Gần ngày vía Thần Tài, giá vàng tăng trở lại
Hằng năm, chênh lệch mua bán vàng quanh ngưỡng 700 nghìn đồng/lượng. Đến ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch), mức chênh này mới bị đẩy lên ngưỡng trên dưới 1-1,5 triệu đồng/lượng.
Năm nay mức chênh này bị đẩy lên rất cao. Ngày 15/2, chênh lệch giá vàng mua – bán bất ngờ được điều chỉnh giảm xuống quanh ngưỡng 1,7 triệu đồng. Tuy nhiên đến chiều cùng ngày, mức chênh lệch này bất ngờ được điều chỉnh tăng lên quanh ngưỡng 2,4 triệu đồng/lượng.
Ảnh minh họa. |
Tại thị trường trong nước, sáng 16/2, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 76,95 triệu đồng/lượng (mua vào) – 78,95 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 250 nghìn đồng/lượng so với cuối ngày hôm trước.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji tăng 200 nghìn đồng/lượng mỗi chiều, để là 76,65 triệu đồng/lượng (mua vào) – 78,95 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận tăng 450 nghìn đồng/lượng (chiều mua) và 750 nghìn đồng/lượng (chiều bán), niêm yết với giá 76,5 triệu đồng/lượng (mua vào) – 78,75 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn để là 76,8 triệu đồng/lượng (mua vào) – 79 triệu đồng/lượng (bán ra), cao hơn cuối ngày liền trước 300 nghìn đồng/lượng (chiều mua) và 200 nghìn đồng/lượng (chiều bán).
Trong khi đó, giá vàng nhẫn tăng phổ biến 150 – 200 nghìn đồng/lượng mỗi chiều, giao dịch ở mức 63,4-64,93 triệu đồng/lượng (mua vào) và 64,45-66,03 triệu đồng/lượng (bán ra). Nếu như biên độ mua – bán vàng miếng là 2-2,3 triệu đồng/lượng thì vàng nhẫn phổ biến ở mức 1,05-1,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng trong bối cảnh doanh số bán lẻ tháng 1/2024 của Mỹ giảm 0,8% so với tháng trước, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2023 đến nay.
Nguồn: Báo lao động thủ đô