Thanh tra tỉnh Quảng Nam kết luận gì về công tác giải ngân vốn đầu tư công do Ban Quản lý dự án làm chủ đầu tư?
(Xây dựng) – Thanh tra tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các Sở, ban, ngành tập trung giải quyết vướng mắc, kiến nghị của các địa phương liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để các cơ quan chuyên môn thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng có cơ sở để triển khai thực hiện và bàn giao mặt bằng thi công công trình đảm bảo tiến độ.
Trong 2 năm 2022-2023, Ban Quản lý dự án triển khai thực hiện 33 dự án, công trình, tỉ lệ giải ngân vốn bình quân là 85% (tính đến 31/1/2024). |
Tiến độ giải ngân vốn trên 85%
Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Tiến vừa có Kết luận thanh tra công tác giải ngân vốn đầu tư công các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, nguồn vốn ngân sách tỉnh năm 2022 và năm 2023 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Quản lý dự án) tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư.
Theo đó, tổng số dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2022-2023 là 29 dự án. Trong đó, tổng kế hoạch vốn 2.905 tỷ đồng (vốn kéo dài 2021 sang năm 2022 là 55,7 tỷ đồng; kế hoạch vốn giao trong giai đoạn năm 2022-2023 là 2.849 tỷ đồng). Tổng giá trị giải ngân từ 1/1/2022 – 31/1/2024 là 2.402 tỷ đồng.
Tổng số dự án có chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư được phê duyệt giai đoạn 2022-2023 là 4 dự án, trong đó năm 2022 3 dự án, tổng kế hoạch vốn bố trí là 441 tỷ đồng; giá trị giải ngân tính đến 31/12/2022 là 441 tỷ đồng; tổng khối lượng thưc hiện là 47 tỷ đồng. Năm 2023 có 1 dự án, kế hoạch vốn bố trí 5 tỷ đồng; giá trị giải ngân đến 31/1/2024 là 5 tỷ đồng; tổng khối lượng thực hiện 978 triệu đồng.
Tổng kế hoạch vốn bố trí trong 2 năm 2022-2023 là 3.351 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 1.611 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 1.739 tỷ đồng.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án, công trình trong 2 năm 2022-2023, tính đến 31/1/2024, Ban Quản lý dự án đang triển khai thực hiện 33 dự án, công trình; tỉ lệ giải ngân vốn bình quân trong 2 năm là 85%. Trong đó, năm 2022 đạt 84,2% và năm 2023 đạt 86,04%. Tổng giá trị giải ngân cho 29 công trình chuyển tiếp là 2.402 tỷ đồng và cho 4 công trình mới là 446 tỷ đồng.
Tỷ lệ giải ngân vốn tại 33 công trình trong 2 năm có 26 công trình giải ngân 100% vốn, 2 công trình tỉ lệ giải ngân trên 90%, 3 công trình tỉ lệ giải ngân thấp dưới 50%. Tỉ lệ giải ngân chưa đạt và thấp chủ yếu vốn ODA.
Qua thanh tra, xác định trong 2 năm 2022 – 2023, Ban Quản lý dự án tỉnh Quảng Nam đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện các dự án, công trình, việc giải ngân vốn đầu tư cho các dự án, công trình theo đúng quy định của Trung ương và chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Việc phân bổ nguồn vốn đầu tư công cơ bản đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải ngân vốn theo kế hoạch qua các năm đạt trên 85% tổng kế hoạch vốn giao. Hiệu quả sử dụng vốn đạt hiệu quả cao, hầu hết các dự án sau khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả sử dụng, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải ngân tại một số dự án, công trình vẫn còn chậm, chưa đạt theo kế hoạch vốn được giao như kết quả thanh tra đã nêu. Qua thanh tra cho thấy việc giải ngân vốn đầu tư công trong 2 năm 2022-2023 tại Ban Quản lý dự án vẫn chưa đạt theo kế hoạch được giao (năm 2022 đạt 84,2% và năm 2023 đạt 86,04%). Tỷ lệ giải ngân vốn tại các công trình trong 2 năm (2022-2023) vẫn còn một số công trình còn chậm, chưa đạt theo kế hoạch 2 công trình có tỷ lệ giải ngân trên 90%; 2 công trình có tỷ lệ giải ngân trên 80%; 3 công trình có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 50%. Tỷ lệ giải ngân chưa đạt và thấp chủ yếu vốn ODA.
