TP.Hạ Long: Nhiều bến, bãi VLXD không phép “vô tư” hoạt động
(TN&MT) – Nhiều năm nay, trên địa bàn TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vẫn đang tồn tại tình trạng nhiều bến bãi tập kết, kinh doanh cát, đá, sỏi không phép hoạt động rầm rộ. Trong khi, TP.Hạ Long và các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay trong việc lập quy hoạch các bến cảng tập kết vật liệu xây dựng (VLXD).
Mấy năm trở lại đây, TP.Hạ Long như được “lột xác” khoác trên mình bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại với hàng loạt các trung tâm vui chơi giải trí, mua sắm, các khu đô thị mới dọc các phường như: Hùng Thắng, Bãi Cháy, Hòn Gai, Hồng Hải…Tốc độ đô thị hóa tại TP.Hạ Long diễn ra rất nhanh, nhu cầu về VLXD như cát, đá, sỏi là rất lớn.
Bến, bãi tập kết cát trái phép nằm ngay cạnh chân cầu sông Bang, phường Hà Khánh tồn tại từ nhiều năm qua |
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các phường, xã trên địa bàn TP.Hạ Long đều không có cảng, bến tập kết VLXD, khiến cho các chủ đầu tư, các hộ dân có nhu cầu xây dựng công trình luôn phải xoay xở trong việc mua VLXD.
Bà Nguyễn Thị Tố Loan, nhà ở khu 4, phường Cao Xanh, TP.Hạ Long vừa sửa chữa căn nhà 2 tầng cho biết, giá cát, đá so với ở TP.Uông Bí, thì giá cát, đá tại TP.Hạ Long luôn cao hơn từ 30 đến 50 ngàn đồng/m3 cùng loại. Lý do mà các chủ bến bãi VLXD đưa ra là do cung đường vận chuyển xa, nên giá đội cao hơn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận, giá VLXD ở TP.Hạ Long luôn cao hơn so với các địa phương khác. Cho dù giá cao, nhưng nhiều gia đình tại TP.Hạ Long đều tìm đến mua cát, đá, sỏi tại các bến, bãi hoạt động không phép tại bờ sông Trới thuộc phường Hà Khánh, TP.Hạ Long. Đây cũng là một trong nguyên nhân khiến cho các bến, bãi VLXD vẫn còn “đất sống”.
Một chiếc xà lan chở hàng nghìn m3 cát cập mạn tại bờ sông Trới, phường Hà Khánh chuẩn bị lên hàng |
Một ngày cuối tháng 7, PV Báo TN&MT “mục sở thị” một tại bãi tập kết hàng trăm khối cát nằm ngay tại chân cầu Bang, thuộc phường Hà Khánh. Ngay cạnh đó, một chiếc xà lan chở khoảng vài ngàn m3 cát đang cặp mạn bến chuẩn bị lên hàng. Tại bãi tập kết, máy xúc, ô tô hoạt động rầm rộ, gây khói bụi mù mịt ô nhiễm môi trường xung quanh.
Lý giải về tình trạng một số bến, bãi tập kết VLXD không phép vẫn đang hoạt động không phép trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND phường Hà Khánh, Nguyễn Văn Quang cho biết, địa phương đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản xử lý, nhưng vì lợi nhuận, một số chủ xà lan chở vật liệu xây dựng vẫn lén lún cập bến bốc hàng lên bãi tập kết ven sông.
Trước nhu cầu rất lớn về VLXD trên địa bàn TP.Hạ Long, tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, thì vấn đề xem xét, lập quy hoạch các bến, bãi tập kết VLXD trên địa bàn đã được đưa ra thảo luận, bàn bạc từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ” và dừng lại với điệp khúc “kiến nghị, đề xuất” mà chưa đưa ra được quyết định chính thức.
Cảng tập kết VLXD tại xã Thống Nhất được phép hoạt động nhưng tiêu thụ chậm do cung đường vận chuyển xa, đội giá lên cao |
Theo báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri mới đây của địa phương, năm 2018, UBND TP.Hạ Long báo cáo và đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh 7 địa điểm lập bến bãi tập kết VLXD. Sau khi xem xét báo cáo của các sở, ngành, UBND tỉnh Quảng Ninh không chấp thuận 7 địa điểm mà TP.Hạ Long đề nghị nói trên vì ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường khu vực, không thuận tiện trong việc vận chuyển, tập kết VLXD.
Tiếp đó, năm 2019, UBND TP. Hạ Long tiếp tục đề xuất 2 địa điểm bến bãi tập kết VLXD tại phường Hà Phong và phường Hà Khánh, nhưng UBND tỉnh Quảng Ninh cũng không chấp thuận do khu vực đề xuất đang nằm trong vùng nghiên cứu quy hoạch khác.
Theo báo cáo của TP. Hạ Long, hiện nay, trên địa bàn có 4 bến, bãi được cấp phép tập kết, kinh doanh VLXD thông thường, gồm: Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Thái Bình Dương; Công ty TNHH MTV kinh doanh cảng Hạ Long; Công ty CP TM Dung Huy – DIC và Công ty CP đầu tư phát triển Bảo Nguyên.
Cát, đá đổ cao như núi nhưng không được che phủ bạt, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ trôi xuống lòng sông |
Tuy nhiên, 4 bến, bãi VLXD trên đều nằm ở khu vực sông Bang, thuộc các xã Thống, Nhất, Vũ Oai cách xa trung tâm thành phố. Do vậy, để mua được VLXD giá thấp do cung đường vận chuyển ngắn, người dân vẫn tìm đến các bến, bãi hoạt động không phép, trong khi các bến, bãi VLXD của các Công ty nói trên chứa đầy ắp cát, đá, sỏi nhưng tiêu thụ rất chậm.
Nhất là hiện nay đang trong cao điểm mùa mưa bão, các bến bãi tập kết VLXD được chất cao như núi, nhưng không được phủ bạt, bờ chắn, hệ thống thoát nước mặt ở một số bến vẫn chưa hoàn thiện, sẽ tiềm ẩn nguy cơ cát, đá, sỏi trôi xuống lòng sông, ảnh hưởng đến tàu thuyền qua lại, cũng như tác động tiêu cực đến môi trường.
Đề nghị UBND TP. Hạ Long, các sở, ngành liên quan cần đẩy nhanh việc lập quy hoạch cảng bến, bãi tập kết VLXD tại các xã, phường có cung đường vận chuyển ngắn, tạo thuận lợi cho người dân và các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn.