Hưng Yên: Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
(Xây dựng) – UBND tỉnh Hưng Yên vừa ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Hưng Yên nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Ảnh minh họa). |
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nghị quyết, kết luận của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát, kiểm tra; nâng cao chất lượng thực thi văn bản pháp luật, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính gây chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm đúng thời hạn và không được đặt thêm các yêu cầu, điều kiện đối với doanh nghiệp; duy trì và nhân rộng các chính sách tốt, tiên tiến về quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong kế hoạch, UBND tỉnh Hưng Yên đề ra mục tiêu: Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển nhằm nâng cao vị thế của tỉnh Hưng Yên trên bảng xếp hạng PCI của cả nước; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển 1 đổi số; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp; tạo dựng môi trường kinh doanh, đầu tư của tỉnh thông thoáng, minh bạch, thân thiện, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ quan trọng và khát vọng chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nhằm phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân; tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Về mục tiêu cụ thể, UBND tỉnh Hưng Yên phấn đấu năm 2024 tiếp tục duy trì và phấn đấu cải thiện điểm số của từng chỉ số thành phần, nâng dần vị trí xếp hạng PCI của tỉnh; nằm trong nhóm 10 địa phương có chất lượng điều hành “Tốt”. Tập trung thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn trong nước đến đầu tư và kinh doanh. Phấn đấu thu hút được từ 1 – 2 tập đoàn kinh tế lớn nước ngoài, công ty xuyên quốc gia đầu tư vào tỉnh; ít nhất từ 1 – 2 cụm công nghiệp, 1 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Được cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để triển khai thực hiện các quy hoạch theo quy định, đảm bảo theo mục tiêu Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Để đạt được các mục tiêu đã nêu, UBND tỉnh Hưng Yên đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Các Sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả cổng thông tin một cửa quốc gia; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng quy định thủ tục hành chính và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững; nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc…
Nguồn: Báo xây dựng