Vượt khó khăn, tạo dựng chất lượng

Khắc phục khó khăn

67 năm trước, vào những ngày đầu tháng 10/1954 lịch sử, trong niềm hân hoan của nhân dân Hà Nội trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới, những người làm công tác giáo dục Thủ đô nhận thức rõ vinh dự và cả trách nhiệm khi tiếp quản một mạng lưới giáo dục còn chưa phát triển. Hà Nội khi ấy chỉ có 3 trường Mầm non, 96 trường Tiểu học, 4 trường Trung học và 1 trường kỹ nghệ thực hành với tổng số chưa đầy một vạn học sinh. Dù bộn bề khó khăn, nhưng chỉ 10 ngày sau khi tiếp quản Thủ đô, các trường học của Hà Nội đã khai giảng năm học đầu tiên sau những năm tháng nhuốm khói lửa chiến tranh (các trường Tiểu học khai giảng ngày 15/10, các trường Trung học 18/10).

Có thể nói 10 năm đầu tiên sau giải phóng (1954-1965) là một giai đoạn hết sức có ý nghĩa, trong đó ngành GD&ĐT Thủ đô vừa phải hàn gắn những vết thương chiến tranh, phục hồi nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá, vừa phải thực hiện những mục tiêu nhằm đẩy nhanh sự phát triển của GD&ĐT, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô. Các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục Thủ đô khi đó đã không nề hà gian khổ, khó khăn; khắc phục mọi thiếu thốn để đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”. Nhờ những cố gắng không mệt mỏi của các nhà giáo và chỗ dựa tin cậy là sự giúp đỡ của nhân dân, giáo dục của Hà Nội 10 năm đầu sau giải phóng không chỉ tăng nhanh về số lượng ở tất cả các cấp, các bậc học mà chất lượng cũng được quan tâm nâng cao.

Vượt khó khăn, tạo dựng chất lượng
Trải qua 67 năm xây dựng và phát triển, đến nay, ngành GD&ĐT Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đóng góp một lực lượng tri thức không nhỏ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (Ảnh minh họa)

Đến giai đoạn (1965-1975), nền giáo dục Thủ đô hòa vào dòng chảy chung của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, lại đứng trước những thử thách cam go vừa dốc sức chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, vừa trực tiếp đương đầu và chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ trên miền Bắc, lại vừa phải đảm bảo sự nghiệp giáo dục tiếp tục ổn định và phát triển. Trường, lớp, thầy trò phải sơ tán về các vùng nông thôn xa xôi để học tập. Nhưng điều quan trọng là các nhà giáo – những người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, giáo dục đã vượt qua tất cả để lao động không mệt mỏi vì học sinh thân yêu của mình, vì sự vinh quang mà Đảng và nhân dân giao phó. Số lượng trường, lớp, học sinh không ngừng tăng lên, chất lượng giáo dục toàn diện luôn được chú trọng và đảm bảo đáp ứng yêu cầu chung.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975), đất nước thống nhất, nhiệm vụ của ngành càng trở nên nặng nề hơn. Song song với nhiệm vụ khôi phục và xây dựng đất nước sau chiến tranh, thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa, ngành GD&ĐT Thủ đô luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng quán triệt mục tiêu “Coi trọng giáo dục toàn diện, quan tâm đúng mức đến giáo dục lao động, đến hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh…”.

Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2007, đứng trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, GD&ĐT Hà Nội đã vươn lên mạnh mẽ, thực hiện đổi mới cả nội dung và phương pháp đào tạo. Trong giai đoạn này, ngành GD&ĐT Thủ đô đã trở thành một địa phương có phong trào phát triển giáo dục xuất sắc. Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục Tiểu học năm 1990, Trung học cơ sở năm 1999; các ngành, bậc học phát triển đa dạng (công lập, bán công, dân lập, tư thục…) và đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, xứng tầm là một trung tâm giáo dục lớn của cả nước.

Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, Hà Nội được mở rộng cả về quy mô, diện tích. Quy mô giáo dục tăng gấp đôi, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng trường học cũng như số lượng giáo viên và học sinh.

Quyết tâm dạy tốt, học tốt

Qua ghi nhận, trải qua 67 năm xây dựng và phát triển, đến nay, ngành GD&ĐT Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đóng góp một lực lượng tri thức không nhỏ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, chất lượng giáo dục mũi nhọn có chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét. Đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên được tăng cường, đảm bảo chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm. Công tác quản lý, kiểm tra đánh giá không ngừng được đổi mới; nền nếp và kỷ cương được duy trì. Các hoạt động phong trào thi đua trong nhà trường được tổ chức sôi nổi, thiết thực, có ý nghĩa. Việc xây dựng xã hội học tập, khuyến học, khuyến tài được triển khai sâu rộng.

Vượt khó khăn, tạo dựng chất lượng
Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở các cấp học. (Ảnh minh họa)

Năm học 2020-2021, toàn Thành phố có 2.792 trường Mầm non, Phổ thông và 1 Trung cấp chuyên nghiệp với hơn 2,1 triệu học sinh và 159.400 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong năm học này, Hà Nội tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, giữ vững thành tích của học sinh Thủ đô trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, nâng cao về số lượng và chất lượng giải, khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước. Cụ thể, tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2020-2021, Hà Nội là địa phương có số thí sinh đạt giải nhiều nhất cả nước với 139 thí sinh đạt giải (gồm 11 giải Nhất, 45 giải Nhì, 50 giải Ba và 33 giải Khuyến khích). Tại các kỳ thi Olympic thế giới và khu vực, học sinh Hà Nội đã đạt tổng số 365 giải và 57 Huy chương các loại (19 Huy chương Vàng, 19 Huy chương Bạc và 19 Huy chương Đồng). Trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021, Hà Nội là địa phương có số điểm 10 nhiều nhất cả nước với 2.286 điểm 10, chiếm 9,3% số điểm 10 của cả nước.

Với những đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước, ngành GD&ĐT Hà Nội đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước. Các cơ sở giáo dục, đội ngũ cán bộ giáo viên, học sinh cũng được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý.

Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở các cấp học. Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên Hà Nội triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1; cũng là năm đầu tiên hầu hết học sinh của Thành phố làm bài kiểm tra học kỳ II và tổng kết năm học theo hình thức trực tuyến. Với vô vàn khó khăn của năm học thứ hai bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT, thành phố Hà Nội, sự nỗ lực của toàn ngành và sự đồng hành bền bỉ của phụ huynh học sinh, ngành GD&ĐT Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch an toàn vừa nâng cao chất lượng giáo dục, giữ vững vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước.

Thời gian tới đây, để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ nỗ lực thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa tích cực phòng, chống dịch Covid-19, vừa triển khai hiệu quả các chương trình giáo dục, đảm bảo chất lượng với các yêu cầu cốt lõi, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1, 2, 6; đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động các dịch Covid-19; tiếp tục quan tâm xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, đổi mới quản trị nhà trường; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh…

P.T

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích