Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Xác định rõ tiềm năng riêng trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội
Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chiều 23/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Trong bản quy hoạch lần này, thành phố Hà Nội cần xác định rõ được những tiềm năng riêng, các thế mạnh khác biệt và nổi trội.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Đặc biệt, phải có cách tiếp cận, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Cùng đó, phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn cả nước về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, thành phố vẫn còn một số khó khăn, thách thức và điểm nghẽn cần giải quyết.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vị thế kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2022, GRDP Hà Nội chiếm 42,2% vùng Đồng bằng sông Hồng; tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 chỉ đạt 6,27%, đứng thứ 9/11 trong vùng Đồng bằng sông Hồng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa hình thành rõ rệt được các ngành kinh tế mũi nhọn, hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, thành phố còn tồn tại về phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Đó là ba vấn đề lớn là tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt. Các tuyến giao thông thuộc hệ thống hạ tầng khung vẫn chưa được hình thành đồng bộ, đặc biệt thiếu các trục xuyên tâm Bắc – Nam và Đông – Tây. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu sự đồng bộ, liên thông, liên kết, chưa phát huy được tiềm năng.
Việc kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt các tỉnh tiểu vùng phía Nam chưa đồng bộ. Hà Nội mới phát triển được 2/8 trục hướng tâm đã được xác định trong quy hoạch. Các nút giao thông vào Thủ đô thường xuyên ùn tắc. Là thành phố không có biển, Hà Nội gặp hạn chế trong cạnh tranh về phát triển dịch vụ, logistics, ảnh hưởng đến độ mở nền kinh tế.
Đồng thời, quy mô dân số Hà Nội đã vượt mức dự báo do tăng dân số cơ học. Việc giãn dân khỏi nội đô không khả thi, tạo áp lực rất lớn đến hạ tầng và chất lượng sống của người dân. Địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông, ngòi; có nền địa chất yếu tạo ra thách thức đến sự phát triển các công trình ngầm, nhất là phát triển không gian ngầm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Gợi ý cho việc xác định các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên và định hướng, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt vấn đề: Việc phát triển kinh tế không cần phải tập trung vào nhiều ngành mà tập trung vào một số ngành có yếu tố nổi trội, lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế. Đơn cử như Bắc Kinh (Trung Quốc) tập trung phát triển tài chính, văn hoá, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); Bangkok (Thái Lan) tập trung vào thế mạnh của họ là thương mại, du lịch và y tế… Bên cạnh đó, Hà Nội có thể tập trung vào các ngành sản xuất chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang là xu thế của thế giới và đang có tiềm năng của Thành phố.
“Các vấn đề định hướng phát triển các ngành kinh tế công nghiệp xanh, kinh tế số, công nghiệp văn hóa, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị… cũng là thế mạnh, lợi thế của Hà Nội”, Bộ trưởng Dũng cho hay.
Ngoài ra, về cơ cấu, tỷ trọng phát triển công nghiệp còn khiêm tốn, chiếm khoảng 24%, không tạo động lực cho Hà Nội phát triển. Việc lựa chọn các ngành mũi nhọn phát triển phải dựa trên cơ sở phát huy thế mạnh và phù hợp thực tiễn, hướng tới tương xứng với các thủ đô các nước xung quanh, mang tầm quốc tế.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có quy mô, phạm vi nghiên cứu rất rộng, với tính chất bao quát hầu hết các lĩnh vực; được tích hợp từ nhiều phương án đề xuất của các ngành, lĩnh vực và địa bàn. Mặc dù, yêu cầu về tiến độ, song Quy hoạch Thủ đô Hà Nội vẫn được triển khai công phu, bài bản, nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch.
Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển thời gian qua, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển. Cụ thể, quy hoạch đề xuất mục tiêu phát triển thành phố là Thủ đô văn hiến – văn minh – hiện đại, nơi hội tụ tinh hoa của cả nước và nhân loại; là trung tâm kinh tế – tài chính lớn của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc. Cùng đó, là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đi đầu về giáo dục – đào tạo theo chuẩn quốc tế; hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại. Đời sống an sinh được bảo đảm toàn diện; có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước tiên tiến trong khu vực.
Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho biết, quy hoạch đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, nổi bật là giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm các dòng sông, xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, sông Đáy để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp. Đồng thời, giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các khu vực đô thị, đề xuất các giải pháp bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ cho các vùng địa hình thấp trũng. Bên cạnh đó, giải quyết căn bản tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ thành phố và tình trạng ùn tắc giao thông đô thị vào giờ cao điểm.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng như định hướng trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và AI, công nghệ sinh học; phát triển sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, các loại giống cây con có vai trò dẫn dắt phát triển nông nghiệp các tỉnh phía Bắc…
Tổ chức không gian phát triển Thủ đô Hà Nội với 5 trục động lực; trong đó, trục sông Hồng là trục động lực chính, điểm nhấn của vùng đô thị trung tâm kết nối đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng với định hướng hình thành không gian văn hóa, lễ hội, văn hóa, thể thao, phát triển du lịch, dịch vụ kinh tế ban đêm và các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, chăm sóc người cao tuổi dọc hai bên sông.
Ngoài ra, khai thác có hiệu quả 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành đầu mối hội tụ, trung tâm kết nối, động lực lan toả nội vùng và liên vùng. Từ đó, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, hướng tới các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển; khẳng định Hà Nội là động lực phát triển vùng, là cực tăng trưởng của quốc gia, cửa ngõ của khu vực ASEAN kết nối với Trung Quốc.
Cùng đó, tổ chức hài hòa, khai thác hợp lý 5 không gian phát triển và phát triển mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại, sáng tạo với điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành khu vực động lực phát triển Thủ đô bao gồm 1 đô thị trung tâm và 4 thành phố thuộc Thủ đô. Phát triển hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ thuộc khu vực nông thôn; phát triển các khu chức năng và kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng thông minh, hiện đại…
Trên cơ sở các ý kiến tham gia của các thành viên, ủy viên Hội đồng thẩm định và các đại biểu tham dự phiên họp, cơ quan lập quy hoạch tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để sớm báo cáo xin ý kiến của Quốc hội và trình phê duyệt theo quy định.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.
Nguồn: Báo xây dựng