Việc giải ngân thấp xuất phát từ nguyên nhân khách quan do thiếu hụt nguồn vốn nên một số dự án tuy đã triển khai hoàn thành, hoặc có khối lượng thi công hoàn thành lớn hơn mức vốn kế hoạch không thể giải ngân đúng theo kế hoạch. Ngoài ra, còn ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác chuẩn bị, triển khai dự án gặp khó khăn.
Một nguyên nhân khác là tình hình giá cả vật liệu xây dựng tăng cao, vật liệu xây dựng khan hiếm (đất đắp, cát…) nên hầu hết các dự án không đạt tiến độ theo yêu cầu dẫn đến giải ngân chậm; công tác giải phóng mặt bằng còn chậm; kế hoạch vốn bố trí thừa do quyết toán công trình giảm; kế hoạch vốn còn lại được bố trí vào cuối năm nên không kịp giải ngân; công tác đấu thầu kéo dài; một số dự án vướng thủ tục về đất rừng cần xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ; trình tự thẩm định ở các sở chuyên ngành chậm, công tác phối hợp của các cơ quan, đơn vị chồng chéo… Ngoài ra, một số dự án sử dụng vốn vay có thủ tục kéo dài, tồn nhiều thời gian.
Thanh tra tỉnh Quảng Nam kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành và địa phương liên quan thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng có cơ sở để triển khai thực hiện và bàn giao mặt bằng thi công công trình đảm bảo tiến độ. |
Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ dự án
Thanh tra tỉnh Quảng Nam kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh tập trung quan tâm giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của các địa phương liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để các cơ quan chuyên môn thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng có cơ sở để triển khai thực hiện và bàn giao mặt bằng thi công công trình đảm bảo tiến độ.
Chỉ đạo các địa phương nơi có dự án đi qua quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để giải quyết có hiệu quả, kịp thời các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nhằm bàn giao mặt bằng thi công các công trình đúng theo kế hoạch được duyệt (Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, thành phố Hội An; Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hội An; Dự án Cải thiện môi trường đô thị Chu Lai Núi Thành; Dự án Đường trục chính nối KCN ôtô Chu Lai trưởng Hải đến KCN Tam Anh (giai đoạn 2); Dự án Đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn đến Quốc lộ 1A tại Ngã 3 Cây Cốc).
Chỉ đạo các sở chuyên ngành của tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt hồ sơ giai đoạn chuẩn bị thực hiện dự án. Đẩy nhanh các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm và đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng ngày càng tăng cao của các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tham mưu bố trí vốn đảm bảo các dự án triển khai đúng theo kế hoạch, tiến độ dự án. Trong đó ưu tiên bố trí vốn các dự án đã triển khai thi công có khối lượng, các dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, đủ điều kiện khởi công. Riêng đối với các dự án đang triển khai nhưng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa cân đối đủ số vốn để dự án hoàn thành cần rà soát điều chỉnh để đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Đối với Ban Quản lý dự án tỉnh Quảng Nam, Thanh tra tỉnh cũng đề nghị đơn vị tuân thủ nghiêm các quy định trong công tác quản lý và sử dụng vốn đầu tư công theo Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các văn bản có liên quan.
Tăng cường phối hợp với các địa phương và các cơ quan có liên quan trọng công tác giải phóng mặt bằng; chủ động đôn đốc các địa phương xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Kiểm tra, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án và ưu tiên bố trí vốn thanh toán khối lượng hoàn thành; kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắt phát sinh trong từng dự án.
Kiểm soát chặt chẽ, quản lý nguồn vốn tạm ứng hợp đồng theo đúng quy định; theo dõi, yêu cầu nhà thầu sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định của hợp đồng.
Kiên quyết thực hiện các biện pháp xử lý việc chậm tiến độ so với hợp đồng của các đơn vị thi công; thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong việc chậm tiến độ theo quy định tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về xử lý vi nham hành chính về xây dựng.
Nguồn: Báo xây dựng