinh doanh nhỏ lẻ theo đơn, ít người tự giác đăng ký kinh doanh và nộp thuế cho địa phương.

Thứ hai đối tượng này chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt, kho hàng không cố định, địa phương không nắm được tình hình thực tế, nay bán, mai bỏ kinh doanh.

Thứ ba, theo quy định, cứ có doanh thu 100 triệu đồng/năm trở lên thì cá nhân, tổ chức kinh doanh phải nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng vấn đề nằm ở chỗ, cơ quan chức năng không nắm được doanh thu thực chất của họ, trong khi họ có nhiều cách thức phức tạp để không đạt ngưỡng phải nộp thuế. Ngoài ra còn vô vàn các nguyên nhân khác.

Để khắc phục tình trạng này, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, cần phải bổ sung các văn bán pháp quy về kinh doanh thương mại nội địa cả trực tiếp và online, đặc biệt là hình thức kinh doanh qua mạng xã hội. Ví dụ như mọi giao dịch mua bán phải qua ngân hàng và qua tài khoản chính thống. Doanh nghiệp bán hàng buộc phải đăng ký kinh doanh với địa phương sở tại để quản lý từ gốc, phải mua bán có hóa đơn, máy tính tiền nối với cơ quan thuế địa phương, có bản kê khai bán hàng để đối chiếu chính thức lên sổ thuế phải nộp.

“Việc này phải làm đồng bộ giữa các địa phương để có thể thí điểm, rút kinh nghiệm, nhân rộng ra cả nước”, ông Vũ Vinh Phú nói thêm.

Giải pháp tiếp đến là phân công trách nhiệm cho cơ quan thuế và quản lý thị trường; Công an kinh tế cũng phải vào cuộc và có sự liên thông, phối hợp chặt chẽ. Đội ngũ này phải trong sạch, vững mạnh và được phân trách nhiệm cụ thể theo sát các đối tượng cần quản lý thuế.

Cùng với đó, chuyên gia Vũ Vinh Phúc cho rằng, cần nhanh chóng đưa công nghệ vào quản lý thuế nói chung và bán hàng qua mạng nói riêng, công khai danh sách nộp thuế, nợ thuế theo kỳ để dư luận, cơ quan quản lý giám sát nắm được. Khen thưởng tốt, kịp thời các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt và có chế tài xử phạt các tổ chức, cá nhân chưa chấp hành tốt, kể cả các cơ quan, tổ chức quản lý thuế.

Qua nỗi lo lắng của ngành thuế và qua phân tích của chuyên gia kinh tế, có thể thấy rằng: Khi chúng ta chưa có một công cụ kiểm soát và quản lý hữu hiệu, thì Luật có chặt chẽ đến đâu cũng không thể giải quyết được tận gốc của vấn đề!

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích