Góp ý về Quy chuẩn Việt Nam về nước thải mà Bộ TNMT dự kiến ban hành năm 2021
Góp ý về Quy chuẩn Việt Nam về nước thải mà Bộ TNMT dự kiến ban hành năm 2021
Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (BIWASE) – một doanh nghiệp đã có nhiều năm hoạt động trong ngành nước góp ý các QCVN về nước thải mà Bộ TN&MT dự kiến ban hành trong năm 2021.
Các QCVN về nước thải mà Bộ TN&MT dự kiến sẽ ban hành vào năm 2021 bao gồm: Quy chuẩn kỹ thuật môi truờng quốc gia về nuớc thải công nghiệp, Quy chuẩn kỹ thuật môi truờng quốc gia về nuớc thải chăn nuôi, Quy chuẩn kỹ thuật môi truờng quốc gia về nước thải sinh hoạt và nuớc thải đô thị.
Ban biên tập Môi trường và Đô thị Việt Nam xin chia sẻ ý kiến góp ý của BIWASE – về các QCVN nói trên.
Ý kiến chung
BIWASE nhất trí với việc tổ hợp các quy định về chất lượng nước thải xả vào môi trường vào hai QCVN về nước thải công nghiệp, nước thải đô thị và nước thải sinh hoạt, và một QCVN về nước thải đặc thù là nước thải chăn nuôi. Các đối tượng (vùng) tiếp nhận nước thải được phân thành 3 nhóm tương đối hợp lý cho công tác kiểm soát ô nhiễm và quản lý nguồn nước. Tuy nhiên sự phân nhóm vùng tiếp nhận nước thải cần phù hợp với các QCVN về chất lượng nước mặt (hiện nay chưa có dự thảo).
Quy định chất lượng nước thải công nghiệp, nước thải các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, nước thải chăn nuôi,… khi đấu nối hệ thống thoát nước thải có XLNT tập trung phải theo quy định của chủ đầu tư công trình thoát nước và XLNT hoặc của chính quyền địa phương là hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư hệ thống thoát nước và XLNT quản lý và vận hành hiệu quả công trình, thực hiện đúng Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về Thoát nước và XLNT. Mặt khác, mặc dù đã có quy định trong QCVN riêng, nhưng khi nước thải sinh hoạt, nước thải khu dân cư,…nhập chung vào với dòng nước thải công nghiệp thì dòng chung này được quản lý như nước thải công nghiệp là hợp lý.
Đối với Quy chuẩn kỹ thuật môi truờng quốc gia về nuớc thải sinh hoạt và đô thị
BIWASE cho rằng, việc giải thích thuật ngữ chưa rõ ràng. Cụ thể, thuật ngữ “nước thải đô thị” trong 1.3.2: là nước thải phát sinh từ đô thị, khu dân cư tập trung đưa về hệ thống thoát nước và xử lý nước thải (XLNT) tập trung nhưng trong 1.3.3 nguồn tiếp nhận nước thải vùng B lại có hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư tập trung chưa có hệ thống XLNT. Đây là QCVN về nước thải đô thị xả vào môi trường vì vậy nên loại bỏ hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư tập trung chưa có hệ thống XLNT là nguồn tiếp nhận nước thải. Các loại nước thải sinh hoạt, sản xuất dịch vụ kinh doanh,… trong đô thị, khu dân cư tập trung khi xả vào hệ thống thoát nước tập trung chưa có XLNT thì được điều phối có lộ trình bằng QCVN… :2021/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật môi truờng quốc gia về nuớc thải công nghiệp hoặc theo mục 2.2 đối với nước thải sinh hoạt của QCVN này. Hiện nay Việt Nam có gần 900 đô thị từ loại V đến loại đặc biệt và hàng nghìn khu dân cư tập trung.
Trong Bảng 1, giá trị tối đa cho phép các chất ô nhiễm trong nước thải đô thị, các giá trị TSS, BOD5, COD và TN quy định xả vào các vùng tiếp nhận nước thải nhóm A, B và C đều không hợp lý và quá khắt khe. Theo các số liệu của Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) và của Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện nay các nhà máy XLNT đô thị ở Việt Nam sử dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến và phổ biến trên thế giới (hầu hết các nhà máy XLNT đều từ nguồn vốn ODA) đều chỉ xử lý tối đa BOD5 đến 20 mg/l, TSS đến 25 mg/l, TN đến 20 mg/l khi xả nước thải vào nguồn nước mặt loại A. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, trong Luật Thoát nước của Nhật Bản, để xử lý nước thải đô thị đến BOD5≤10 mg/l, TN≤10 mg/l và TP ≤3 mg/l phải yêu cầu công nghệ XLNT bậc cao với các quá trình A (yếm khí) – A (thiếu khí) – O (hiếu khí) kèm theo MBR hoặc keo tụ – lọc,… kèm theo.
Mặt khác, đối với nước thải sinh hoạt và nước thải đô thị Việt Nam, TKN thường dao động từ 40 đến 55 mg/l, để xử lý để TN còn lại dưới 10 mg/l (30-45 mg/l chuyển thành N2 bay đi) thì hệ số tuần hoàn bùn nitrat từ bể lắng thứ cấp về công trình thiếu khí rất lớn (gấp 0,5-1,5 lần lượng nước thải) làm cho thể tích các công trình tăng lên. Quá trình khử nitrat đến mức triệt để tại công trình thiếu khí còn sẽ gặp các bất cập là không cân bằng được C:N nên thường phải bổ sung cơ chất cho nó. Việc kéo dài thời gian thổi khí để BOD5 trong nước thải giảm xuống dưới 20 mg/l rất khó khăn. Vì vậy quy định BOD5≤10 mg/l, TN≤10 mg/l và TP ≤3 mg/l trong nước thải khi xả ra môi trường có thể sẽ làm cho suất vốn đầu tư xây dựng và chi phí vận hành bảo trì hệ thống XLNT đô thị tăng lên đến 1,3-1,8 lần so với hiện nay. Trong khi đó đầu tư xây dựng hệ thống XLNT đô thị, khu dân cư tập trung là đầu tư công và chi phí cho quản lý vận hành nhà máy XLNT đô thị theo quy định của Nghị định 80/2014/NĐ-CP là thu theo giá dịch vụ từ người dân đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước.
Trước đó, trong bài viết “Chuyên gia góp ý các QCVN về nước thải dự kiến ban hành năm 2021”, GS.TS Trần Đức Hạ, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, nguyên thành viên Ban soạn thảo Tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng nước cũng đã có các góp ý liên quan về các Quy chuẩn này.
Với các ý kiến góp ý của Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương cùng với các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, hy vọng các QCVN về nước thải sẽ được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý cũng như phát triển lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải trong thời gian tới, lĩnh vực vốn đã nhiều khó khăn và thách thức./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị