Thế nào là công trình xây dựng khẩn cấp?

(Xây dựng) – Công trình xây dựng khẩn cấp được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 130 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 48 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14.

Thế nào là công trình xây dựng khẩn cấp?
Ảnh minh họa.

Địa phương của ông Nguyễn Hưng (Bình Dương) đang thực hiện dự án xây dựng khẩn cấp công trình giao thông. Ông Hưng hỏi, “xây dựng khẩn cấp công trình” và “xây dựng công trình khẩn cấp” theo quy định tại Khoản 48 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 có giống nhau không?

Tại Điều 16 Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai có nêu:

“b) Cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, sách vở, phương tiện học tập và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học, xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai, tu sửa nhà kết hợp làm địa điểm sơ tán phòng tránh thiên tai; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai; tháo bỏ hạng mục, vật cản gây nguy cơ rủi ro thiên tai; hỗ trợ xử lý đảm bảo giao thông thông suốt cho những đoạn tuyến giao thông đường bộ, đường sắt quan trọng trên địa bàn bị sụt trượt, sạt lở; hỗ trợ kinh phí tu sửa, xử lý và xây dựng khẩn cấp công trình phòng, chống thiên tai tối đa không quá 03 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 01 công trình”.

Tại Khoản 48 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng quy định:

“48. Sửa đổi, bổ sung Điều 130 như sau:

“Điều 130. Xây dựng công trình khẩn cấp

1. Công trình xây dựng khẩn cấp gồm:

a) Công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, các nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

b) Công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo phải thực hiện nhanh để kịp thời đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh năng lượng, nguồn nước, ứng phó sự cố môi trường, phát triển hệ thống công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ””.

Ông Hưng hỏi, việc “tu sửa, xử lý và xây dựng khẩn cấp công trình phòng, chống thiên tai theo Điều 16 Nghị định số 78/2021/NĐ-CP có thuộc trường hợp được quy định Khoản 48 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 hay không? Trình tự thực hiện có theo Điều 58 quản lý đầu tư xây dựng công trình xây dựng khẩn cấp của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ hay không?

Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:

Công trình xây dựng khẩn cấp được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 130 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014 đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 48 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14.

Trình tự thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp thực hiện theo quy định tại Điều 58 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Ông căn cứ các quy định nêu trên và quy định tại pháp luật khác có liên quan để tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích