Doanh nghiệp đề xuất gỡ bỏ vướng mắc liên quan tới hợp quy thuốc thú y
Được biết, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-187: 2018/BNNPTNT về Thuốc thú y, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc thú y phải công bố hợp quy đối với các sản phẩm thuốc thú y do cơ sở sản xuất, nhập khẩu theo các quy định tại Quy chuẩn này.
Đối với thuốc thú y là dược phẩm và hóa chất sản xuất trong nước, cơ sở sản xuất công bố hợp quy dựa trên một trong các biện pháp: Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của cơ sở đối với sản phẩm do cơ sở sản xuất đã được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc thú y. Kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật. Kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định theo quy định của pháp luật.
Đối với thuốc thú y là dược phẩm và hóa chất nhập khẩu, cơ sở nhập khẩu công bố hợp quy dựa trên một trong các biện pháp sau: Kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định theo quy định của pháp luật. Đối với vắc xin thú y, cơ sở sản xuất trong nước, cơ sở nhập khẩu công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định theo quy định của pháp luật.
Trình tự công bố hợp và hồ sơ công bố hợp quy theo quy định tại Khoản 3, 4 Điều 1 Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Việc ghi nhãn các sản phẩm thuốc thú y theo đúng quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về ghi nhãn hàng hóa của Chính phủ.
Tổ chức, cá nhân quy định tại Quy chuẩn này có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Quy chuẩn này, thực hiện công bố hợp quy và đăng ký công bố hợp quy theo quy định tại Cục Thú y. Cục Thú y, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy chuẩn này theo phân công, phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Liên quan tới việc phải công bố hợp quy thuốc thú y, mới đây, trong công văn của Hiệp hội Sản xuất – Kinh doanh Thuốc thú y Việt Nam (VPPA) gửi đến Thủ tướng Chính phủ đã phản ánh về việc các doanh nghiệp gặp vướng mắc nghiêm trọng do quy định về thủ tục công bố hợp quy thuốc thú y.
Bởi lẽ, theo Khoản 9 Điều 4 và Khoản 1 Điều 48 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc thú y phải thực hiện thêm thủ tục công bố hợp quy. Và thời gian để thực hiện việc này là từ tháng 4/2024 sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không tiếp tục trì hoãn (trong 5 năm) đối với Thông tư quy định phương thức chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm thuốc thú y và Thông tư quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc thú y.
Theo VPPA đưa ra là thuốc thú y đã được quản lý theo tiêu chuẩn quy chuẩn của Luật Thú y và xác nhận bằng thủ tục đăng ký lưu hành. Trong hồ sơ đăng ký lưu hành cũng bao gồm các giấy tờ, tài liệu hồ sơ công bố hợp quy. Cho nên, việc thực hiện thủ tục công bố hợp quy đối với sản phẩm thuốc thú y là không cần thiết, gây trùng lặp, chồng chéo về mặt quản lý, lãng phí về mặt thời gian, chi phí cho cả bộ máy hành chính của cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp.
Thực tiễn thi hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, một số quy định liên quan đến việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong luật không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh thuốc thú ý trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi và quyền lợi người tiêu dùng.
Trong một góp ý của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hồi tháng 11/2023 đối với Hồ sơ Dự án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. VCCI có lưu ý ở Điều 23 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định “Tiêu chuẩn được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện”, thế nhưng hiện nay, có khá nhiều loại hàng hoá thuộc diện “bắt buộc” phải có tiêu chuẩn kỹ thuật thì mới được lưu thông. Đơn cử như thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản, giống thuỷ sản…
Nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng họ bị xử phạt do không biết rõ hàng hoá của mình thuộc diện phải áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật. Thêm vào đó, quy định này khiến nhiều họ thuê dịch vụ “làm tiêu chuẩn cơ sở” một cách đối phó. Các tiêu chuẩn này sau đó không được cung cấp cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng không có thông tin để lựa chọn hàng hoá có chất lượng tốt hơn.
Theo VCCI, đối với các doanh nghiệp thực sự muốn cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm thì họ sẽ tự nguyện xây dựng tiêu chuẩn cơ sở với các nội dung yêu cầu cao và quảng bá tiêu chuẩn đó đến với khách hàng để khách hàng ưu tiên lựa chọn.
An Dương (T/h)