Australia: Nhiều địa điểm ở Sydney bị nhiễm amiăng

Australia: Nhiều địa điểm ở Sydney bị nhiễm amiăng

Amiăng đã được phát hiện tại ít nhất ba công viên ở trung tâm thành phố lớn nhất Bang New South Wales, Sydney, Australia.

Chính quyền Úc mới đây cho biết amiăng đã được phát hiện ở nhiều nơi tại Sydney, bao gồm cả các khu nhà ở khi giới chức New South Wales tiếp tục cuộc chiến kéo dài nhiều tuần để loại bỏ vật liệu độc hại khỏi lớp phủ được sử dụng ở không gian công cộng.

Sự ô nhiễm được phát hiện vào tháng 1 khi amiăng được tìm thấy trong một sân chơi ở Sydney, và các cuộc điều tra sau đó đã phát hiện ra nó trong lớp phủ tái chế gần công viên, được xây dựng phía trên một nút giao đường ngầm.

Kể từ đó, trong cuộc điều tra lớn nhất của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) của bang trong nhiều thập kỷ, 32 địa điểm trong thành phố đã trả về kết quả dương tính với amiăng ngoại quan.

tm-img-alt
Khu trung tâm thương mại (CBD) được chụp vào lúc hoàng hôn ở Sydney. Ảnh: Reuters

EPA cho biết các địa điểm mới được phát hiện có amiăng là một trường công và công viên ở phía bắc thành phố và hai khu dân cư đang được xây dựng ở phía tây nam Sydney.

Chính quyền Thành phố Sydney xác nhận rằng họ đã phát hiện amiăng trong lớp sơn phủ tại Công viên Harmony ở Surry Hills, Công viên Victoria gần Đại học Sydney và Công viên Belmore gần Ga Trung tâm. Amiang dễ vỡ có nguy cơ cao, dễ bị nghiền thành bột, được phát hiện tại Harmony Park ở Surry Hills trong khi amiăng liên kết có nguy cơ thấp được tìm thấy tại Công viên Victoria, gần Đại học Sydney và Công viên Belmore, cạnh Ga Trung tâm.

Đại học Sydney cũng được xác định là có khả năng bị nhiễm độc và sẽ được kiểm tra vào cuối tuần này. EPA cho biết: “Kể từ ngày 10 tháng 1, EPA đã lấy gần 300 mẫu. Tỷ lệ kết quả dương tính là khoảng 10%”.

Các nhà chức trách trong tuần này đã phong tỏa các khu vực trong một số công viên bị ô nhiễm ở Sydney, buộc phải hủy bỏ sự kiện Ngày hội chợ dành cho người đồng tính nam và đồng tính nữ Mardi Gras dự kiến diễn ra vào Chủ nhật, thường thu hút hàng chục nghìn người vui chơi, sau khi tìm thấy dấu vết amiăng xung quanh địa điểm.

Các dự án giao thông, trường tiểu học, nhà kho và bệnh viện cũng được xác nhận bị ô nhiễm.

Để đáp lại, chính quyền New South Wales đã thành lập một đội đặc nhiệm amiăng chuyên dụng để cung cấp thêm nguồn lực và hỗ trợ cho EPA khi cơ quan này điều tra tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng.

Amiăng trở nên phổ biến vào cuối thế kỷ 19 như một cách để gia cố xi măng và chống cháy, nhưng nghiên cứu sau đó phát hiện ra rằng việc hít phải sợi amiăng có thể gây viêm phổi và ung thư. Hiện nay nó đã bị cấm ở nhiều nơi trên thế giới.

Amiăng là một tập hợp các khoáng chất silicat xuất hiện trong tự nhiên, có đặc tính là các tinh thể sợi mỏng và dài, với mỗi sợi có thể bao gồm hàng triệu sợi nhỏ và có thể bị phát tán ra không khí.

Amiăng đã được khai thác trong hơn 4.000 năm, đặc biệt vào cuối thế kỷ 19, khi các nhà sản xuất và xây dựng bắt đầu sử dụng amiăng vì các đặc tính vật lý của nó: cách âm, bền, giá rẻ, chống cháy, cách nhiệt và cách điện. Những đặc tính này đã làm cho amiăng trở thành vật liệu được sử dụng rất rộng rãi cho đến cuối thế kỷ 20.

Theo WHO, hít phải các sợi amiăng có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng và gây tử vong, bao gồm ung thư phổi và u thư biểu mô. Vào thập niên 1980 và 1990, thương mại và sử dụng amiăng đã bị hạn chế rất nhiều, bị loại bỏ hoặc bị cấm hoàn toàn ở một số quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu, Úc, Nhật Bản và New Zealand.

Hải Đăng (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích