Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/2/2024
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/2/2024
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/2/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 19/2/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Sa Pa xuất hiện gió Ô Quý Hồ nguy hiểm dễ dẫn đến cháy rừng
Tin trên VOV, Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết, gió Ô Quý Hồ bắt đầu xuất hiện từ trưa 18/2 với cường độ khá mạnh. Hồi 19h cùng ngày, nhiệt độ cao nhất tại Sa Pa lên tới 22,2 độ C, còn độ ẩm giảm xuống chỉ còn 36%.
Sở dĩ gọi là gió Ô Quý Hồ vì gió thổi từ đèo Ô Quý Hồ tràn xuống trung tâm thị xã Sa Pa và các cùng lân cận. Với bản chất khô ấm nên mỗi khi xuất hiện đều đẩy cấp độ cảnh báo cháy rừng lên cao.
Hiện, tác động của loại gió này tới địa phương vẫn có xu thế tăng cao hơn. Dự báo khả năng kéo dài tới hết ngày 23/2, do đó cảnh báo chính quyền và cơ quan chức năng cần chủ động tăng cường, ứng phó.
Phát biểu tại cuộc họp thường kì tháng 2 của chính quyền tỉnh Lào Cai, ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, bảo vệ rừng cũng là một trong số nhiệm vụ hàng đầu của ngành trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
“Hiện nay, tất cả các chốt, trạm, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng chúng tôi đã triển khai, rà soát. Thời gian vừa qua, chúng tôi đã tổ chức các đoàn vừa thăm, chúc Tết, vừa kiểm tra tình hình triển khai phương án phòng, chống cháy rừng tại các địa bàn, địa điểm trọng yếu, bao gồm cả phương án quản lý, chống xâm hại rừng”, ông Lê Tân Phong nói.
Cùng với sự xuất hiện của gió Ô Quý Hồ, không khí lạnh ảnh hưởng tới Lào Cai cũng suy yếu, kết hợp với ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng khiến nhiệt độ các địa phương trong tỉnh đồng loạt tăng, tiết trời oi bức.
Thuận Thành (Bắc Ninh): Phấn đấu trồng mới khoảng 35.000 cây xanh các loại trong năm 2024
Trong năm 2023 trên địa bàn thị xã Thuận Thành đã trồng được 39.215 cây xanh các loại, đạt 112% kế hoạch, trong đó hơn 21.200 cây được trồng tập trung và 18.000 cây phân tán. Việc trồng cây xanh có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân, trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của người dân; phát huy truyền thống phong trào trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số cơ sở, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác trồng cây xanh, kết quả đạt được còn thấp. Đặc biệt là việc thực hiện nhiệm vụ trồng cây xanh trên lề đường giao thông nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới; công tác chăm sóc, bảo vệ cây sau khi trồng ở một số nơi chưa được chú trọng, dẫn đến cây sinh trưởng và phát triển kém. Hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư về ý nghĩa việc trồng cây tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường sinh thái còn những hạn chế nhất định.
Năm 2024, Thuận Thành phấn đấu trồng mới khoảng 35.000 cây xanh các loại, góp phần cùng cả tỉnh, cả nước trồng mới một tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND thị xã yêu cầu các cấp, ngành và người dân phát huy truyền thống phong trào trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, đưa việc trồng cây thực sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả. Nhất là cần lồng ghép, phối hợp thực hiện kế hoạch với chương trình, dự án có liên quan, bảo đảm sự thống nhất, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của các xã, phường…
Ông Nguyễn Văn Thược, Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân” và tạo không khí thi đua sôi nổi, phấn khởi, vui tươi vào những ngày đầu xuân Giáp Thìn năm 2024, Thuận Thành tổ chức phát động “Tết trồng cây”. Trong đó, giao chỉ tiêu, kế hoạch trồng cây xanh cụ thể đến từng xã, phường và yêu cầu việc tổ chức trồng cây phải mang lại hiệu quả về kinh tế – xã hội, tạo cảnh quan môi trường sinh thái. Địa điểm trồng tập trung vào các khu công cộng tại đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, công viên, khu di tích văn hóa – lịch sử, lề đường giao thông, khu canh tác nông nghiệp…
Sau khi trồng, công tác chăm sóc, bảo vệ phải được quan tâm và gắn trách nhiệm trong quản lý bảo vệ đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân. Ý thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc trồng cây xanh, Xuân Giáp Thìn 2024, người dân toàn thị xã tích cực hưởng ứng lễ phát động “Tết trồng cây” của các cấp chính quyền. Tại các khu dân cư, đông đảo người dân chung tay cùng các đoàn thể trồng nhiều cây xanh tại khuôn viên gia đình, đường giao thông và công trình công cộng. Theo báo cáo, trong những ngày đầu phát động, toàn thị xã đã trồng được khoảng 1.000 cây xanh các loại.
Phong trào trồng cây đầu xuân ở thị xã Thuận Thành đã và đang trở thành nét đẹp văn hóa trong các tầng lớp nhân dân; trở thành động lực để mỗi người, mỗi nhà tích cực tham gia bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan thêm tươi xanh, góp phần xây dựng đô thị sáng, xanh sạch đẹp. Đồng thời, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện hiệu quả đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025” của Thủ tướng Chính phủ.
Quảng Ngãi phạt 330 triệu đồng doanh nghiệp xả nước thải có chứa xyanua vượt ngưỡng ra môi trường
Sáng 19/2, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh này vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 330 triệu đồng đối với một doanh nghiệp tại cụm công nghiệp-làng nghề Tịnh Ấn Tây (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi), về hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường.
Vào chiều 29/12/2023, đoàn kiểm tra của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Quảng Ngãi tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại Nhà máy sản xuất mạch nha công nghiệp thuộc Công ty trách nhiệm sản xuất và thương mại Sinh Lộc đóng tại lô B1+B2, cụm công nghiệp-làng nghề Tịnh Ấn Tây (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi), đã phát hiện vi phạm quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường tại điểm nước chảy tràn từ bể biogas ra môi trường của nhà máy.
Qua kết quả kiểm định mẫu nước thải, cơ quan chức năng phát hiện tổng chất rắn lơ lửng, chỉ số BOD (20°C), thông số tổng nitơ đều vượt nhiều lần quy chuẩn kỹ thuật cho phép. Đáng lo ngại, nước xả thải có chứa chất xyanua vượt hơn 21,2 lần.
Căn cứ Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty trách nhiệm sản xuất và thương mại Sinh Lộc với tổng số tiền 330 triệu đồng.
Trong đó, phạt 150 triệu đồng đối với hành vi xả nước thải có thông số tổng xyanua vượt quy chuẩn kỹ thuật hơn 21,2 lần; phạt tăng thêm 45 triệu đồng đối với thông số tổng nitơ vượt quy chuẩn kỹ thuật hơn 2,3 lần; phạt tăng thêm 60 triệu đồng đối với thông số tổng chất rắn lơ lửng vượt quy chuẩn kỹ thuật hơn 4,3 lần; phạt tăng thêm 75 triệu đồng đối với thông số BOD (20°C) vượt quy chuẩn kỹ thuật hơn 12,1 lần.
Ngoài xử phạt, Quyết định còn nêu rõ: Buộc Công ty trách nhiệm sản xuất và thương mại Sinh Lộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định tại Giấy phép môi trường số 25/GPMT-UBND do Ủy ban nhân dân thành phố Quảng Ngãi cấp ngày 13/9/2023.
Đồng thời, buộc chi trả kinh phí trưng cầu kiểm định và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, số tiền 4,3 triệu đồng cho Trung tâm Trắc địa và Quan trắc môi trường tỉnh Quảng Ngãi.
Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 30 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Tây Ninh: Kiên quyết xử lý hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản và môi trường
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh, năm 2023, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản nói chung và công tác quản lý khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng nói riêng đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, chấn chỉnh thường xuyên, từ đó tạo ra sự chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là quản lý khai thác hiệu quả khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời bảo vệ môi trường và an toàn hồ đập.
Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh còn 44 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Thực hiện kế hoạch số 2026/KH-STNMT ngày 29.3.2023 về việc lấy mẫu, phân tích hàm lượng các thông số ô nhiễm có trong nước thải phục vụ công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp năm 2023, Sở TN&MT đã tổ chức lấy mẫu đối với 82 cơ sở.
Đồng thời phối hợp cùng các cơ quan chức năng, tổ chức kiểm tra công tác cải tạo phục hồi môi trường đối với 22 doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh và đã có thông báo kết qủa kiểm tra gửi các cơ sở.
Đáng chú ý, trong năm, Sở TN&MT cùng các ngành chức năng kiểm tra đột xuất 11 cơ sở chế biến mì tại thị xã Hoà Thành; tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với 21 cơ sở chăn nuôi, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 11 tổ chức tổng số tiền là 3,372 tỷ đồng.
Sở TN&MT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm soát các nguồn nước thải xả vào lưu vực sông trên địa bàn tỉnh như tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm soát các nguồn nước thải xả vào lưu vực sông trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời triển khai thực hiện kế hoạch về bảo vệ môi trường nguồn nước sông, suối, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh mùa khô năm 2023; phối hợp giám sát, quan trắc chất lượng mước mặt của hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh, nhằm theo dõi chất lượng nước mặt để có biện pháp xử lý kịp thời khi chất lượng nước có dấu hiệu ô nhiễm.
Kết quả cho thấy hầu hết các thông số phân tích như pH, DO, COD, BOD5, TSS, độ dẫn và độ đục, so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt trong giới hạn cho phép, không có thông số nào vượt ngưỡng quy định.
Năm 2024, Sở TN&MT đưa ra nhiều chỉ tiêu thực hiệm nhiệm vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường như tiếp tục duy trì tỷ lệ chất thải rắn nguy hại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 100%, tăng cường kiểm tra, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; các bệnh viện, bãi rác, cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc trên địa bàn và kiên quyết tạm đình chỉ các cơ sở không triển khai thực hiện kế hoạch xử lý và tiếp tục gây ô nhiễm môi trường hoặc cơ sở đã xử lý nhưng tái ô nhiễm.
Hoàn thiện hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu trực tuyến về các nguồn xả thải chính trên địa bàn tỉnh Tây Ninh để làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ các nguồn thải này ở các giai đoạn tiếp theo.
Tập trung kiểm soát chất thải thứ cấp phát sinh, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp; khuyến khích đồng xử lý chất thải, sử dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thay thế; thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác nhập khẩu phế liệu trên địa bàn tỉnh và nghiêm cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đối với các ngành nghề gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các công trình bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm các dự án đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.
Tăng cường kiểm soát môi trường các khu vực thượng nguồn hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ Đông và rạch Tây Ninh và tăng cường công tác khảo sát, giám sát môi trường khu vực giáp biên giới Vương quốc Campuchia cũng như tổ chức thanh tra, giám sát các cơ sở xản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời tiếp tục công tác phối hợp các ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác thanh kiểm tra giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo về ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm các cơ sở không thực hiện kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường hàng năm và các cơ sở khác vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đắk Lắk: Khắc phục xong tuyến kênh thủy lợi bị sạt lở
Chiều 19/2, Chi nhánh thủy lợi huyện Cư M’gar (thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình Thủy lợi Đắk Lắk) vừa có báo cáo nhanh về tuyến kênh chính đập dâng Sút M’grư (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) bị sạt lở.
Theo nội dung báo cáo, tuyến kênh chính đập dâng Sút M’grư phục vụ tưới cho diện tích 17,86 ha lúa 2 vụ của xã Cư Suê do Chi nhánh thủy lợi huyện Cư M’gar quản lý.
Ngày 7/2, khi điều tiết nước tưới phát hiện đoạn kênh chính tại Km0+80m đập dâng Sút M’grư bị sạt lở, có chiều dài đoạn bị sạt lở gần 10m, không tải nước về phía sau kênh được.
Nguyên nhân xác định tại vị trí sạt lở là do nền đất tuyến kênh đi qua có mạch nước ngầm chảy dưới kênh, nền đất yếu gây sạt lở đoạn kênh dẫn nước ảnh hưởng đến chuyển tải nước phục vụ sản xuất.
Thời điểm phát hiện đoạn kênh bị sạt lở vào giai đoạn sát Tết Nguyên đán năm Giáp Thìn.
Để có nước tưới trong thời gian Tết, ngày 11/2 (tức mùng 2 Tết) Chi nhánh thủy lợi huyện Cư M’gar phối hợp với bà con trong khu tưới huy động dân khắc phục bằng cách mua ống nhựa VPC đường kính 114mm lắp tạm tại vị trí sạt lở đặt ống để chuyển nước qua kênh bị sạt lở.
Cơ bản, trong dịp Tết nguồn nước vẫn đảm bảo phục vụ sản xuất, không bị thiếu nước. Số kinh phí người dân tham gia phối hợp với chi nhánh và vật tư, chi nhánh đã thanh toán hết.
Đến ngày 17/2, Chi nhánh thủy lợi huyện Cư M’gar kiểm tra công tác điều tiết nước và công tác phục vụ sản xuất vụ Đông xuân 2023-2024, xét thấy lượng nước không đảm bảo do các ống nhựa VPC trước đó quá nhỏ, không chuyển tải đủ nước cho phục vụ sản xuất.
Do đó, Chi nhánh thủy lợi huyện tiếp tục huy động lực lượng cán bộ chi nhánh thuê xe múc, xe cẩu chở ống cao su D300 đến khắc phục lại đoạn kênh bị sạt lở. Sau khi khắc phục xong, nguồn nước ổn định đảm bảo cho phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024.
Để đảm bảo phục vụ nước tưới lâu dài, Chi nhánh thủy lợi huyện Cư M’gar đề nghị công ty sớm có kế hoạch khắc phục sửa chữa để đảm bảo phục vụ sản xuất.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị