Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/2/2024

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/2/2024

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/2/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 22/2/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Hà Nội chìm trong mưa phùn, nồm ẩm kéo dài

Chiều nay (22/2), không khí lạnh đang tiến gần đến biên giới phía Đông Bắc nước ta. Dự báo khoảng chiều tối và đêm nay, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Gió trong đất liền chuyển hướng Đông Bắc mạnh cấp 2-3.

Từ đêm nay, nền nhiệt bắt đầu giảm. Từ ngày 23/2, khu vực phía Đông Bắc Bộ, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình và Thanh Hóa trời chuyển lạnh, vùng núi trời chuyển rét.

Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở những khu vực trên phổ biến từ 17-20 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ từ 15-17 độ, vùng núi cao có nơi dưới 12 độ. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 22-24 độ, vùng núi cao dưới 20 độ.

tm-img-alt
Miền Bắc có thể sương mù, nồm ẩm trong nhiều ngày tới.

Cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm 22-24/2, khu vực phía Đông Bắc Bộ có mưa và mưa nhỏ rải rác. Từ ngày 23-24/2, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Hà Nội từ đêm 22/2, nền nhiệt giảm. Ngày 23/2, trời nhiều mây, có mưa nhỏ, nhiệt độ dao động từ 20-24 độ. Ngày 24/2, Hà Nội nhiều mây, có mưa, mưa rào, nhiệt độ giảm xuống còn 19-22 độ.

Những ngày sau đó, Hà Nội tiếp tục hình thái thời tiết nhiều mây, có mưa nhỏ, nhiệt độ cao nhất từ 24-26 độ, nhiệt độ thấp nhất 19-21 độ. Độ ẩm không khí tăng cao, trời nồm ẩm kéo dài.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, trong cuối tháng 2 và đầu tháng 3, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xuất hiện nhiều đợt mưa, mưa rào và dông, riêng khu vực Đông Bắc Bộ tiếp tục có nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn.

Năm 2024, tỉnh Yên Bái phấn đấu trồng 15.000 ha rừng

tm-img-alt
Người dân xã Quy Mông, huyện Trấn Yên tham gia hưởng ứng Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn năm 2024

Hưởng ứng Lễ phát động “Tết trồng cây” Xuân Giáp Thìn năm 2024 gắn với ra quân trồng rừng vụ xuân, ngay trong ngày ra quân 15/2 (tức mùng 6 tết), toàn tỉnh trồng được gần 520 ha rừng; trong đó có trên 240 ha rừng tập trung với các loại cây như: tre măng Bát Độ, quế, bồ đề, bạch đàn… và trên 274 nghìn cây phân tán các loại. Đến hết ngày 20/2, toàn tỉnh đã trồng được trên 5.000 ha rừng, đạt 35% kế hoạch; trong đó, diện tích rừng tập trung trên 3.000 ha, diện tích cây phân tán trên 2.000 ha.

Được biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh”, tỉnh Yên Bái đã trồng được gần 20,8 triệu cây xanh, đạt 64% kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025.

Toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 trồng trên 32,4 triệu cây xanh; trong đó có 23,2 triệu cây phân tán; trên 9,2 triệu cây rừng trồng tập trung (bao gồm: rừng phòng hộ, rừng trồng sản xuất, rừng trồng đặc dụng).

Thêm điểm cháy mới tại Vườn quốc gia Hoàng Liên

Chiều 21/2, sau khi đám cháy rừng cuối cùng trong Vườn quốc gia Hoàng Liên thuộc địa bàn xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai được khống chế, xảy ra một đám cháy mới tại thôn Dền Thàng, xã Tả Van cách điểm cháy cũ khoảng 500m và cách ranh giới tỉnh Lai Châu khoảng 4km theo đường chim bay.

Điểm cháy mới được phát hiện lúc 15 giờ 30 ngày 21.2, tại thôn Dền Thàng, xã Tả Van, thuộc 2 tiểu khu 295a và 286, cách điểm cháy cũ khoảng 500m và cách ranh giới tỉnh Lai Châu khoảng 4km theo đường chim bay.

Chiều qua 21.1, ông Hoàng Quốc Khánh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai và đoàn công tác đã đến hiện trường chỉ đạo các biện pháp khẩn trương dập tắt điểm cháy mới phát sinh.

Rạng sáng nay 22.2, hơn 600 người chia thành 4 tổ tiếp cận, xử lý các điểm cháy. Cùng với đó, lực lượng của Trung đoàn 254, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cũng đã hành quân trong đêm lên điểm tập kết tham gia chữa cháy.

tm-img-alt
Điểm cháy chiều 21.2 tại thôn Dền Thàng, xã Tả Van cách điểm cháy cũ khoảng 500m

Đến 7 giờ sáng nay, điểm cháy thôn Dền Thàng cơ bản được kiểm soát và khống chế, không để cháy lan rộng. Ban chỉ huy đã giao các tổ công tác tiếp tục triển khai những biện pháp chữa cháy, xử lý các đốm tàn, gốc cây còn cháy âm ỉ.

Tính đến ngày 31.12.2023, diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 391.144,8ha. Trong đó, 258.232,5ha rừng tự nhiên và 132.912,3ha rừng trồng. Diện tích rừng đủ tiêu chí để tính tỷ lệ che phủ rừng là 372.381ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 58,5%. So với năm 2022, diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai tăng gần 8.300ha; diện tích rừng đủ tiêu chí để tính tỷ lệ che phủ rừng tăng hơn 5.114ha; tỷ lệ che phủ rừng tăng 0,8%.

Trong tổng số diện tích đất có rừng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, có 58.3663ha giao Ban Quản lý rừng đặc dụng quản lý; 109.160,1ha giao Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý; 24.611,7ha giao các tổ chức kinh tế quản lý; 693,7ha giao lực lượng vũ trang quản lý; các tổ chức khoa học, công nghiệp, đầu tư, giáo dục được giao quản lý 149,6ha; hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý 80.325,1ha; cộng đồng dân cư được giao quản lý 3.477,5ha; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được giao quản lý 32,3ha.

Về tỷ lệ che phủ rừng tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, huyện Văn Bàn tiếp tục là địa phương có tỷ lệ cao nhất 67,76% với 141.978ha diện tích đất có rừng; tiếp đến là thị xã Sa Pa với 66,53%, huyện Bảo Yên là 63,13%; các huyện còn lại có tỷ lệ che phủ rừng từ 43 – 60%. Trong đó huyện Bắc Hà, huyện Mường Khương, huyện Si Ma Cai, thành phố Lào Cai có tỷ lệ che phủ rừng dưới 50%; thấp nhất là huyện Si Ma Cai với 43%.

Cơ sở dữ liệu, bản đồ kết quả theo dõi diễn biến rừng tỉnh Lào Cai năm 2023 được lưu trữ tại hệ thống máy vi tính của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm công khai và cung cấp thông tin hiện trạng rừng năm 2023 trên địa bàn; thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của Luật Lâm nghiệp; tổ chức quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng đất lâm nghiệp theo quy định. Số liệu hiện trạng rừng năm 2023 là cơ sở để xây dựng kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng, theo dõi diễn biến rừng năm tiếp theo.

Tây Ninh: Chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước trong mùa khô 2023-2024

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh theo dõi sát diễn biến; thông tin dự báo, cảnh báo về tình hình khí tượng thuỷ văn và dự báo về nguồn nước, chất lượng nước tại các hồ chứa nước Dầu Tiếng, Tha La, hệ thống kênh mương thuỷ lợi để vận hành công trình thuỷ lợi, điều tiết nước phục vụ sản xuất; cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân có biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là vào mùa khô năm 2024.

Song song đó, Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo các đơn vị vận hành khai thác các công trình cấp nước nông thôn, bảo đảm cấp nước sinh hoạt ổn định, liên tục cho người dân, cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác tại khu vực nông thôn.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động, phổ biến người dân chủ động áp dụng các giải pháp cấp, trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm trong thời gian xảy ra hạn, thiếu nước; rà soát các khu vực khó khăn về nguồn nước, có nguy cơ hạn, thiếu nước hoặc không chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp để thông tin, định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thuỷ lợi và các đơn vị chuyên môn có liên quan rà soát, đề xuất đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình thuỷ lợi, cấp nước tập trung; đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành các dự án, sớm đưa vào vận hành, khai thác nâng cao hiệu quả sử dụng.

UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng phương án chủ động nguồn nước, bố trí sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời và có hiệu quả nếu xảy ra cháy rừng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông; quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, bảo đảm nguồn nước phục vụ cung cấp nước sinh hoạt trong trường hợp hạn, thiếu nước hoặc xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước.

Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất danh mục mời gọi đầu tư các dự án hệ thống cấp nước đô thị theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt; đôn đốc việc triển khai thực hiện và đưa vào vận hành các dự án nâng cao năng lực cấp nước đô thị trên địa bàn tỉnh.

Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thuỷ văn, phương án bổ sung nguồn nước từ hồ Phước Hoà về hồ Dầu Tiếng để xây dựng kế hoạch cấp nước phục vụ tưới tiêu, vận hành an toàn đập, hồ chứa, hệ thống kênh; thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thuỷ lợi để vận hành, điều tiết kịp thời, hợp lý.

Chủ động nguồn nước phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp. Theo dõi, cấp nước tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông. Kiểm tra, nạo vét hệ thống kênh mương; hoàn thành, đưa vào hoạt động các công trình sửa chữa sử dụng nguồn vốn sự nghiệp, vốn hỗ trợ dịch vụ công ích thuỷ lợi năm 2023 và khẩn trương triển khai đầu tư sửa chữa hệ thống kênh thuỷ lợi năm 2024.

Các huyện, thị xã, thành phố cần theo dõi diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thuỷ văn; chủ động triển khai các biện pháp ứng phó hạn, thiếu nước phù hợp với tthực tế; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân. Thông tin kế hoạch sản xuất, kế hoạch cấp nước tưới để người dân biết và chủ động sản xuất; hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất.

Australia: Hơn 2.000 người phải sơ tán do cháy rừng lan rộng

Cơ quan ứng phó khẩn cấp bang Victoria đã hối thúc người dân tại các thị trấn Raglan và Beaufort và ở các khu vực lân cận nhanh chóng sơ tán trong khi tình hình còn trong tầm kiểm soát.

Ngày 22/2, hơn 2.000 người được yêu cầu sơ tán khỏi các thị trấn ở phía Tây bang Victoria của Australia do cháy rừng lan rộng vượt tầm kiểm soát.

tm-img-alt
Hình ảnh cháy rừng tại Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan ứng phó khẩn cấp bang Victoria đã hối thúc người dân tại các thị trấn Raglan và Beaufort, nơi có khoảng 2.000 cư dân, và ở các khu vực lân cận nhanh chóng sơ tán đến thành phố Ballarat gần đó trong khi tình hình còn trong tầm kiểm soát.

Cháy rừng bao trùm khoảng 50km2 đất rừng ở phía Tây Bắc Ballarat. Xa hơn về phía Tây, đám cháy tại một khu vực có diện tích tương tự cũng đang ngày càng vượt tầm kiểm soát.

Lực lượng cứu hỏa khu vực dự báo cháy rừng sẽ lan nhanh trong 1-2 giờ tới, đồng thời yêu cầu người dân trong khu vực này cần nhanh chóng sơ tán.

Nhiều khu vực rộng lớn của bang Victoria hiện được đặt trong tình trạng báo động cao về cháy rừng.

Cơ quan khí tượng Australia ngày 22/2 đã ban bố cảnh báo nguy cơ cháy cao đối với một số khu vực do nắng nóng, gió khô nóng và khả năng có dông. Vào 15h chiều cùng ngày, nhiệt độ tại khu vực phía Tây Bắc của bang Victoria đã vượt ngưỡng 40 độ C.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích