Nông thôn “thông minh” trong kỷ nguyên công nghệ

Những nông dân “say” chuyển đổi số

Nhiều năm trở lại đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh không còn xa lạ với nông dân. Những trang trại “chăn nuôi không người”; “sàn thương mại điện tử”… có thể xem là thành công bước đầu của nông dân thời kỳ 4.0 khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lương Văn Phương – Giám đốc Hợp tác xã bưởi Đỏ Đông Cao (huyện Mê Linh) cho biết, năm 2020, sản phẩm bưởi Đỏ được công nhận OCOP 4 sao, có đầy đủ tem truy xuất nguồn gốc, việc sử dụng QR Code đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, người tiêu dùng có thể tra cứu các thông tin về sản phẩm, từ đó, hạn chế mua phải những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nông thôn
Thành phố Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cùng chung điểm nổi bật là ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mô hình trồng 80.000 cây lan Hồ Điệp với khoảng 30 màu hoa trên diện tích 2.500m2 của anh Ngô Minh Trưởng (huyện Thanh Oai) đã chứng minh sự bắt nhịp, thay đổi đúng với bước tiến của thời đại công nghệ. Ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, toàn bộ diện tích trồng lan đều được anh Trưởng xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng, làm mát được đầu tư đồng bộ.

Quy trình khép kín, từ nhiệt độ, ánh sáng đến việc chăm sóc, tưới nước cho lan… đều được anh đầu tư bài bản, khoa học, thực hiện tỉ mỉ, chỉn chu đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật cao, giúp cây sinh trưởng tốt, tránh được sâu bệnh, mang lại hiệu quả sản xuất cao. Việc ứng dụng công nghệ cao không những giúp anh Trưởng chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, mà còn giúp giảm chi phí nhân công lao động, từ đó giảm được giá thành sản xuất.

Đó là 2 trong số rất nhiều những mô hình ứng dụng công nghệ số hiệu quả. Hiện tại, thành phố Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố.

Diện mạo mới trên những vùng quê

Không chỉ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, thời gian qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo vùng nông thôn Thủ đô thay đổi từng ngày, cuộc sống của người dân được cải thiện và được thụ hưởng những giá trị thiết thực. Đến với xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, chúng tôi ấn tượng bởi khung cảnh yên bình, khang trang, sạch đẹp và mức độ “số hóa” trong cuộc sống. Hệ thống camera an ninh đã phủ khắp thôn, nhiều mặt hàng của người dân trong xã đã được giới thiệu, quảng bá, giao dịch mua bán qua internet, giúp kích cầu tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Từ những thay đổi đó, Tản Hồng được đánh giá là một trong những địa phương thu được “trái ngọt” từ việc xây dựng nông thôn mới.

Để hoàn thành những mục tiêu chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới thông minh, thời gian tới, các địa phương cần rà soát, ứng dụng các công nghệ số phù hợp; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể thích ứng và vận hành có hiệu quả ứng dụng khoa học-công nghệ, để từ đó làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Bí thư Đảng ủy xã Tản Hồng Phương Văn Liểu cho hay: “Trong 15 năm qua, xã đã hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, xã triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Với sự quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, xã Tản Hồng đã khoác lên mình diện mạo mới, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp và chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên”.

Không chỉ riêng Tản Hồng, đổi thay đến với rất nhiều xã trên địa bàn huyện Ba Vì, giúp huyện phát triển khởi sắc trên nhiều mặt suốt 15 năm qua. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29 triệu đồng năm 2008 lên 55,6 triệu đồng người/năm năm 2022. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tích cực, bền vững. Kết cấu hạ tầng đường giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở, nhà văn hóa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh. 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 14,05% (năm 2008) còn 0,58% (năm 2022).

Xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất cũng có những thay đổi tương tự. Là một trong những xã khó khăn, có xuất phát điểm thấp, đến nay Tiến Xuân đã khoác diện mạo mới. Chẳng khó để thấy đó là điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa… được đầu tư đồng bộ và khang trang. Tại xã đã có hộ dân đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhiều hộ chăn nuôi quy mô trang trại; phát triển nghề trồng rừng (trên núi cao), trồng cây ăn quả (dưới chân núi).

Cùng với diện mạo kinh tế mới, xã tiếp tục có kế hoạch gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống bản sắc dân tộc Mường, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Có thể nói, với sự lên ngôi của công nghệ, những vùng quê của Thủ đô cũng đã bắt nhịp với hơi thở thời đại, tự trang bị cho mình những kiến thức công nghệ để áp dụng vào sản xuất, biến những vùng quê vốn thuần nông thành những nông thôn mới thông minh.

Nguyễn Hoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích