4 việc cần làm để chuyển đổi số trong hạ tầng chất lượng quốc gia
Những năm trở lại đây, hoạt động chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp. Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi quy trình, hệ thống quản lý từ thế giới thực sang thế giới số, bằng cách áp dụng các công nghệ mới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Internet vạn vật,… Từ đó, thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng… Tốc độ chuyển đổi số tại các khu vực và quốc gia là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghệ và tốc độ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, hoạt động chuyển đổi số giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp mới giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Xu thế này tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh của nền kinh kế số hiện nay đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ.
Ngày 03/6/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, xác định rõ chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam để phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới.
Theo đó, ngành TCĐLCL cũng không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số. Cụ thể, thời gian qua ngành đã có nhiều sự quan tâm về việc xây dựng các nền tảng công nghệ để phục vụ giải quyết các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN giao.
Đặc biệt, trong năm 2023, Tổng cục TCĐLCL đã hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Đề án cũng nêu rõ những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó có việc chuyển đổi số trong hạ tầng chất lượng quốc gia.
Ảnh minh hoạ.
Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) về vấn đề trên, ông Trần Quý Giầu, Vụ trưởng Vụ Đo lường (Tổng cục TCĐLCL) cho biết, chuyển đổi số góp phần nâng cao năng suất làm việc, năng suất xử lý công việc, tạo thuận tiện hơn cho cơ quan quản lý trong việc lưu giữ, quản lý, truy xuất hồ sơ, thông tin. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đo lường tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong quản lý hoạt động đo lường và tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp; Tạo thuận tiện hơn cho doanh nghiệp trong hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường;
Tăng tính công khai, minh bạch; Hạn chế việc tiếp xúc giữa cán bộ xử lý và doanh nghiệp; Phòng chống tham nhũng, tham nhũng vặt; Giảm tình trạng gian lận năng lực, chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Nâng cao chất lượng dịch vụ hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. Theo ông Giầu, để thực hiện chuyển đổi số trong hạ tầng chất lượng quốc gia, cần thực hiện 4 nhiệm vụ cơ bản:
Một là, phát triển các nền tảng số và hệ thống thông tin số có quy mô toàn ngành TCĐLCL, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương để cung cấp dịch vụ tiện ích, giảm chi phí, thời gian công sức cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên quy mô toàn quốc.
Hai là, hình thành, phát triển hạ tầng số; hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị số; bảo đảm năng lực, an toàn thông tin vụ phát triển ngành TCĐLCL đồng bộ, gắn kết với các thiết bị nghiệp vụ hướng đến chuyển đổi thông tin phục vụ quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Ba là, phát triển, xây dựng dữ liệu số ngành TCĐLCL tạo nguồn lực cung cấp dữ liệu số triển khai dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các bộ, ngành, địa phương đáp ứng phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác sử dụng và tương tác công việc khi có nhu cầu.
Bốn là, ưu tiên xây dựng các nền tảng số có phạm vi toàn quốc phục vụ phát triển kinh tế – xã hội như dữ liệu về tiêu chuẩn; quy chuẩn kỹ thuật; đo lường; đánh giá sự phù hợp; Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia; hàng rào kỹ thuật trong thương mại; mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc; quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Cũng theo ông Trần Quý Giầu, thời gian qua, Vụ Đo lường đã phối hợp tích cực với Tổ công tác về chuyển đổi số của Tổng cục để hoàn thiện bản đồ số về TCĐLCL. Về mặt thuận lợi, Vụ đã có được sự ủng hộ và quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Tổng cục. Đặc biệt là sáng kiến của Tổng cục trưởng trong việc thành lập Nhóm chuyên gia chuyển đổi số của Tổng cục “làm việc vì đam mê và không thù lao”. Cùng với đó là sự đồng lòng, quyết tâm của các cán bộ công chức Vụ Đo lường.
Về mặt khó khăn, do số lượng các đơn vị, lĩnh vực/phương tiện đo nhiều trong khi số lượng công chức làm công tác chuyển đổi số về đo lường ít, còn thiếu chuyên môn, nghiệp vụ sâu về công nghệ thông tin nên gặp nhiều khó khăn, vất vả trong quá trình tổng hợp, xử lý dữ liệu. Bên cạnh đó, thông tin trong quá trình tổng hợp dữ liệu thay đổi liên tục.
Mặc dù vậy, công tác chuyển đổi số trong đo lường vẫn đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, đã hình thành cơ sở dữ liệu số về đo lường và đánh giá sự phù hợp; Hình thành bản đồ số có thể truy cập, tìm kiếm từ mức độ tổng quát về số lượng tổ chức đăng ký, tổ chức chỉ định về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo từng tỉnh, vùng, cả nước đến một số phương tiện đo cụ thể quy định trong Danh mục phương tiện đo phải kiểm soát về đo lường;
Hình thành tư duy chuyển đổi số trong mỗi công chức, viên chức và người lao động của Tổng cục; Tạo thuận lợi cho việc xử lý các thủ tục hành chính về đo lường thực hiện các dịch vụ công một cửa, dịch vụ công tích hợp trên công dịch vụ công quốc gia.
Hiện tại, theo ông Giàu, 100% công việc tại Vụ Đo lường được lưu trữ và xử lý trên dữ liệu đám mây. 100% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trên môi trường điện tử. Các TTHC đã được kết nối cổng dịch vụ công của Bộ và cổng DVC quốc gia. 100% cơ sở dữ liệu về đo lường (công chức, hồ sơ, thông tin doanh nghiệp,…) đều được thống kê, cập nhật đầy đủ để phục vụ tra cứu, báo cáo, xử lý công việc,…
Hán Hiển