Thị trường dịp Tết: Không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá
Tổng quan về diễn biến giá cả hàng hóa, dịch vụ trong dịp Tết từ ngày mùng 1 đến mùng 4 tháng Giêng, Bộ Tài chính cho biết: Từ ngày mùng 1 Tết hầu hết các chợ và siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước đều đóng cửa, riêng tại các thành phố lớn, chỉ có Trung tâm thương mại Aeon Mall, Gigamall vẫn mở cửa phục vụ người dân thành phố, thời gian phục vụ từ 10h00 đến 22h00.
Sang đến mùng 2 Tết, hoạt động đi chúc tết, gặp mặt và đi du xuân của người dân bắt đầu diễn ra nên các siêu thị lớn như Co.opmart, Satra… đã mở cửa. Tại các thành phố lớn, một số chợ đầu mối lớn và một số điểm chợ nhỏ bắt đầu bán hàng nhưng chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống.
Ngày mùng 3 Tết và mùng 4 tháng Giêng, hầu hết các chợ truyền thống và siêu thị tiện ích, trung tâm thương mại tại các thành phố trên cả nước đã mở cửa bán hàng. Trong đó, hầu hết các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích đã mở cửa hoạt động trở lại như BigC, Aeon Mall, Gigamall, Co.opmart, CircleK, Winmart… hoạt động mua bán hầu như trở về bình thường, nhu cầu tiêu dùng đầu năm không cao, chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, rau củ quả tươi, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ vận tải hành khách…
Tình hình cung cầu giá cả thị trường cơ bản bình ổn, nằm trong kiểm soát, nhất là trong bối cảnh người dân có xu hướng giảm tiêu dùng trong năm nay. Vì vậy, nhìn chung giá cả thị trường Tết tại các địa phương có tăng giảm đan xen, nhưng không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Theo Hà Nội mới, tại Hà Nội, trong thời điểm trước Tết, giá các hàng hóa thiết yếu tăng theo quy luật do nhu cầu mua sắm tại Thủ đô cao, người dân hầu hết tập trung mua sắm vào các ngày 28, 29 tháng Chạp.
Tại quận Tây Hồ, ngày 9/2 (30 Tết), ở siêu thị Lotte Mart và chợ, nguồn cung hàng hóa phong phú, đa dạng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hoa quả, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân nên cơ bản không xảy ra tình trạng sốt hàng, biến động bất thường. Nhu cầu mua sắm của người dân cũng tăng so với ngày thường, lượng người tới siêu thị, chợ dân sinh tấp nập. Về giá cả, so với ngày thường một số loại thịt như thịt bò, hoa quả, rau xanh ổn định so với các ngày 27, 28 tháng Chạp, tuy nhiên mặt bằng giá so với ngày thường cũng có tăng nhẹ.
Tại quận Đống Đa (chợ Thổ Quan), về cơ bản, ngày 30 Tết thị trường tương đối ổn định so với thời điểm ngày 29 tháng Chạp, chủ yếu tăng giá các mặt hàng thờ cúng như hoa tươi, rau xanh và thực phẩm tươi sống. Giá hoa cúc 5.000 – 7.000 đồng/bông, hoa ly 250.000 – 300.000 đồng/chục, hoa dơn 150.000 đồng/chục, rau cải xanh 10.000 đồng/mớ, rau cần 15.000 đồng/mớ, hoa lơ xanh loại nhỏ 20.000 đồng/cái, hoa lơ trắng to 25.000 đồng/cái, gà ta cúng giao thừa loại ngon 300.000 đồng/kg, tôm 370.000 đồng/kg, bò thăn 350.000 đồng/kg, bò bắp loại ngon 360.000 đồng/kg…
Trong các ngày đầu năm Giáp Thìn, hoạt động mua sắm diễn ra không nhiều vào các ngày mùng 1, mùng 2 Tết và dần trở lại bình thường vào các ngày mùng 3 Tết, mùng 4 tháng Giêng khi hầu hết các hệ thống siêu thị trở lại hoạt động bình thường; ngoài ra còn có chuỗi cửa hàng thuộc hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K tại các quận nội thành Hà Nội hoạt động xuyên tết, do đó luôn đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Qua khảo sát tại các khu vực chợ Tam Trinh (quận Hoàng Mai), chợ Văn Chương (quận Đống Đa), chợ Kim Quan (quận Long Biên), nhìn chung, giá các mặt hàng ổn định so với thời điểm trước Tết; nhu cầu tập trung ở một số mặt hàng tươi sống như rau xanh, thủy hải sản, thịt… và một số mặt hàng hoa tươi phục vụ người dân cúng lễ ngày 3 Tết cũng như phục vụ người dân đi lễ chùa đầu năm.
Theo Vietnam+, tại Tp.HCM, tiểu thương tại các chợ đã bắt đầu bán hàng trở lại để phục vụ nhu cầu của người dân, sức mua bình thường tập trung mua sắm chủ yếu là rau, củ, quả, trái cây, hoa tươi, thực phẩm tươi sống.
Tại Đà Nẵng, thị trường những ngày trước Tết bắt đầu sôi động và nhộn nhịp mua, bán vào các ngày 7, 8, 9 tháng 2 ( tức ngày 28, 29, 30 tháng Chạp Âm lịch). Tại các chợ mua, bán tập trung nhiều nhất ở các quầy bán trái cây, bánh mứt, thực phẩm các loại. Giá cả tuy có biến động tăng nhưng mức tăng không nhiều, chủ yếu ở một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thịt tươi sống, cá thu loại lớn, trái cây và hoa các loại.
Các siêu thị, chợ, hộ kinh doanh đẩy mạnh cung ứng hàng hóa ra thị trường nên đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa đầy đủ cho thị trường, chủng loại đa dạng, phong phú đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân.
Trong các ngày 10, 11 tháng 2 (tức mùng 1, 2 Tết) hầu hết các chợ vẫn chưa mở cửa, chỉ có một số người buôn bán ở phía bên ngoài. Người mua và người bán ít nên giá cả tương đương và một số nơi có cao hơn chút ít so với thời điểm ngày 29, 30 Tết. Thị trường mùng 3, mùng 4 Tết bắt đầu hoạt động lại, người dân đã đi mua sắm hàng hóa để cúng lễ và một số hộ kinh doanh cũng mở cửa bán hàng đầu năm.
Theo Cục Quản lý giá, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết là quý 1 trùng với thời điểm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, giá cả thường có biến động tăng theo quy luật vào trước và sau Tết (trong tháng Giêng là tháng lễ hội nên thường giá các hàng hóa, dịch vụ phục vụ ăn uống, vui chơi, đi lại sẽ tăng).
Đồng thời, cũng có một số yếu tố chính giảm áp lực lên mặt bằng giá là giá cả một số mặt hàng thiết yếu thường nhích tăng trong các ngày Tết và sau đó dần giảm trở lại bình thường sau Tết.
Tại một số tỉnh, thành phố lớn, nhiều siêu thị cửa hàng mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu mua sắm các hàng hóa thiết yếu, nguồn cung hàng hóa không còn bị gián đoạn sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân nên giá cả dự kiến không có nhiều biến động.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm và sự kiên định trong chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Quốc hội, Chính phủ trong những năm qua và thời gian tới giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.
Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp.
Cùng với đó, chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải,… không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.
Theo Người đưa tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu