Nỗ lực của doanh nghiệp và giải pháp để xuất khẩu tôm đạt trên 4 tỷ USD trong năm 2024
Xuất khẩu tôm dự báo sẽ đạt hơn 4 tỷ USD trong năm 2024
Theo Công thương, năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam được nhận định sẽ phục hồi và tăng nhẹ từ 10% đến 15% và dự kiến thu về hơn 4 tỷ USD.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển tôm nước lợ năm 2024 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 23/2 tại Bạc Liêu, bà Trần Thụy Quế Phương – Chánh Văn phòng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (VASEP) – cho biết, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu tôm sang 100 thị trường và nằm trong Top 4 thế giới cùng với Ecuador, Ấn Độ và Indonesia về xuất khẩu.
Tôm Việt Nam chiếm vị trí nhất định tại các thị trường chính. Cụ thể, đứng thứ tư tại thị trường Hoa Kỳ; đứng thứ thứ 3 tại thị trường Trung Quốc; đứng thứ 2 tại thị trường EU; thứ nhất tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh.
Theo bà Trần Thụy Quế Phương, xuất khẩu tôm Việt Nam được nhận định sẽ phục hồi và tăng nhẹ từ 10 – 15% trong năm 2024 bởi kinh tế của các nước có nhu cầu tiêu thụ tôm dần hồi phục; các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu.
Ngoài ra, nhu cầu sản phẩm có nguồn protein từ thủy sản đang dần thay thế nguồn protein từ động vật, nên trong thời gian tới thủy sản, đặc biệt là tôm, có cơ hội phát triển.
Về thị trường, Hoa Kỳ và Trung Quốc được nhận định sẽ tiếp tục là hai thị trường lớn nhất của xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2024, chiếm khoảng 40 – 45% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Do những ảnh hưởng của biến động do xung đột chính trị, những biến động ở Trung Đông dẫn đến chi phí vận chuyển cao nên nhóm thị trường có vị trí gần Việt Nam như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng sẽ là lợi thế. Ngoài ra, sự tăng trưởng của thị trường nhỏ lẻ cũng là động lực để xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tại Việt Nam giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực do chi phí thức ăn nuôi tôm đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp).
Mặt khác, hiện tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác tự nhiên. Các cơ sở trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất,… Đây là những khó khăn mà ngành hàng này đang phải đối mặt.
Theo thống kê của Cục Thủy sản, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,45 tỷ USD và dự kiến đạt 4 – 4,3 tỷ USD trong năm 2024. Dự báo nguồn cung tôm nước lợ toàn cầu tiếp tục tăng khoảng 4,8% trong năm 2024. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho ngành tôm Việt Nam.
Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu
Theo Hải Quan online, thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước năm 2023 đạt 737.000ha, cơ bản không tăng so với năm 2022. Sản lượng đạt 1,12 triệu tấn (tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2022), tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 3,45 tỉ USD, giảm 19,8% so với năm 2022.
Kế hoạch năm 2024 diện tích nuôi tôm tương đương năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đặt mục tiêu đạt mức 4 – 4,3 tỉ USD. Để đạt được mục tiêu ngày, ngành tôm cần chủ động nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu.
Theo lãnh đạo Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, hiện nay, công ty có 3 nhà máy và 2 vùng nuôi tôm có diện tích lớn sản lượng cung cấp dự kiến trên 16.000 tấn /năm. Với nguồn nguyên liệu này, năm 2024, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cải tiến đa dạng hóa sản phẩm nhưng phù hợp với điều kiện nhà xưởng, đặc biệt đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm bao bột, tôm duỗi, tôm chiên, tôm sushi…
Là thủ phủ tôm lớn nhất cả nước, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho rằng, trên địa bàn tỉnh hiện có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm. Các sản phẩm tôm đã được chế biến đạt tiêu chuẩn và thâm nhập vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới.
Bạc Liêu được Chính phủ giao hướng đến xây dựng tỉnh trở thành thủ phủ ngành tôm. Thời gian qua lãnh đạo tỉnh này đã quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người nuôi tôm phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nhất là các khu vực đã được quy hoạch, đặc biệt ưu tiên cho các mô hình theo công nghệ tiên tiến, khép kín, tuần hoàn nước, bảo vệ môi trường,…
“Cơ quan chuyên môn, các viện, trường cần tập trung hỗ trợ địa phương sớm tìm kiếm giải pháp kỹ thuật cho các mô hình nuôi, giảm tỉ lệ rủi ro, đặc biệt cho mô hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh”- lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đề xuất.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mong muốn mở rộng xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc khi nước này bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam. Bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP cho rằng, trong giai đoạn từ 2015 đến 2023, sau khi Hiệp định VKFTA có hiệu lực, các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Hàn Quốc đều ghi nhận tăng trưởng đáng kể. Trong đó, riêng mặt hàng tôm tăng 37%.
Tuy nhiên, hiện nay, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc vẫn đang vướng phải vấn đề hạn ngạch nhập khẩu. Các doanh nghiệp đang chịu chi phí không nhỏ để có được hạn ngạch. Hiệp hội VASEP đã có kiến nghị gửi Chính phủ và Bộ Công Thương, mong được quan tâm và chỉ đạo việc xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với Tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại VKFTA tại kỳ rà soát trong năm 2024.
Theo VASEP, hiện lượng tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc đã vượt xa mức hạn ngạch cho phép (15.000 tấn/năm, thuế nhập khẩu 0%), và thực trạng các nhà nhập khẩu Hàn Quốc phải “đấu thầu” để có hạn ngạch nhập tôm Việt Nam với chi phí không nhỏ, 14-16% giá trị lô hàng.
“Nhu cầu tiêu thụ tôm tại Hàn Quốc ngày càng tăng do các món làm từ tôm ngày càng đa dạng và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chế độ ăn lành mạnh và giàu protein sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp gia tăng đơn hàng, nếu hạn ngạch được dỡ bỏ”, bà Kim Thu khẳng định.
Theo Người đưa tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu