Việt Nam sẵn sàng chuyển đổi năng lượng công bằng hướng tới “Net Zero”
Tiếp nối kết quả đạt được trong Chuyển đổi Xanh, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2024-2028, Việt Nam sẽ triển khai các dự án cụ thể, chuyển đổi năng lượng công bằng.
Trong năm 2023, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong cam kết “hành động Xanh” được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. (Nguồn: Vietnam+) |
Cánh én mùa Xuân Giáp Thìn 2024 đang bay về “bầu trời” Việt Nam mang theo tín hiệu tốt lành, nhiều triển vọng mới, sức sống mới, niềm tin mới!
Với những kết quả đạt được trong năm vừa qua, các nỗ lực trong Chuyển đổi Xanh, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu… của Việt Nam đã được nhiều nước, tổ chức quốc tế đánh giá cao và coi là “hình mẫu” để nhân rộng mô hình ở khu vực và thế giới.
Tiếp nối kết quả trên, trong giai đoạn 2024-2028, Việt Nam sẽ triển khai các dự án cụ thể nhằm hiện thực hóa Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để đạt mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050.
Khơi thông nguồn tài chính JETP
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus trước thềm Xuân Giáp Thìn 2024, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Tăng Thế Cường nhấn mạnh trong năm 2023, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong cam kết “hành động Xanh,” được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Đơn cử, tại Hội nghị COP28, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG). Sự kiện đánh dấu tròn 1 năm Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) thông qua Tuyên bố JETP vào tháng 12/2022.
Dù là quốc gia thứ 3 sau Indonesia và Nam Phi ký kết thực hiện JETP, thế nhưng đến nay, Việt Nam lại là quốc gia đầu tiên công bố Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai JETP. Đây được xem là bước đi tiên quyết, quan trọng để khơi thông nguồn tài chính từ JETP và chuyển hóa thành các dự án mang tính đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Kế hoạch trên đã đề ra danh mục các dự án cụ thể để huy động tài chính từ các đối tác IPG, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và các nhà tài trợ khác. Điều này chứng minh Việt Nam đã sẵn sàng và sẽ tạo điều kiện tốt nhất để tiếp nhận các nguồn lực thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới. (Ảnh: Dương Giang-TTXVN) |
Cũng tại Hội nghị COP28, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Thư ký JETP cùng Nhóm các đối tác quốc tế đã tiến hành các cuộc tham vấn các bên liên quan, đặc biệt là các bộ, ngành, các tập đoàn, công ty. JETP là vấn đề mới, vừa là vấn đề chính trị, ngoại giao và kinh tế; vừa là mối quan hệ đối tác toàn cầu với mục tiêu chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, chuyển đổi công nghệ theo hướng chuyển đổi Xanh, giảm phát thải, phát triển kinh tế cácbon thấp.
Tại lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai JETP, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi năng lượng công bằng có ý nghĩa quyết định đối với việc đạt được định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và các mục tiêu phát triển bền vững với tinh thần lấy người dân làm trung tâm. Minh chứng là Việt Nam đã có những bước triển khai rất quyết liệt, mạnh mẽ và đầy tham vọng trong thời gian qua để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã đề nghị các bên liên quan nhanh chóng đạt được thỏa thuận để chuyển số tiền cam kết hỗ trợ Việt Nam trị giá 15,5 tỷ USD thành những dự án mang tính đột phá, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam. Lãnh đạo Chính phủ cũng khẳng định cam kết thực hiện cơ chế, chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh; tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và mong các doanh nghiệp tiếp tục đến đầu tư tại Việt Nam.
“Việt Nam cam kết bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư nước ngoài, bảo đảm các doanh nghiệp làm ăn có lợi, phát triển,” ông Cường nói.
Thúc đẩy mạnh mẽ Kinh tế Xanh, Kinh tế Số
Về nguồn tài chính của JETP, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng nhu cầu tài chính cho chuyển đổi năng lượng đến năm 2030, nên các nguồn lực phải được sắp xếp ưu tiên một cách có chiến lược.
Kế hoạch huy động thực hiện JETP được xây dựng trên cơ sở nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đề án triển khai Tuyên bố JETP và đề xuất của các đối tác trong nước và quốc tế.
Theo kế hoạch, danh mục các dự án đầu tư chuyển đổi năng lượng công bằng gồm 5 nhóm: Thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; chuyển đổi năng lượng Xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải.
Việt Nam nỗ lực phục hồi tự nhiên và đa dạng sinh học. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Các nhóm dự án trên là những trường hợp chưa huy động được vốn, chưa được cấp vốn đầy đủ, chưa được phê duyệt hoặc đang trong giai đoạn đề xuất. Trong số đó có 37 dự án về cơ bản đã được phê duyệt và đưa vào các quy hoạch như Quy hoạch điện VIII, một số dự án đang ở giai đoạn nghiên cứu khả thi, 181 dự án mới ở giai đoạn đề xuất ý tưởng để tiếp cận nguồn tài chính của IPG hoặc GFANZ.
Trong giai đoạn 2024-2028, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết các hành động chính tập trung cải thiện khung pháp lý trong chuyển đổi năng lượng theo đề xuất từ các bộ, ngành và nhóm đối tác quốc tế. Đó là các chính sách liên quan tới chuyển đổi các nhà máy điện than đồng bộ với lộ trình phát triển thị trường cácbon; phát triển ngành năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng trong giao thông vận tải; đổi mới chuyển giao công nghệ, xây dựng các cơ chế đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng trên cơ sở đánh giá tác động môi trường, xã hội liên quan.
Đánh giá Việt Nam đã đưa ra các mục tiêu cụ thể và tham vọng sau hai năm cam kết đạt “Net Zero vào năm 2050,” ông Đào Xuân Lai – Trưởng Ban biến đổi khí hậu môi trường và năng lượng của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) nhấn mạnh những kết quả đạt được của Việt Nam tại Hội nghị COP28 sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ Kinh tế Xanh, Kinh tế Số, kinh tế tuần hoàn. Các nỗ lực này, theo ông Lai, sẽ đóng vai trò quan trọng giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, phục hồi tự nhiên và đa dạng sinh học.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP28 ở Dubai, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định: “Việc đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện. Đây cũng là chìa khóa để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu.”
“Thời gian không chờ đợi. Khó khăn, thách thức ngày càng nhiều, phức tạp và khó lường hơn. Vì vậy, các nước cần đoàn kết, nỗ lực hơn vì sự phát triển thịnh vượng của cả nhân loại, vì sự mát lành của Trái Đất và ấm no, hạnh phúc của mọi người dân,” Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh./.
Nguồn: Báo xây dựng