Giải bài toán hạ tầng chất lượng quốc gia và trăn trở của người làm quản lý

Khát vọng đưa Việt Nam sánh tầm quốc tế

Năm 2023, trong bối cảnh ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) có nhiều bước tiến mới, lĩnh vực đo lường cũng có đóng góp không nhỏ. Một trong những dấu ấn lớn nhất là việc chúng ta đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.

Việc đề án được hoàn thiện đã phản ánh sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn ngành TCĐLCL nói chung, các cán bộ thuộc Vụ Đo lường nói chung. Phía sau thành công đó, luôn có những con người tận tuỵ vì công việc, ngày đêm trăn trở để hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất.

Mặc dù tính chất công việc vô cùng bận rộn, nhất là vào dịp cuối năm, tuy nhiên, ông Trần Quý Giầu, Vụ trưởng Vụ Đo lường vẫn rất nhiệt tình chia sẻ với phóng viên những câu chuyện xoay quanh việc xây dựng Đề án và cả những nỗi niềm trăn trở từ vị trí của người làm quản lý.

Kể về những lý tưởng, kỳ vọng khi bắt đầu xây dựng đề án, ông Trần Quý Giàu cho biết, khái niệm hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) không phải là khái niệm mới, thậm chí trên thế giới đã có những nghiên cứu cách đây hàng chục năm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mới chỉ có một số nền tảng căn bản của NQI được hình thành thông qua các cấu phần gồm tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp, công nhận và giám sát thị trường (thanh tra, kiểm tra) dựa trên ba luật: Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường.

Với một số kết quả ban đầu nêu trên, NQI trong giai đoạn vừa qua đã trở thành một công cụ giúp các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa; giúp doanh nghiệp có cơ sở để cải tiến kỹ thuật, thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và tiết kiệm chi phí trong sản xuất, kinh doanh, kịp thời kiểm soát chất lượng sản phẩm trong sản xuất, nhập khẩu.

Ông Trần Quý Giầu, Vụ trưởng Vụ Đo lường (Tổng cục TCĐLCL). Ảnh: Hán Hiển

Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu mới về quản lý và hội nhập quốc tế, NQI ở Việt Nam đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải đổi mới và phát triển.

Do đó, việc phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia là yêu cầu, giải pháp quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chiến lược, kế hoạch, đề án của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế.

Từ góc độ những người làm quản lý, ông Trần Quý Giầu tâm sự: “Ước muốn, khát vọng của chúng tôi là làm sao để Việt Nam có hạ tầng chất lượng quốc gia phát triển ngang tầm với các nước tiên tiến trên thế giới, để chúng ta có thể nâng cao năng lực cạnh tranh với quốc tế trong bối cảnh hội nhập hiện nay”.

Bởi trên thực tế, theo ông Giầu, việc phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia là nền tảng quan trọng thúc đẩy năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhằm chuyển dịch việc tạo ra các sản phầm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn.

Áp lực, trăn trở trong nhiều ngày

Mặc dù đã có kinh nghiệm nhiều năm trong quản lý hoạt động đo lường, tuy nhiên, khi bắt đầu tham gia chỉ đạo, xây dựng đề án, bản thân ông Trần Quý Giầu và các cán bộ thuộc Vụ Đo lường cũng vấp phải không ít khó khăn, áp lực.Những khó khăn, áp lực xuất phát từ chính lý tưởng, kỳ vọng đưa NQI của Việt Nam sánh tầm quốc tế.

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, ông Giầu cho biết, việc xây dựng đề án là việc khó, cần nhiều thời gian thu thập, tổng hợp thông tin, tham khảo chuyên gia quốc tế… Hơn nữa, hàng năm đều có bộ chỉ số đánh giá NQI của các nước và các quốc gia trên thế giới đều đang nỗ lực nâng cao chỉ số NQI của mình. Do đó, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế này và chắc chắn sẽ phải cạnh tranh rất quyết liệt.

“Hiện trạng NQI của Việt Nam có thể nói là còn kém xa so với nhiều nước, đó là một bất lợi của chúng ta khi tham gia các khuôn khổ quốc tế hay muốn nâng cao NQI. Chúng ta có áp lực là nước đi sau nhưng phải đạt vị trí đủ để không trở thành một quốc gia lạc hậu và bị bỏ lại trên chặng đường này. Khi chúng ta đang nỗ lực thay đổi, các nước khác cũng không đứng im, thậm chí họ còn đầu tư gấp nhiều lần để đạt được mục tiêu. Đối với chúng tôi, đó cũng là áp lực rất lớn khiến chúng tôi trăn trở trong nhiều ngày tháng”, ông Giàu bộc bạch.

Cũng theo ông Giàu, áp lực còn thể hiện ở chính mục tiêu mà chúng ta nêu ra trong đề án. Theo Bảng xếp hạng GQII đã công bố thì năm 2020, chỉ số NQI của Việt Nam đã đạt vị trí thứ 54 và năm 2021 đã đạt ở thứ 51. Vì vậy, mục tiêu đề xuất về vị trí chỉ số NQI của Việt Nam trong đề án (từ 45-50 vào năm 2030 và từ 40-45 vào năm 2035) được cho khá khó khăn.

Rõ ràng, để đạt mục tiêu đó,Việt Nam cần có giải pháp đẩy mạnh phát triển NQI nhằm cải thiện các chỉ số liên quan về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, đánh giá sự phù hợp, công nhận (như hình thành 10-20 tổ chức đo lường, đánh giá sự phù hợp được quốc tế thừa nhận, triển khai được ít nhất 40 chương trình thử nghiệm thành thạo/so sánh liên phòng, tối thiểu 2.000 tổ chức đánh giá sự phù hợp…)

Quyết tâm thực hiện mục tiêu trong thời gian nhanh nhất

Hiện tại, theo lãnh đạo Vụ Đo lường, đề án đang chờ được Chính phủ phê duyệt. Khi đã được duyệt, những công việc cần triển khai để thực hiện đề án sẽ rất nhiều. Khi đó, các cán bộ, nhân viên sẽ phải làm việc với tinh thần trách nhiệm và sự tập trung cao nhất.

Mặc dù với hiện trạng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật như hiện tại, việc hiện thực hoá các mục tiêu nâng cao chỉ số NQI không hề dễ, nhưng Vụ trưởng Vụ Đo lường vẫn bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng vào khả năng và tính khả thi của những mục tiêu mà đề án đã nêu.

“Hy vọng rằng, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tổng cục và bằng sự quyết tâm của các cán bộ trong ngành nói chung và của cán bộ trong Vụ Đo lường nói riêng, chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu nêu ra trong đề án trong thời gian nhanh nhất. NQI là một công cụ tuyệt vời để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.

Các quốc gia có NQI phát triển đều là các nền kinh tế có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chiếm thị phần quan trọng trên thị trường quốc tế. Mong muốn của chúng tôi là NQI của Việt Nam có thể sánh ngang với các nước tiên tiến trên thế giới”, ông Trần Quý Giàu nhấn mạnh.

Hán Hiển

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích