Sinh viên tiên phong trong nghiên cứu công nghệ in 3D cho gốm sứ
Sinh viên tiên phong trong nghiên cứu công nghệ in 3D cho gốm sứ
Trong bước tiến mới của ngành công nghiệp gốm sứ, nhóm sinh viên tài năng từ khoa Vật liệu xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã tạo ra một đột phá đầy ấn tượng.
Nhóm đã nghiên cứu và thành công trong việc tạo ra phối liệu hoàn hảo nhất cho công nghệ in 3D, giúp sản phẩm sau khi nung sấy không còn bị nứt và hư hỏng. Đề tài nghiên cứu của nhóm đã được đánh giá cao, đoạt giải Ba – Ý tưởng nghiên cứu sinh viên và khởi nghiệp HUCE 2023.
Công nghệ in 3D đã mở ra một cánh cửa mới cho ngành công nghiệp gốm sứ, từ việc hiện thực hóa những ý tưởng thiết kế phức tạp đến việc chế tạo các sản phẩm gốm sứ độc đáo và tinh xảo. Quá trình chế tạo trước đây đã được cải thiện đáng kể bởi nhóm Dream Executor, nhờ việc áp dụng công nghệ in 3D gốm sứ theo phương pháp ME (material extrusion).
Không chỉ giúp tiết kiệm nguyên liệu và giảm thiểu chất thải, công nghệ in 3D còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo hình các sản phẩm gốm sứ với độ phức tạp cao và chất lượng tốt hơn. Bằng cách sử dụng máy in 3D Scara V4 của hãng 3Dpotter – Mỹ, nhóm Dream Executor đã làm nên những sản phẩm gốm sứ độc đáo và đẹp mắt, từ bình hoa trang trí đến các sản phẩm dân dụng như bát, đĩa, và thậm chí là vật liệu xây dựng như gạch ốp, gạch lát.
Công nghệ in 3D gốm sứ của nhóm Dream Executor không chỉ giúp giảm chi phí và thời gian sản xuất mà còn mang lại các sản phẩm có chất lượng cao và đa dạng, từ đó thúc đẩy đổi mới trong ngành công nghiệp gốm sứ của Việt Nam.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị