Xử phạt hàng loạt doanh nghiệp tại Nam Định vi phạm quảng cáo dược và thực phẩm chức năng
Thanh tra Bộ Y tế vừa tiến hành kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng tại các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ tại tỉnh Nam Định.
Theo đó, qua công tác thanh tra, cơ quan chức năng Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt hàng loạt doanh nghiệp dược phẩm vi phạm về quảng cáo, sản phẩm không đạt chất lượng.
Công ty TNHH MTV Kinh doanh Thương mại Việt Mỹ vi phạm quy định
Cụ thể, Thanh tra Bộ Y tế phát hiện và phạt Công ty TNHH MTV Kinh doanh Thương mại Việt Mỹ (địa chỉ tại tổ 8, phường Lộc Hạ, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) với số tiền 24 triệu đồng vì có 2 hành vi vi phạm: Kho bảo quản sản phẩm của công ty không có nội quy, quy trình và sử dụng người trực tiếp kinh doanh thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm.
Công ty BAMIVA quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe BAMILIVER không phép
Trong khi đó, Công ty TNHH Dược phẩm và Thiết bị Công nghệ Y tế BAMIVA (địa chỉ trụ tại ngã 3 Bảo Long, đường 63B xóm 9, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) có hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe BAMILIVER (số đăng ký sản phẩm 250/2023/ĐKSP do Cục An toàn thực phẩm cấp ngày 9/1/2023) mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Với hành vi này, Công ty TNHH Dược phẩm và Thiết bị Công nghệ Y tế BAMIVA bị xử phạt 45 triệu đồng. Đồng thời công ty bị buộc tháo gỡ, thu hồi tài liệu quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe BAMILIVER sai quy định.
Công ty BILAPHACO vi phạm quảng cáo sản phẩm Đại tràng DrBila
Tương tự, Công ty TNHH Dược Thảo BILAPHACO (địa chỉ tại Khu tái định cư Phúc Trọng, Bãi Viên, Phường Mỹ Xá, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) bị phạt 45 triệu đồng do có hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đại tràng DrBila (số đăng ký sản phẩm 6772/2021 ĐKSP do Cục An toàn thực phẩm cấp ngày 26/7/2021) không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Công ty ZOLEX PHARMA buôn bán sản phẩm không đạt chất lượng
Ngoài ra, Công ty TNHH Quốc tế ZOLEX PHARMA (địa chỉ tại số 137 phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) bị phạt hơn 12 triệu đồng do buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe GABA – CITICOLIN (số lô: 010623; NSX: 26/06/2023; HSD: 25/06/2026) có chỉ tiêu hàm lượng Citicolin không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố.
Đồng thời, Công ty TNHH Quốc tế ZOLEX PHARMA cũng buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe bổ thần kinh Trung ương (số lô: 080623; NSX: 280623; HSD: 270626) có chỉ tiêu hàm lượng magie không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố; sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe GABA – CITICOLIN (số lô: 010623; NSX: 26/06/2023; HSD: 25/06/2026) có chỉ tiêu an toàn thực phẩm (tổng số vi khuẩn hiếu khí) không phù hợp với giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.
Liên quan tới hành vi vi phạm quảng cáo thuốc, căn cứ Điều 50 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định quảng cáo thuốc như sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Không ghi đúng quy định hoặc không đọc rõ ràng tên thuốc, tên hoạt chất trừ thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, chống chỉ định, khuyến cáo đối với đối tượng đặc biệt và khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” đối với quảng cáo thuốc trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử;
Không thể hiện đầy đủ tên thuốc; tên hoạt chất trừ thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” đối với quảng cáo thuốc trên phương tiện quảng cáo ngoài trời.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thuốc thiếu một trong các nội dung sau đây: Tên thuốc; Tên hoạt chất trừ thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; Chỉ định, trừ các chỉ định điều trị bệnh lao, bệnh phong, bệnh lây qua đường tình dục, bệnh ung thư, bệnh khối u, bệnh đái tháo đường hoặc bệnh rối loạn chuyển hóa tương tự, chứng mất ngủ kinh niên và chỉ định mang tính kích dục; Chống chỉ định hoặc khuyến cáo cho các đối tượng đặc biệt như người có thai, người đang cho con bú, người già, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với quảng cáo thuốc có nội dung không phù hợp với giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam hoặc tờ Hướng dẫn sử dụng thuốc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chuyên luận về loại thuốc đó đã được ghi trong Dược thư quốc gia hoặc trong các tài liệu về thuốc đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất công nhận.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo sản phẩm có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế; Sử dụng chứng nhận chưa được Bộ Y tế công nhận, sử dụng lợi ích vật chất, lợi dụng danh nghĩa của tổ chức, cá nhân, các loại biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thuốc; Sử dụng kết quả nghiên cứu lâm sàng, kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng, kết quả kiểm nghiệm, kết quả thử tương đương sinh học chưa được Bộ Y tế công nhận để quảng cáo thuốc; Kê khai không trung thực trong hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo thuốc; Quảng cáo thuốc không đúng với nội dung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo; quảng cáo thuốc đang trong thời hạn xem xét, giải quyết hồ sơ theo quy định; quảng cáo thuốc theo tài liệu thông tin quảng cáo đã đăng ký hết giá trị.
An Dương (T/h)