Nhanh chóng hoàn thiện và ban hành Quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc

Trên thực tế, tại tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Dầu Giây dài tới 200km không có trạm dừng nghỉ. Các tuyến cao tốc như Tiên Yên – Móng Cái hơn 63 km, tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dài 139km, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn dài 64km…cũng rơi vào tình trạng tương tự. Một số tuyến cao tốc vừa đưa vào sử dụng như: Mai Sơn – Quốc lộ 45, TPHCM – Long Thành – Dầu Giây hay cao tốc TPHCM – Trung Lương (62km) và Trung Lương – Mỹ Thuận (51km), trên cả quãng đường dài 113km này hiện chỉ có một trạm dừng nghỉ tại km28+200, địa phận tỉnh Long An.

Điều này khiến tài xế và hành khách bức xúc khi lâm vào tình cảnh bức bí phải nhịn đi vệ sinh. Tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn , ngoài sóng điện thoại chập chờn, không trạm xăng, không trạm dừng nghỉ…, những cung đường cấm vượt kéo dài, còn thiếu camera giám sát nên không ít tài xế vượt ẩu, tạo ra những tình huống nguy cơ dẫn tới tai nạn.

TS. Nguyễn Hữu Đức, Chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông JICA đánh giá việc liên tục xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng trên các tuyến cao tốc vừa qua là hồi chuông cảnh báo cho việc xây dựng đường cao tốc.

Theo ông Đức, ngoài ý thức của tài xế, còn có một số nguyên nhân từ việc một số tuyến đường cao tốc ở Việt Nam không có làn dừng khẩn cấp, không có trạm dừng nghỉ, không đạt tiêu chuẩn tối thiểu của đường cao tốc, nhưng vẫn được đầu tư, cho vào hoạt động. 

Ông Đức cho rằng, hiện Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc. Do đó, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy hoạch. Tuy nhiên, các quy định này chưa có tính đồng bộ, dẫn đến việc một số tuyến đường cao tốc được đầu tư không đạt tiêu chuẩn tối thiểu. Việc các tuyến đường cao tốc không có làn dừng khẩn cấp, không có trạm dừng nghỉ, không đạt tiêu chuẩn tối thiểu gây ra nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Khi xảy ra tai nạn, xe cứu hộ không thể tiếp cận hiện trường để cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Đầu tư cao tốc sử dụng nguồn kinh phí lớn nhưng hạ tầng không được đầy đủ về lâu dài sẽ lãng phí.

 Nhiều tuyến cao tốc đã được đưa vào vận hành từ lâu nhưng vẫn chưa có trạm dừng nghỉ, cơ sở hạ tầng có thiếu đồng bộ… Ảnh minh họa 

PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, đường cao tốc đúng chuẩn phải có dải phân cách giữa, không được giao cắt đồng mức, có làn dừng khẩn cấp, có công trình hạ tầng dịch vụ đi theo như trạm dừng nghỉ. Tuy nhiên, thời gian qua, do điều kiện tài chính khó khăn nên Việt Nam áp dụng phân kỳ đầu tư, dẫn đến một số tuyến cao tốc không hội tụ đủ những tiêu chuẩn này.

Theo ông Trần Chủng, ở nước ngoài, lái xe phải lập lộ trình để trên đường đi mấy trăm km sẽ dừng nghỉ ở trạm nào. Trong đó, khoảng cách 60km cần có những điểm dừng phục vụ sinh hoạt thông thường của người dân (nghỉ ngơi, uống nước, nhà vệ sinh,…); khoảng cách 120km trở lên cần những trạm dừng nghỉ lớn hơn (có cây xăng, nhà nghỉ). Song ở Việt Nam xảy ra tình trạng chỉ chú tâm vào làm đường, còn lãng quên những tiêu chí này. Hiện chúng ta vẫn chưa đưa ra được quy chuẩn. Muốn làm cao tốc thì cũng cần phải cao tốc ngay từ các thủ tục hành chính, tức cơ quan quản lý cần phải tăng tốc các thủ tục hành chính. Khi những tiêu chuẩn này được nâng thành quy chuẩn thiết kế thì tất cả dự án đường cao tốc phải đáp ứng, tuân thủ đầy đủ.

Cần nhanh chóng hoàn thiện và ban hành Quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc

Để đồng bộ, Bộ GTVT đang dự thảo Quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc. Theo đó, đường cao tốc được phân làm các cấp như sau: Cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80km/h; cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100km/h; Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120km/h và được nghiên cứu, thiết kế riêng. Trong đó, cấp 80 km/h chỉ áp dụng với vùng núi, đồi cao, nơi có địa hình khó khăn, hoặc trong trường hợp phân kỳ đầu tư. Việc chọn cấp cao tốc phải phù hợp các yếu tố kinh tế – kỹ thuật – xã hội.

Riêng đường cao tốc có thể được phép thiết kế tốc độ 60 km/h để giảm kinh phí đầu tư, nhưng chỉ áp dụng với vùng đặc biệt khó khăn về địa hình. Bộ GTVT đề xuất, đường cao tốc hoàn chỉnh phải có tối thiểu 2 làn xe cho mỗi chiều, tổng 4 làn xe chạy. Đáng chú ý, cứ khoảng từ 15 km đến 25 km phải bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường để người đi đường có thể dừng xe nghỉ ngơi, ngắm cảnh tự nhiên và tự bảo dưỡng xe; vị trí có thể được chọn xa đường từ vài chục đến hàng trăm mét.

Cứ khoảng từ 50 km đến 60 km bố trí một trạm dịch vụ kĩ thuật thông thường, có khả năng cấp xăng, dầu, sạc điện, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn. Cứ khoảng từ 120 km đến 200 km bố trí một trạm dịch vụ lớn, có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu, sạc điện ngoài ra còn có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn, văn phòng chỉ dẫn du lịch, chỉ dẫn trung chuyển…

Khánh Mai (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích