Y tế Thủ đô hơn 6 thập kỷ vươn lên tầm cao mới
Đồng bộ phát triển
Suốt chặng đường phấn đấu trưởng thành cùng đất nước, ngành Y tế Thủ đô đã có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, mang lại sự hài lòng cho người bệnh. Nếu như các bệnh viện tuyến dưới “thay da đổi thịt”, thu hút ngày càng đông bệnh nhân, thì tuyến trên lại đi sâu vào việc triển khai nhiều kỹ thuật cao, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm quá tải, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao nhất ở mọi lúc, mọi nơi.
Nhân viên y tế tại Trạm Y tế Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) tranh thủ nhập dữ liệu liên quan đến công tác tiêm chủng và xét nghiệm. |
67 năm sau giải phóng, ngành Y tế Thủ đô ngày càng phát triển, đặc biệt là trong những năm gần đây. Nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại tuyến y tế cơ sở, thời gian qua, các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động y tế tại cơ sở, như phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, duy trì thực hiện hiệu quả các chương trình y tế.
Cụ thể, năm 2019, ngành Y tế Hà Nội tập trung xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở nhằm tăng cường vai trò của y tế dự phòng lồng ghép với khám, chữa bệnh tại 30 Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã; 53 Phòng khám Đa khoa khu vực; 4 Nhà hộ sinh và 584 Trạm Y tế xã, phường. Cùng với việc nâng cao chất lượng y tế cơ sở, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, ngành Y tế Hà Nội không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; duy trì Trạm Y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế, phát triển mô hình bác sĩ gia đình, thực hiện an toàn tiêm chủng, phòng, chống dịch bệnh…
Theo Trạm trưởng Trạm Y tế Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Hữu Giáp, cơ sở vật chất tại Trạm Y tế phường Mễ Trì được tu sửa từ tháng 4/2020, hoàn thành và sử dụng tháng 10/2020. Song song với đó, trang thiết bị y tế cũng được nâng cấp đầy đủ, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân. Đặc biệt, nhân viên y tế tại Trạm hàng năm đều được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức điều trị và phòng dịch, chứng nhận an toàn tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm… tất cả nhằm thu hút và giúp người dân an tâm, tin tưởng hơn khi tới khám, chữa bệnh.
Đặc biệt, suốt thời gian qua, điều đáng mừng là ngành Y tế Thủ đô đã xây được một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện K Tân Triều, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đạt tiêu chuẩn châu Âu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn với nhiều phòng mổ tiêu chuẩn châu Âu… Phần lớn các bệnh viện đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Cùng với việc ứng dụng và phát triển các kỹ thuật mới trong điều trị, việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, áp dụng các biện pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm phiền hà cho người bệnh được ngành Y tế Thủ đô triển khai quyết liệt và hiệu quả.
Có thể kể tới việc nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, giúp nhiều người bệnh được hưởng lợi. Trong đó, có Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, sau hơn 4 năm triển khai bệnh án điện tử đã đem lại những hiệu quả tích cực. Từ khi áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử, bệnh nhân không còn phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh; việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế minh bạch, không còn tình trạng trục lợi thẻ bảo hiểm y tế; khi ứng dụng thẻ từ thông minh để tiếp đón bệnh nhân rút ngắn thời gian tiếp đón từ khoảng 3 phút/1 bệnh nhân xuống còn từ 5-10 giây/1 bệnh nhân…
Người dân được khám sàng lọc sức khỏe trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19. |
Đặc biệt, tại thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành thì nền tảng khám, chữa bệnh từ xa đã thực sự phát huy hiệu quả. Người dân Thủ đô cũng như người dân trên cả nước vẫn được khám, chữa bệnh kịp thời mà vẫn bảo đảm yêu cầu giãn cách xã hội, đặc biệt đối với bệnh nhân cao tuổi, khó khăn trong việc di chuyển, bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa trên khắp cả nước.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biễn phức tạp và khó lường, nhằm hạn chế tối đa ca bệnh tử vong, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết: Hàng ngày Sở Y tế giao ban trực tiếp với các bệnh viện vào buổi sáng với 81 điểm cầu, qua đó nghe được báo cáo hội chẩn các trường hợp từ nhẹ đến nặng, báo cáo chuyển tầng. Như vậy thông tin điều trị được trao đổi liên tục, thông suốt giữa các bệnh viện phối hợp nhau cùng điều trị hiệu quả.
Nhiều thành quả đáng ghi nhận
Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng cán bộ, nhân viên ngành Y tế Thủ đô đã luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều tấm gương là bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên, nhân viên y tế đã làm việc tận tụy, trách nhiệm, không ngại hiểm nguy, vất vả, xung phong đến tuyến đầu chống dịch từ công tác lấy mẫu, xét nghiệm và điều trị.
Gần 2 năm qua, đặc biệt là từ khi dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, mỗi người dân đều đã quen thuộc với hình ảnh các bác sĩ, y tá mặc đồ bảo hộ luôn thay phiên túc trực và làm việc. Dù đối mặt với nguy hiểm rình rập, họ vẫn âm thầm phục vụ vì trách nhiệm và cao hơn hết là y đức hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Dịch bệnh luôn có những biến đổi bất ngờ, khó đoán định, ai cũng có thể vô tình trở thành nạn nhân, nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế vẫn không chùn bước mà còn cố gắng nhiều hơn nữa, động viên nhau làm việc và phụng sự, đem tới sự an tâm cho người dân.
Điển hình, vừa qua, với sự cố gắng và nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn đã giúp bệnh nhân Covid-19 can thiệp tim phổi nhân tạo (ECMO) đầu tiên của Hà Nội hồi sinh đầy kỳ tích. Cụ thể, ngày 17/9, Bệnh viện Thanh Nhàn công bố bệnh nhân chạy ECMO đầu tiên của Hà Nội khỏi bệnh sau 50 ngày nhập viện và điều trị hồi sức tích cực, nhiều lần bên bờ vực sinh tử.
Chia sẻ về ca bệnh đặc biệt này, bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh nhân may mắn trên là trường hợp mắc Covid-19 phải can thiệp ECMO đầu tiên tại Bệnh viện. Bệnh nhân đã trải qua 50 ngày chiến đấu với “thần chết”, đã được sử dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong điều trị như thở máy, lọc máu và cuối cùng là chạy ECMO. Theo bác sĩ Hương, ECMO là một kỹ thuật khó, phức tạp và cũng là “cánh cửa” cuối cùng để có thể cứu sống được cho bệnh nhân. Rất may mắn bệnh nhân đã đáp ứng điều trị, hồi phục và được xuất viện.
Trước đó, bệnh nhân được chuyển viện tới Bệnh viện Thanh Nhàn trong tình trạng khó thở, suy hô hấp không đáp ứng thở máu xâm nhập. Hình ảnh chụp CT cho thấy bệnh nhân bị đông đặc 2 phổi, phổi tổn thương tới 80%. Nếu không can thiệp ECMO bệnh nhân khó có thể qua khỏi. Sau khi hội chẩn, bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn đã quyết định can thiệp ECMO để cứu sống bệnh nhân. Trong quá trình triển khai, Bệnh viện Thanh Nhàn đã nhận được sự tư vấn về chuyên môn rất sát sao của các chuyên gia đầu ngành tại tuyến Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Khi tiến hành can thiệp ECMO, các bác sĩ cũng đã có chút lăn tăn vì liệu bệnh nhân có cơ hội không vì tổn thương phổi quá nặng, nhưng đây là cơ hội cuối cùng cứu bệnh nhân nên các bác sĩ vẫn quyết tâm thực hiện kỹ thuật này. Và sau hơn 3 giờ đồng hồ, các bác sĩ can thiệp ECMO thành công. Tuy nhiên, trong quá trình can thiệp, gặp nhiều khó khăn do tình trạng oxy máu của bệnh nhân cứ giảm dần… hoặc các chỉ số về oxy, huyết đông và đặc biệt tình trạng rối loạn đông cầm máu liên tục nên các bác sĩ cần theo dõi sát và điều chỉnh liên tục.
May mắn, đến ngày thứ 3 tình trạng của bệnh nhân khả thi hơn khi oxy lên dần. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức vì giai đoạn phổi tổn thương đông đặc, xơ hóa. Sự quyết tâm điều trị của đội ngũ y, bác sĩ nơi đây được đền đáp khi bệnh nhân dần có sự hồi phục. Điều đầu tiên là tình trạng oxy máu lên, huyết áp ổn định hơn, dừng an thần để đánh giá ý thức. Bệnh nhân đã có cử động tay chân, có tín hiệu đáp ứng được với bác sĩ… Mỗi biến chuyển của bệnh nhân được y, bác sĩ theo sát từng phút.
“Bởi vậy, ngày bệnh nhân được xuất viện là niềm vui không chỉ của bệnh nhân mà còn cả đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn. Đây là ca bệnh mắc Covid-19 can thiệp ECMO thành công ở bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội. Với bệnh nhân này, nếu không can thiệp ECMO, bệnh nhân sẽ tử vong”, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết thêm.
Cũng trong cuộc chiến phòng, chống và đẩy lui đại dịch Covid-19, ngành Y tế Thủ đô còn hết sức nỗ lực kiện toàn, nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Mới đây, giữa tháng 9, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vừa được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cấp Giấy chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định vi rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR.
Các y, bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn chạy đua với thời gian để cứu bệnh nhân mắc Covid-19. |
Kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR là phương pháp xét nghiệm xác định sự hiện diện của vi rút thông qua vật liệu di truyền của vi rút SARS-CoV-2 với độ chính xác cao. Kết quả thu được có thể giúp bác sĩ điều trị tiên lượng và đánh giá hiệu quả điều trị cho người nhiễm vi rút. Phương pháp realtime RT-PCR là một trong những kỹ thuật xét nghiệm hiện đại và phổ biến nhất hiện nay, có độ chính xác cao, cho kết quả nhanh và có thể sử dụng để xét nghiệm số lượng mẫu lớn trong thời gian ngắn.
Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông Cao Đức Chinh cho biết, sau khi tiến hành thẩm định, đánh giá năng lực xét nghiệm chẩn đoán vi rút SARS-CoV-2, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã quyết định cấp giấy chứng nhận năng lực xét nghiệm khẳng định vi rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR cho Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông sở hữu máy Realtime RT-PCR và máy tách chiết tự động công suất trung bình 300 đến 400 mẫu đơn/ngày, mẫu gộp là 3.000 đến 4.000 bệnh nhân/ngày. Việc được công nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định vi rút SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông có ý nghĩa quan trọng, góp phần đáp ứng nhanh với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong thời điểm hiện nay. Đặc biệt, cùng với các bệnh viện công trên địa bàn Thành phố như Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang… nâng cao năng lực xét nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trong suốt “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19, Hà Nội luôn giữ thế chủ động. Mọi kịch bản, phương án phòng, chống dịch đều được xây dựng với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn cho sức khỏe của nhân dân. Và thực tế, đã chứng minh những giải pháp chống dịch của Thành phố đang đi đúng hướng và bước đầu có nhiều kết quả đáng ghi nhận để sớm đưa Thủ đô về trạng thái “bình thường mới” và trở thành điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch trong cả nước.
Chia sẻ về ca bệnh ECMO đầu tiên tại Hà Nội khỏi bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh, can thiệp tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) là biện pháp cuối cùng để cứu sống người bệnh trong tình trạng suy hô hấp, phổi đông đặc. Việc bệnh nhân được cứu sống đã tiếp thêm năng lượng cho các y, bác sĩ tiếp tục kiên trì hơn nữa trong điều trị người bệnh Covid-19.
Ngay từ đợt bùng phát dịch lần thứ tư, Sở Y tế Hà Nội đã kích hoạt Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang triển khai nhiệm vụ tuyến cuối của Hà Nội điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Đây là trường hợp đầu tiên phải can thiệp ECMO. Với thành công này, ông Nguyễn Đình Hưng khẳng định, nguồn lực y tế Thủ đô sẵn sàng đáp ứng kịch bản xấu nhất của dịch Covid-19 có thể xảy ra tại Hà Nội.
Hơn 6 thập kỷ qua, nhờ sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền Thành phố và Bộ Y tế, ngành Y tế Thủ đô đã không ngừng phát triển. Đến nay, thành phố Hà Nội đã xây dựng hệ thống Y tế đồng bộ từ cấp Thành phố đến tuyến quận, huyện, xã phường. Một số bệnh viện như: Xanh- Pôn, Tim Hà Nội, Thanh Nhàn, Ung bướu đã được Bộ Y tế xếp ngang bệnh viện tuyến cuối. Cơ sở vật chất không ngừng được nâng lên, đi liền với chất lượng đội ngũ y bác sĩ ngày càng đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân… |
Nguồn: Báo lao động thủ đô