Thanh Hóa: Nhiều khó khăn trong triển khai xây dựng dự án nhà ở xã hội

(Xây dựng) – Những năm gần đây, nhu cầu nhà ở cho công nhân tại Thanh Hóa ngày càng tăng cao, trong khi việc triển khai đầu tư xây dựng một số dự án còn chậm tiến độ, gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra.

Thanh Hóa: Nhiều khó khăn trong triển khai xây dựng dự án nhà ở xã hội
Tỉnh Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn trong triển khai xây dựng dự án nhà ở xã hội.

Thực hiện Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Thanh Hóa xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, của các doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội. Thanh Hóa sẽ phấn đấu hoàn thành ít nhất 13.787 căn hộ đến năm 2030.

Thanh Hoá đặt ra mục phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có chất lượng tốt, giá cả phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội đáp ứng yêu cầu về nhà ở của người dân; đồng thời có chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở.

Cụ thể, đến năm 2030, Thanh Hoá phấn đấu hoàn thành ít nhất 13.787 căn hộ trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 6.287 căn; giai đoạn 2026-2030 hoàn thành khoảng 7.500 căn.

Trong giai đoạn 2021-2025, Thanh Hóa sẽ tiếp tục thực hiện hoàn thành 13 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư, đang triển khai đầu tư xây dựng; đồng thời triển khai thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đối với 14 dự án và các dự án nhà ở xã hội được đưa vào danh mục kế hoạch phát triển nhà ở được phê duyệt, các dự án nhà ở công nhân thuộc thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp; các dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% trong nhà ở thương mại.

Giai đoạn 2026-2030, hoàn thành 14 dự án và các dự án nhà ở xã hội khác, được chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc danh mục kế hoạch phát triển nhà ở xã hội được phê duyệt, các dự án nhà ở công nhân thuộc thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp; các dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại đã được lựa chọn chủ đầu tư.

Tuy nhiên, báo cáo của Sở Xây dựng Thanh Hóa mới đây cho thấy, đến ngày 15/12/2023, địa phương chỉ hoàn thành khoảng 1.817/13.787 căn hộ, khó đạt mục tiêu đề ra.

Về việc này, ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết, vướng mắc chung của tỉnh do quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là quỹ đất đã có hạ tầng kỹ thuật thuận lợi cho việc triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động được ngay đối với dự án nhà ở xã hội không nhiều. Các chính sách ưu đãi về đầu tư như tạo điều kiện về hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào; miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, một phần kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong dự án, hỗ trợ vốn vay… đều có quy định; tuy nhiên, việc thực hiện gặp khó khăn do nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ của tỉnh còn khó khăn, chưa huy động được nhiều nguồn vốn khác.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của doanh nghiệp, có doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lại vướng quy trình thủ tục về lựa chọn chủ đầu tư. Hiện nay, để triển khai thực hiện Đề án cũng xuất hiện thêm một số khó khăn như tình hình thị trường bất động sản nói chung trầm lắng cũng ảnh hưởng đến việc phát triển của các dự án nhà ở xã hội.

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc, tỉnh đã cân đối, bố trí ngân sách để khuyến khích, ưu đãi theo quy định nhằm thu hút, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh; rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí dự án nhà ở xã hội độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, đầy đủ hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đôn đốc các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt.

Trường hợp các chủ đầu tư không thực hiện thì tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền việc thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho chủ đầu tư khác thực hiện; Xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017, sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020; nghiên cứu đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích