NQI tác động mạnh mẽ đến sự phát triển ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Theo ông Trần Quý Giầu, Vụ trưởng Vụ Đo lường (Tổng cục TCĐLCL), hiện nay, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cho rằng hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) là một công cụ tuyệt vời để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Theo chuyên gia quốc tế, các quốc gia có NQI phát triển đều là các nền kinh tế có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chiếm thị phần quan trọng trên thị trường quốc tế.

Với Việt Nam, NQI hỗ trợ phát triển kinh tế thông qua thị trường nội địa, giúp các sản phẩm của Việt Nam tiếp cận thị trường nước ngoài như: các nhà sản xuất trong nước phải đảm bảo sản phẩm của họ có chất lượng phù hợp, tuân thủ tiêu chuẩn có liên quan theo yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu. Trong thương mại quốc tế, NQI hỗ trợ sản phẩm đạt các yêu cầu về tiêu chuẩn và chất lượng, ngoài ra sự tăng lên của các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRAs) sẽ giúp thương mại quốc tế được vận hành nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Đồng thời phát triển NQI thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam thông qua tập trung chuyển dịch hàm lượng tri thức khoa học và công nghệ vào sản phẩm để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn.

 Ảnh minh hoạ.

Việc xây dựng và phát triển NQI sẽ có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng được bảo đảm tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế từ trung ương đến địa phương tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn ngành đối với 05 trụ cột chính: tiêu chuẩn hóa, đo lường, công nhận chất lượng, đánh giá sự phù hợp, thanh tra, kiểm tra (giám sát thị trường) nhằm hiện thực hóa mục tiêu: “phát triển được hạ tầng chất lượng quốc gia đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế mạnh mẽ về tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới” tại Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 (Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Do đó, xây dựng và phát triển NQI là nhiệm vụ trọng tâm của ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong thời gian tới.

Cũng theo ông Trần Quý Giầu, đối với công chúng, định nghĩa, khái niệm về hạ tầng chất lượng quốc gia còn khá mới. Để công chúng có thể tiếp cận, hiểu sâu hơn về hạ tầng chất lượng quốc gia cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm tuyên truyền phổ biến đến công chúng nói chung và người làm công tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường nói riêng.

Một số giải pháp đề xuất thực hiện như đẩy mạnh công tác đưa tin, bài trên trên truyền hình, phát thanh, báo điện tử, mạng xã hội như Facebook, Zalo.. có lượng người tham gia lớn; Tăng cường tổ chức hội thảo chuyên sâu về NQI hoặc lồng ghép nội dung NQI trong hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng do bộ, ngành, địa phương tổ chức;

Xuất bản, phổ biến các tài liệu, sách giấy hoặc điện tử về hạ tầng chất lượng quốc gia. Ví dụ như cuốn sách Hạ tầng chất lượng quốc gia – Thực trạng và giải pháp (tài liệu tham khảo nội bộ) do Vụ Đo lường biên soạn giới thiệu nhân dịp tổng kết cuối năm của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Đặc biệt, cần xây dựng chuyên mục về hạ tầng chất lượng quốc gia trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục TCĐLCL, Tạp chí điện tử VietQ.vn.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích