Nhận diện nguyên nhân triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội còn chậm

(Xây dựng) – Ngay sau khi Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (KCN) giai đoạn 2021-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023, Bộ Xây dựng cùng các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung nhiều giải pháp thực hiện Đề án, tuy nhiên vẫn còn chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân được chỉ ra là do quá trình triển khai hiện còn nhiều “rào cản”.

Nhận diện nguyên nhân triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội còn chậm
Việc triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH còn nhiều “rào cản”.

Theo Bộ Xây dựng, việc triển khai thực hiện Đề án còn chậm do còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Đó là, cơ chế, chính sách phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời trong giai đoạn đầu của Đề án như thiếu quỹ đất; nguồn vốn tín dụng từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng còn chưa đồng bộ, thời gian thực hiện kéo dài.

Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh Bất động sản số 29/2023/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, đã có thêm các chính sách ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH; đơn giản thủ tục và các điều kiện để được mua, thuê, thuê mua NƠXH…Tuy nhiên, đến ngày 01/01/2025 thì Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 mới có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp (KCN); chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hàng năm; chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển NƠXH trong quy hoạch đô thị, KCN; ngoài quỹ đất 20% NƠXH trong các dự án nhà ở thương mại, hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án NƠXH độc lập.

Chưa kể, nhiều địa phương chưa quyết tâm, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án; chưa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra; một số thành phố lớn, tập trung nhiều người lao động TNT, có nhu cầu về NƠXH cao tuy nhiên địa phương đăng ký NƠXH hoàn thành trong năm 2024 thấp…

Một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng các các cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai đầu tư xây dựng; một số dự án NƠXH đã khởi công nhưng các doanh nghiệp không triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ; các cấp chính quyền địa phương chưa quyết tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các dự án NƠXH theo thẩm quyền;

Ngoài ra, việc cải cách thủ tục hành chính; ban hành các cơ chế khuyến khích, ưu đãi thêm của địa phương để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển NƠXH còn hạn chế.

Nhận diện nguyên nhân triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội còn chậm
Hội nghị triển khai đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 20230 do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 22/2, nhằm triển khai thống nhất, đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu Đề án.

Cũng theo Bộ Xây dựng, nguồn vốn hỗ trợ cho phát triển dự án NƠXH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ chưa được giải ngân hiệu quả do nhiều doanh nghiệp đầu tư NƠXH chưa đảm bảo tiêu chí, điều kiện được vay theo pháp luật về tín dụng; một số địa phương chưa công bố danh mục NƠXH đủ điều kiện vay; thời gian vay ngắn hạn (Nghị quyết số 11/NQ-CP chỉ hỗ trợ trong thời gian 02 năm từ 2022–2023) chưa thu hút được các nhà đầu tư vay vốn.

Trước nhu cầu nhà ở ngày càng cao, năm 2024 Bộ Xây dựng quyết tâm triển khai thống nhất, đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu Đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021–2030.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng: Nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì mục tiêu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành. Thời gian tới, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục bám sát các nhiệm vụ đề án, rà soát, phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính… cho các dự án NƠXH.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cần vào cuộc, triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Bộ Xây dựng sẽ tăng cường phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án NƠXH, kịp thời bảo đảm điều kiện để giải ngân gói tín dụng này.

Bộ Xây dựng sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà ở, trong đó có nghị định về phát triển và quản lý NƠXH để cụ thể hóa các quy định của Luật Nhà ở năm 2023, qua đó tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân KCN.

Đồng thời, bám sát tiến độ triển khai đề án, năm 2024, Bộ Xây dựng cũng sẽ làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành cho phát triển NƠXH; hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc về chính sách pháp luật…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích