Vì sao phải xây dựng quy chuẩn cho thiết bị vô tuyến mặt đất?

Bộ TT&TT đang xây dựng Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về tương thích điện từ đối với thiết bị vô tuyến di động mặt đất và trung kế vô tuyến mặt đất (sau đây gọi tắt là Dự thảo) và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động. Dự thảo quy định về: yêu cầu kỹ thuật (điều kiện đo kiểm, thử nghiệm, đánh giá chất lượng, khả năng áp dụng), yêu cầu về quản lý, lộ trình áp dụng và trách nhiệm của các tổ chức liên quan.

Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các tổ chức đánh giá sự phù hợp, các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh và khai thác các thiết bị vô tuyến di động mặt đất, trung kế vô tuyến mặt đất.

Tình hình tiêu chuẩn hóa tại Việt Nam

Trong bản thuyết minh dự thảo quy chuẩn, Bộ TT&TT cho biết, Luật Tần số vô tuyến điện (Điều 5 và Điều 15) quy định: Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tần số vô tuyến điện; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị vô tuyến điện, phát xạ vô tuyến điện, tương thích điện từ, an toàn bức xạ vô tuyến điện; Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành Danh mục thiết bị vô tuyến điện, thiết bị viễn thông và thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện có khả năng gây mất an toàn do không tương thích điện từ.

Qua thực trạng khai thác sử dụng thiết bị di động mặt đất thời gian vừa qua cho thấy số lượng mạng di động dùng riêng được cấp phép tần số có xu hướng giảm trong giai đoạn năm năm trở lại đây, tuy nhiên tổng số lượng thiết bị được cấp phép sử dụng trong các mạng này vẫn giữ ổn định. Trong khi đó mạng liên lạc nội bộ có chiều hướng gia tăng cả về số lượng mạng lẫn số lượng thiết bị sử dụng trong mạng.

Bên cạnh đó, thực tế triển khai đo kiểm, thử nghiệm chất lượng phát xạ vô tuyến và tương thích điện từ đối với các thiết bị vô tuyến lưu động mặt đất dùng bộ đàm trong thời gian vừa qua cho thấy đã ghi nhận trường hợp thiết bị không đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật về phát xạ EMC và cần phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật cho thiết bị để giảm thiểu mức phát xạ.

Hiện nay, Bộ TT&TT đã ban hành 04 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phát xạ vô tuyến cho thiết bị vô tuyến di động mặt đất; 01 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ cho thiết bị trung kế vô tuyến điện mặt đất (TETRA) và 01 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ cho thiết bị thông tin vô tuyến điện.

Như vậy về quản lý tương thích điện từ, các thiết bị vô tuyến di động mặt đất chưa có quy chuẩn riêng để áp dụng mà đang sử dụng QCVN 18:2022/BTTTT là quy chuẩn chung. Đối với thiết bị TETRA, QCVN 100:2015/BTTTT sử dụng tài liệu tham chiếu được ban hành từ khá lâu (2002) nên cần được rà soát, cập nhật.

 Ảnh minh hoạ.

Tình hình tiêu chuẩn hóa trên thế giới

Ủy ban quốc tế đặc biệt về nhiễu vô tuyến (CISPR) là cơ quan chuyên trách của IEC có nhiệm vụ xây dựng các tiêu chuẩn để kiểm soát và bảo vệ máy thu vô tuyến trong dải tần từ 9 kHz đến 400 GHz khỏi nhiễu điện từ trường gây bởi hoạt động của các thiết bị điện, điện tử và hệ thống trong môi trường điện từ trường. Cơ quan này đã xây dựng và ban hành một loạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về tương thích điện từ để đặt ra các yêu cầu về phát xạ và miễn nhiễm cũng như hướng dẫn về phương pháp thử nghiệm tương thích điện từ.

Nhìn chung, hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật về tương thích điện từ do CISPR ban hành thường không hướng tới một đối tượng sản phẩm tiêu dùng cụ thể và không những đặt ra yêu cầu kỹ thuật về tương thích điện từ như các tiêu chuẩn quản lý thông thường mà còn mô tả theo chiều sâu các yếu tố liên quan đến đặc tính kỹ thuật của phương tiện đo kiểm, thử nghiệm, môi trường thực hiện đo kiểm/thử nghiệm và các kỹ thuật đo kiểm nhiễu bức xạ và miễn nhiễm.

Liên minh viễn thông quốc tế ITU ban hành Khuyến nghị ITU-T K.116, trong đó đưa ra các yêu cầu về khả năng tương thích điện từ và phương pháp thử nghiệm đối với thiết bị đầu cuối viễn thông vô tuyến. Khuyến nghị này xác định các yêu cầu về khả năng tương thích điện từ (EMC) thiết yếu đối với thiết bị đầu cuối viễn thông vô tuyến và các phụ kiện phụ trợ; chẳng hạn như di động mặt đất, đài vô tuyến di động và thiết bị phụ trợ. Các khuyến nghị về yêu cầu đo kiểm phát xạ và miễn nhiễm cho thiết bị đầu cuối viễn thông vô tuyến hầu hết được tham chiếu từ tiêu chuẩn của IEC, CISPR (ngoại trừ đối với chỉ tiêu miễn nhiễm đối với đột biến, quá áp trong môi trường phương tiện vận tải, ITU tham chiếu đến tiêu chuẩn của ISO).

Tại châu Âu, Viện Tiêu chuẩn Viễn thông Châu Âu ETSI đã công bố Tiêu chuẩn ETSI EN 301 489-5: ElectroMagnetic Compatibility (EMC) standard for radio equipment and services; Part 5: Specific conditions for Private land Mobile Radio (PMR) and ancillary equipment (speech and non-speech) and Terrestrial Trunked Radio (TETRA); Harmonised Standard covering the essential requirements of article 3.1(b) of the Directive 2014/53/EU: Đây là tiêu chuẩn kỹ thuật về tương thích điện từ áp dụng cho cả thiết bị di động mặt đất và thiết bị phụ trợ (thoại và phi thoại) và thiết bị trung kế vô tuyến điện mặt đất (TETRA). Tiêu chuẩn này áp dụng cho cả thiết bị vô tuyến di động mặt đất (PMR) công nghệ tương tự và công nghệ số, nhưng không bao gồm các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến phát xạ tại cổng anten và khả năng phát ra từ cổng vỏ của thiết bị PMR. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn này cũng cụ thể hóa các điều kiện thử nghiệm, đánh giá hiệu năng của thiết bị và tiêu chuẩn đánh giá hiệu năng áp dụng cho thiết bị PMR và thiết bị phụ trợ.

Nhiều nội dung quy định trong tiêu chuẩn ETSI EN 301 489-5 được tham chiếu đến tiêu chuẩn chung về tương thích điện từ cho nhóm sản phẩm thiết bị vô tuyến (ETSI EN 301 489-1 ETSI EN 301 489-1 (V2.2.0) (03-2017): “ElectroMagnetic Compatibility (EMC) standard for radio equipment and services; Part 1: Common technical requirements; Harmonised Standard covering the essential requirements of article 3.1(b) of Directive 2014/53/EU and the essential requirements of article 6 of Directive 2014/30/EU). Các nội dung được quy định riêng cho thiết bị di động mặt đất bao gồm các nội dung về Băng tần loại trừ; Điều kiện thử nghiệm về điều chế; Đánh giá hiệu năng của thiết bị có kết nối thoại; Tiêu chí chất lượng đối với hiện tượng liên tục, hiện tượng đột biến của phần phát/phần thu; Phương pháp thử miễn nhiễm trong trường điện từ và miễn nhiễm đối với tần số vô tuyến chế độ chung cho thiết bị TETRA.

Một điểm đáng chú ý về tiêu chuẩn ETSI EN 301 489-5 là tiêu chuẩn này áp dụng cho cả thiết bị trung kế vô tuyến mặt đất (TETRA) và thay thế cho tiêu chuẩn ETSI EN 301 489-18 V1.3.1 (2002-08) được ban hành năm 2002 (“Electromagnetic compatibility and Radio spectrum Matters (ERM); ElectroMagnetic Compatibility (EMC) standard for radio equipment and services; Part 18: Specific conditions for Terrestrial Trunked Radio (TETRA) equipment” – Tiêu chuẩn kỹ thuật về tương thích điện từ áp dụng cho các thiết bị trung kế vô tuyến mặt đất).

Tại Malaysia, cơ quan quản lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa thông tin và truyền thông (MCMC) yêu cầu thiết bị di động mặt đất phải tuân thủ các yêu cầu về phát xạ bức xạ và phát xạ dẫn từ cổng nguồn điện một chiều hoặc từ cổng nguồn điện xoay chiều như được quy định trong tiêu chuẩn kỹ thuật của ETSI (tiêu chuẩn EN 301 489-1 hoặc các tiêu chuẩn tương đương). Hay nói cách khác, thiết bị cần đáp ứng các yêu cầu về mức giới hạn tối đa cho phép để không gây ra nhiễu điện từ từ các cổng nguồn và phải tuân thủ tiêu chuẩn và quy định liên quan đến các yếu tố này.

Tại Singapore, Cơ quan phát triển truyền thông và thông tin (iMDA) phân loại thiết bị di động mặt đất theo thành ba nhóm: nhóm sử dụng cố định, nhóm sử dụng trên phương tiện (ví dụ: thiết bị đầu cuối di động kết nối với bộ sạc trên phương tiện giao thông hoặc nguồn cung cấp điện một chiều); hoặc nhóm sử dụng di động/cầm tay (ví dụ như thiết bị được cung cấp nguồn điện bởi pin tích hợp bên trong thiết bị).

Phân loại này nhằm xác định việc áp dụng các yêu cầu đánh giá về tương thích điện từ (gồm yếu tố phát xạ và khả năng miễn nhiễm) dựa trên các tiêu chuẩn tham chiếu: Khi áp dụng tiêu chuẩn của châu Âu thì tiêu chuẩn ETSI EN 301 489-1 sẽ được sử dụng cùng với tiêu chuẩn ETSI EN 301 489-5 cho thiết bị vô tuyến di động mặt đất (PMR) và thiết bị phụ trợ cho thoại và phi thoại, cùng với thiết bị trung kế vô tuyến (TETRA).

Nội dung đánh giá nhiễu điện từ (EMI) bao gồm: Đo nhiễu phát xạ từ các thiết bị phụ trợ liên quan mà không được tích hợp trong thiết bị PMR theo yêu cầu lớp B được định nghĩa trong Điều 4 và Bảng A.4 và A.5 của IEC CISPR 32; Đo nhiễu tiếp điểm tại cổng nguồn điện một chiều (DC) của thiết bị PMR dành cho việc sử dụng trên phương tiện, đo theo yêu cầu lớp B được định nghĩa trong Điều 4 và Bảng A10 của IEC CISPR 32; Đo nhiễu tiếp điểm tại cổng nguồn điện xoay chiều (AC) cho LMR với bộ sạc hoặc bộ chuyển đổi riêng biệt đến yêu cầu lớp B được định nghĩa trong Điều 4 và Bảng A.10 của IEC CISPR 32.

Tiêu chuẩn của Singapore cũng đề cập đến các kiểm tra khả năng chịu nhiễu điện từ (EMS) mà thiết bị PMR có thể gặp phải trong thực tế. Các phép thử về EMS được tham chiếu đến tiêu chuẩn IEC CISPR 24, khuyến nghị ITU-T K.116 và tiêu chuẩn ETSI EN 301 489-1; bao gồm các nội dung về nhiễu trường điện từ RF (từ 80 MHz đến 1 GHz và từ 1.4 GHz đến 6 GHz), hiện tượng phóng tĩnh điện tại vỏ thiết bị, hiện tượng đột biến nhanh (chế độ chung) tại cổng nguồn điện một chiều DC và xoay chiều AC có dây dài hơn 3 m, nhiễu tần số vô tuyến điện chế độ chung từ 0.15 MHz đến 80 MHz tại cổng nguồn điện một chiều DC và xoay chiều AC có dây dài hơn 3 m, hiện tượng đột biến và quá áp (sử dụng trong môi trường giao thông vận tải) trên cổng nguồn điện một chiều DC với điện áp định mức 12V và 24V của thiết bị đầu cuối di động và thiết bị phụ trợ dùng cho việc sử dụng trên phương tiện [tiêu chuẩn ISO 7637-2], sụt áp và gián đoạn điện áp tại cổng nguồn điện xoay chiều AC của thiết bị đầu cuối di động hoặc cầm tay với bộ sạc/bộ chuyển nguồn riêng.

Tại Hàn Quốc, cơ quan nghiên cứu tiêu chuẩn vô tuyến RRA Hàn Quốc đã ban hành tiêu chuẩn KS X3127:2014 hướng dẫn phương pháp đo phát xạ tương thích điện từ và tiêu chí chất lượng cho các thiết bị vô tuyến di động mặt đất để bảo đảm tính tương thích điện từ của thiết bị trong môi trường vô tuyến.

Tại Nam Phi, cơ quan quản lý cũng đã xây dựng và công bố việc áp dụng tiêu chuẩn về tương thích điện từ cho thiết bị vô tuyến di động mặt đất (ký hiệu tiêu chuẩn SANS 301 489-5, tương đương với tiêu chuẩn ETSI EN 301 489-5 của ETSI) và thiết bị trung kế vô tuyến mặt đất (ký hiệu tiêu chuẩn SANS 301 489-18, tương đương với tiêu chuẩn ETSI EN 301 489-18 của ETSI).

Tại Đức, thiết bị phải được thiết kế và sản xuất theo công nghệ hiện đại sao cho nhiễu điện từ mà chúng gây ra không đạt đến mức không thể thực hiện được hoạt động dự định của các thiết bị vô tuyến, thiết bị viễn thông hoặc các thiết bị điện, điện tử khác; Các thiết bị này cũng phải có khả năng miễn nhiễm với nhiễu điện từ có thể xảy ra trong quá trình hoạt động bình thường mà không bị suy giảm quá mức. Bên cạnh đó, Đạo luật về việc lưu thông thiết bị vô tuyến điện trên thị trường cũng đặt ra yêu cầu cơ bản đối với hệ thống vô tuyến phải được thiết kế sao cho đảm bảo yêu cầu về tương thích điện từ.

Tại Đức cũng như một số quốc gia châu Âu khác như Đan Mạch, Tây Ban Nha, trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn ETSI EN 301 489-5 được ban hành bởi ETSI, cơ quan quản lý quốc gia đã cụ thể hóa thông qua việc công bố tiêu chuẩn trong nước cho thiết bị vô tuyến di động mặt đất và trung kế vô tuyến mặt đất. 

Lý do và mục đích xây dựng QCVN

Về quản lý tương thích điện từ, các thiết bị vô tuyến di động mặt đất chưa có quy chuẩn riêng để áp dụng mà đang sử dụng QCVN 18:2022/BTTTT là Quy chuẩn chung. Đối với thiết bị TETRA, QCVN 100:2015/BTTTT sử dụng tài liệu tham chiếu được ban hành từ khá lâu (2002) nên cần được rà soát, cập nhật.

Do đó, việc xây dựng QCVN về tương thích điện từ đối với thiết bị vô tuyến di động mặt đất và trung kế vô tuyến mặt đất nhằm hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật cho thiết bị vô tuyến di động mặt đất và cập nhật bổ sung các quy định kỹ thuật về tương thích điện từ đối với thiết bị TETRA hài hòa theo tiêu chuẩn quốc tế.

Mục đích xây dựng QCVN nhằm phục vụ cho hoạt động công bố hợp quy thiết bị vô tuyến di động mặt đất và trung kế vô tuyến mặt đất (Các yêu cầu tương thích điện từ – EMC).

Hán Hiển

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích