Số ca nhiễm chủng vi khuẩn chết người tăng đột biến ở châu Âu
Số ca nhiễm chủng vi khuẩn chết người tăng đột biến ở châu Âu
Theo trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), châu Âu đã chứng kiến số ca nhiễm trùng gia tăng do chủng Klebsiella pneumoniae (hvKp) siêu độc lực kháng kháng sinh, được dự đoán sẽ dẫn đến gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.
Trong bản cập nhật báo cáo Đánh giá rủi ro nhanh của ECDC về sự xuất hiện của hvKp loại chuỗi 23 (ST23) mang gen carbapenemase, tổng số các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) báo cáo các ca nhiễm hvKp ST23 đã tăng từ 4 lên 10 quốc gia, trong khi đó, số ca nhiễm được báo cáo đã tăng gấp 12 lần lên 143 ca nhiễm.
Người đứng đầu Bộ phận kháng kháng sinh và nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc sức khỏe tại ECDC Dominique Monnet cho biết, sự gia tăng các ca nhiễm hvKp kháng kháng sinh carbapenem được các quốc gia trong EU và EEA báo cáo là một nguyên nhân gây lo ngại, vì mức độ nghiêm trọng của các ca nhiễm hvKp kết hợp với khả năng kháng thuốc kháng sinh cuối cùng của chúng, khiến các ca nhiễm trở nên khó khăn hơn trong việc điều trị.
Theo báo cáo trên, việc nhiễm trùng chủng siêu vi khuẩn này có thể dẫn đến áp xe gan di căn, cũng như viêm phổi và áp xe phổi. Mặc dù “các nhóm bệnh nhân dễ bị tổn thương” đối mặt với nguy cơ đặc biệt, nhưng cũng có “khả năng xảy ra các ca nhiễm không thể điều trị được ở những người trưởng thành khỏe mạnh trước đó” Ngoài ra, một lý do khác gây lo ngại là tình trạng lây nhiễm kéo dài giữa các cơ sở chăm sóc sức khỏe đã được xác nhận, bất chấp những nỗ lực phòng ngừa, và khả năng lây lan hơn nữa tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong các quốc gia thuộc EU và EEA đang được xem ở mức cao.
Báo cáo của ECDC cũng nhấn mạnh, cần thu thập dữ liệu bổ sung về các ca nhiễm hvKp, bao gồm dữ liệu dịch tễ học và các yếu tố rủi ro liên quan đến dữ liệu, nhằm hiểu rõ hơn về những con đường lây nhiễm và lây lan trong mỗi quốc gia, đồng thời xác định nhu cầu thực hiện các biện pháp giám sát và kiểm soát thêm.
Trước đây, các chủng hvKp chủ yếu được tìm thấy ở khu vực châu Á chủ yếu mắc phải trong cộng đồng, và hiếm khi kháng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, các báo cáo gần đây đã chỉ ra sự gia tăng về phân bố theo địa lý, mối liên hệ của chăm sóc sức khỏe, và tình trạng kháng đa thuốc. Chính vì vậy, ECDC đã khuyến nghị các biện pháp hành động cập nhật, như tăng cường các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe, đồng thời thiết lập đủ năng lực phòng thí nghiệm nhằm phát hiện các phân lập hvKp, bao gồm việc giải trình tự toàn bộ bộ gen.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị