Phú Yên: Khám phá nét độc đáo di tích địa đạo Gò Thì Thùng
(Xây dựng) – Năm 2008, địa đạo Gò Thì Thùng được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Mỗi năm khi Tết đến Xuân về, vào ngày Mùng 9 Tết Nguyên đán lại diễn ra hội đua ngựa truyền thống trên Gò Thì Thùng và trở thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến với Phú Yên.
Di tích lịch sử cấp quốc gia địa đạo Gò Thì Thùng thuộc thôn Xuân Thành, xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. |
Xây dựng địa đạo chiến đấu
Di tích lịch sử cấp quốc gia địa đạo Gò Thì Thùng thuộc thôn Xuân Thành, xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Địa điểm này chỉ cách thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An chừng 15km về phía Tây.
Địa đạo Gò Thì Thùng được xây dựng trên đỉnh cao nguyên Gò Thì Thùng, có độ cao khoảng 400m so với mực nước biển, với vị trí cao, bao bọc bởi nhiều cây xanh nên khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ.
Ngày đó, trước sự lớn mạnh của kẻ thù, Tỉnh ủy Phú Yên và Ban Chỉ huy quân sự Khu V quyết định đào địa đạo tại Gò Thì Thùng. Ngày 10/5/1964, công trình địa đạo Gò Thì Thùng bắt đầu được khởi công, công trình diễn ra trong 15 tháng, đến 8/1965, công trình địa đạo Gò Thì Thùng được hoàn thành.
Trong suốt thời gian đó, Tỉnh ủy Phú Yên và Huyện ủy Tuy An huy động trên 100 nghìn nhân công thực hiện. Địa đạo Gò Thì Thung là công trình quân sự kiên cố đã huy động rất lớn nhân công xây dựng hoàn thành để sẵn sàng đối phó với địch khi chúng áp dụng chiến lược chiến tranh có quy mô lớn.
Đường vào hầm địa đạo. |
Công trình địa đạo chạy qua hướng Bắc – Nam, xuyên qua Gò Thì Thùng với tổng chiều dài gần 2km, có độ sâu trung bình 5m so với mặt đất, chiều rộng 0,8m, chiều cao 1,6m đến 1,8m đủ tầm người đứng và hoạt động khi mang ba lô vũ khí và các phương tiện chiến đấu.
Đỉnh đường hầm cách mặt đất từ 3m đến 3,5m, ngoài đường hầm chính và đường nhánh dưới mặt đất xung quanh Gò Thì Thùng, quân ta đào nhiều lớp chiến hào chằng chịt thông với nhau và thông với địa đạo. Dọc theo chiến hào, quân ta bố trí nhiều công sự chiến đấu, giữa những lớp giao thông hào ở phía trước và phía sau địa đạo, quân ta cắm những bãi chông, bao gồm: Chông thấp, bộ binh hành quân và cọc cao chống máy bay hạ cánh đổ quân.
Đường xuống địa đạo. |
Khi thất bại nặng trên chiến trường, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam. Tại cao nguyên An Xuân diễn ra nhiều trận càn ác liệt, quân và dân ta lập được nhiều chiến công vang dội góp phần quan trọng vào chiến thắng “Chiến tranh cục bộ” ở chiến trường miền Nam.
Trận đánh ngày 24/6/1966 là chiến công lớn nhất của quân đội và nhân dân ta gắn với địa đạo Gò Thì Thùng. Trong trận này, công trình địa đạo Gò Thì Thùng phát huy cao nhất công năng sử dụng, vừa là nơi bảo vệ chỉ huy sở vừa bảo vệ lực lượng chiến đấu, bảo vệ thương binh trong suốt thời gian chiến sự.
Điểm du lịch về nguồn mang nhiều giá trị lịch sử
Sau ngày giải phóng, dấu vết chiến tranh trên Gò Thì Thùng còn in rõ bởi hố bom, bãi mìn và thuốc súng. Vì mang lại giá trị lịch sử to lớn của tỉnh Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung, địa đạo Gò Thì Thùng được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 65, ngày 22/8/2008. Được biết, cùng với địa đạo Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị), địa đạo Gò Thì Thùng là một trong ba địa đạo lớn ở Việt Nam.
Nhà trưng bày các hiện vật, tranh ảnh, tư liệu. |
Để bảo tồn di tích, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên và UBND huyện Tuy An thực hiện trùng tu và đưa di tích này vào khai thác. Trùng tu xây dựng các hạng mục gồm: 2 nhà che cửa hầm địa đạo, 3 nhà che giếng, lối đi xung quanh di tích, khôi phục 95 đoạn hào địa đạo và lắp đặt 10 bia hướng dẫn trong khu vực, một phòng lớn được xây với diện tích 154m2 làm phòng tiếp khách và trưng bày các hiện vật, tranh ảnh, tư liệu trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Các hệ thống điện, nước và các hệ thống nhà vệ sinh công cộng cũng được lắp đặt đầy đủ để phục vụ du khách khi tới thăm quan di tích.
Địa đạo Gò Thì Thùng là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến với Phú Yên nhờ giao thông đi lại thuận lợi nằm trên tuyến đường ĐT.650. Sau khi tham quan xong khu di tích, du khách có thể nán lại nơi đây để thưởng thức những món ăn địa phương dân dã như canh rau rừng, canh chua lá dít.
Toàn cảnh khu di tích địa đạo Gò Thì Thùng. |
Ngoài việc tham quan khu di tích địa đạo Gò Thì Thùng để hiểu thêm về những câu chuyện lịch sử hào hùng của quân và dân ta trong những năm tháng chiến tranh, du khách có thể đến thăm Nhà thờ Bác Hồ, cách khu di tích Gò Thì Thùng khoảng 10km đi từ xã An Xuân (huyện Tuy An) đến xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) để có những kỷ niệm đáng nhớ trên hành trình về nguồn.
Hội đua ngựa diễn ra vào ngày Mùng 9 tháng Giêng hàng năm. |
Điều đặc biệt đến với Di tích lịch sử quốc gia địa đạo Gò Thì Thùng, du khách có thể hòa mình vào không khí sôi động, vui tươi, hào khí của hội đua ngựa diễn ra vào ngày Mùng 9 tháng Giêng hàng năm. Đây là hoạt động văn hóa đặc sắc của người dân Phú Yên mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Tham gia hội đua ngựa là các “kỵ sĩ” nông dân lao động, các “kỵ mã” chuyên chở nông sản hàng ngày. |
Nét độc đáo của hội đua ngựa truyền thống tại địa đạo Gò Thì Thùng là các “kỵ sĩ” trên lưng ngựa là những nông dân lao động, các “kỵ mã” trên đường đua là những chú ngựa hàng ngày chuyên chở nông sản của vùng miền núi phía Tây huyện Tuy An. Khu vực này, giao thông đi lại khó khăn do đặc điểm địa hình nhiều đồi núi, dốc cao, nên người dân nuôi ngựa để thồ hàng. Sự vui nhộn, hấp dẫn của hội đua ngựa ở đây là tính không chuyên, dân dã, bình dân, chân chất vốn có của con người trên vùng đất này.
Nguồn: Báo xây dựng