Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam tăng hơn 1.000%, cách nào để chắc chân thị trường?
Thị phần sầu riêng Việt Nam tại Trung Quốc tăng mạnh
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2023, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam, đạt 493.000 tấn, trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 1.107,0% về lượng và tăng 1.035,8% về trị giá so với năm 2022. Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh lên 34,6%. Giá sầu riêng nhập khẩu trung bình từ Việt Nam đạt 4.332,2 USD/tấn.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy cho rằng: Từ tháng 7/2022, sầu riêng tươi của Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là lực đẩy khiến kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2023. Hiện, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã hoàn thiện thủ tục và hồ sơ đề nghị Trung Quốc cấp phép nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam. Khi được cấp phép, triển vọng xuất khẩu mặt hàng này sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa.
Sầu riêng hiện vẫn là mặt hàng còn nhiều dư địa khai thác tại thị trường Trung Quốc. Trước đây, Thái Lan là thị trường cung cấp sầu riêng chủ yếu cho Trung Quốc. Sang năm 2023, thị phần sầu riêng Thái Lan trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm xuống còn 65,1%, đạt 929 nghìn tấn, trị giá 4,57 tỷ USD, tăng 18,5% về lượng và tăng 18% về trị giá so với năm 2022. Giá sầu riêng nhập khẩu bình quân từ thị trường Thái Lan ở mức 4.709,6 USD/tấn.
Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2019-2023, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng trưởng bình quân 27,8% về lượng. Năm 2023, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh, đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 6,7 tỷ USD, tăng 72,9% về lượng và tăng 65,6% về trị giá so với năm 2022. Giá sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc năm 2023 trung bình ở mức 4.709,6 USD/tấn.
Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2019-2023, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng trưởng bình quân 27,8% về lượng. Năm 2023, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh, đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 6,7 tỷ USD, tăng 72,9% về lượng và tăng 65,6% về trị giá so với năm 2022. Giá sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc năm 2023 trung bình ở mức 4.709,6 USD/tấn.
Sầu riêng đã trở thành loại trái cây cao cấp được tầng lớp trung lưu Trung Quốc ưa chuộng. Loại trái cây này thường được dùng làm quà tặng cho các cặp đôi trong dịp kết hôn. Và mặc dù bị một số người chê bai vì mùi nồng, sầu riêng vẫn có giá trị cao và thu hút được một lượng lớn tín đồ, những người xem đây là “vua của các loại trái cây”.
“Nhiều nông dân Việt Nam đang chuyển sang trồng sầu riêng. Họ biết cách luân canh và kéo dài thời gian thu hoạch. Sầu riêng được xem là cây trồng có giá trị kinh tế cao ở Việt Nam và có thể mang lại rất nhiều lợi ích. Nông dân Việt Nam thì biết cách tận dụng tối đa cơ hội”, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung Đại học Fulbright, cho biết.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, sự cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc dự báo sẽ khắc nghiệt hơn, với sự tham gia của Philippines. Nước này đang nỗ lực tăng thị phần, trong khi Malaysia tìm kiếm thỏa thuận xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc.
Sầu riêng Philippines đã giành được một phần nhỏ thị phần từ Thái Lan. Tháng 1/2023, Philippines được cho phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, với kim ngạch trong 6 tháng đầu năm 2023 là 1,88 triệu USD. Số liệu Hải quan Trung Quốc cho thấy Philippines chiếm 0,2% thị phần nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm ngoái.
Hiện tại, sầu riêng Philippines vẫn ưu tiên thị trường nội địa và xuất khẩu lượng dư thừa. Điều này cũng khá dễ hiểu khi vận chuyển sầu riêng từ Philippines đến Trung Quốc còn nhiều khó khăn do các rào cản về khoảng cách địa lý và cơ sở hạ tầng, dẫn đến giá thành cao.
Song, điều này có thể sẽ thay đổi trong tương lai. Philippines đang được đánh giá là điểm cung cấp sầu riêng thay thế tiềm năng đầu tiên cho Trung Quốc. Chính phủ Philippines có thể cân nhắc cải thiện cơ sở hạ tầng ở các trang trại và kho lạnh.
Mặt khác, Trung Quốc cũng đang nỗ lực trồng sầu riêng, nhưng sản lượng không đáng kể. Theo ông Feng Xuejie, Giám đốc Viện nghiên cứu cây ăn quả nhiệt đới tại Viện Khoa học Nông nghiệp Hải Nam, sầu riêng nội địa Trung Quốc dự kiến đạt sản lượng 250 tấn trong năm 2024, và đến năm 2025 là 500 tấn.
Năm 2023, tỉnh Hải Nam đạt tổng sản lượng 50 tấn sầu riêng, một con số khá thấp để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tại đất nước tỉ dân. Thêm vào đó, giá cả và hương vị của sầu riêng nội địa vẫn chưa được đủ sức cạnh tranh với sầu riêng nhập khẩu là một bài toán cần lời giải chính xác hơn trong tương lai.
Cần đặc biệt quan tâm tới thị hiếu của thị trường Trung Quốc
Sầu riêng Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
“Người tiêu dùng phổ thông tại Trung Quốc có xu hướng mua những thùng sầu riêng mà bên trong có 6 quả, với cân nặng dao động từ 18 – 20kg/thùng. Chia trung bình, sầu riêng thành phẩm cần đạt khối lượng trung bình từ 3 – 3,5kg, thay vì mua lẻ từng quả”, ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – chia sẻ và cho biết, đó là điều mà một số quốc gia sản xuất sầu riêng lớn như Thái Lan đã làm được. Họ đáp ứng gần như trọn vẹn thị hiếu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, vấn đề này hiện là thách thức với người nông dân Việt Nam. Trong quá trình chăm sóc, nước ta có xu hướng tăng cường sử dụng phân bón để kích thích quả lớn. Khảo sát một số vùng trồng lớn tại tỉnh Đắk Lắk cho thấy, tỷ lệ sầu riêng có khối lượng từ 3,5 – 5kg của Việt Nam khá lớn.
Nếu đóng gói 6 quả lớn như vậy, khối lượng thùng sầu riêng có thể lên tới 25kg. Điều ấy không phù hợp với quy cách mà Trung Quốc mong muốn. Ngay cả khi xuất khẩu sang nước bạn, người tiêu dùng cũng không sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho phần hàng họ cho là vượt quá nhu cầu sử dụng.
“Để đưa sầu riêng vào sâu hơn, tiếp cận nhiều hơn với khách hàng Trung Quốc nhà vườn lưu ý tới độ đồng đều của thành phẩm khi thu hoạch, làm thế nào để xếp vừa 6 quả một thùng 20kg”, ông Ngô Xuân Nam khuyến cáo
Một vấn đề nữa được đầu mối thông tin về SPS tại Việt Nam đưa ra, là việc kiểm soát hình thức, mẫu mã sầu riêng sau thu hoạch.
Tại các vựa sầu riêng hiện nay, đa phần người dân thu hoạch bằng cách cắt rồi hứng sầu riêng bằng bao tải. Cộng thêm những rủi ro liên quan tới đóng gói, vận chuyển, gai sầu riêng có thể bị dập. Việc này dẫn đến lớp biểu bì của sầu riêng bị phá vỡ, dẫn tới hơi ẩm, vi sinh vật có thể xâm nhập vào. Nhẹ thì sẽ dẫn đến mất hương vị tươi ngon của sầu riêng. Nặng hơn thì có thể gây thối và làm hỏng quả nếu để lâu.
Cuối cùng, là về thời điểm thu hoạch sầu riêng. Theo tính toán, thời gian sầu riêng từ lúc ra hoa đến lúc cho thu hoạch quả là khoảng 100 ngày. Sầu riêng chín cây được cắt vào khoảng ngày thứ 90 – 92. Do sầu riêng chín dần từ dưới lên, nếu thu hoạch thì sầu riêng chỉ nặng cân mà không đảm bảo hương vị tốt nhất, thậm chí không chín khi tới tay người tiêu dùng. Nếu thu hoạch muộn hơn, sầu riêng có thể bị chín dọc đường, dẫn đến hiện tượng nứt vỏ.
Là loại quả nhạy cảm với thời tiết, sầu riêng còn có thể bị “sượng cơm” nếu gặp mưa. Ông Ngô Xuân Nam khuyến cáo, bên cạnh các biện pháp kiểm soát hiện tượng “sượng cơm” như bón phân bón vừa đủ, trồng sầu riêng bằng phương pháp nhân giống vô tính, quản lý lượng nước chặt chẽ, không để đất bị thừa nước, độ ẩm quá cao, nhà vườn cần lưu ý thêm vào lúc thu hoạch. Nếu gặp mưa, người dân cần để thời gian thu hoạch chậm lại vài ngày để quả sinh trưởng trở lại bình thường. Bằng không, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
Ngoài việc tuân thủ những điều khoản trong Nghị định thư, người dân, HTX, doanh nghiệp và toàn bộ ngành hàng sầu riêng cần đặc biệt quan tâm tới thị hiếu của thị trường xuất khẩu. Có như vậy, chúng ta mới có thể phát triển bền vững.
Đối với sầu riêng, thị hiếu của thị trường Trung Quốc nói riêng và các quốc gia nói chung là ưa chuộng các quả có hình dáng tròn đều, bất kể to hay nhỏ. Với những quả như vậy, người tiêu dùng luôn tin tưởng là sẽ có nhiều “cơm” (phần ăn được). Ngoài ra, quả có nhiều múi, với các múi nổi rõ bên ngoài cũng là một điểm cộng.
Về màu sắc, cần tính toán để khi sang đến thị trường tiêu thụ, sầu riêng có vỏ màu xanh vàng, thể hiện là quả sắp chín, độ ngọt vừa đạt. Nếu để vỏ có màu vàng rực, nghĩa là quá chín; hoặc vỏ toàn màu xanh, chứng tỏ chưa chín, người tiêu dùng sẽ không lựa chọn.
Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu