Đá nhựa – dấu hiệu đáng sợ của môi trường
Đá nhựa – dấu hiệu đáng sợ của môi trường
Các nhà khoa học ngày càng nhận thức rõ hơn về sự tồn tại của những tảng đá nhựa được hình thành do các cơn sóng chứa đầy rác đập vào bờ đá.
Với tên gọi khác là “gỉ nhựa”, hiện tượng này lần đầu tiên được báo cáo vào năm 2016 bởi các nhà khoa học Bồ Đào Nha khi họ phát hiện ra những tảng đá có màu sắc bất thường trên hòn đảo Madeira nằm ở phía tây bắc châu Phi.
Ở một số khu vực nhất định của bờ biển, có tới 10% đá đã bị bao phủ bởi các mảnh polyetylen, dạng nhựa phổ biến được sử dụng làm chai soda và bao bì thực phẩm.
Kể từ phát hiện đầu tiên này, đá nhựa đã được tìm thấy ở nhiều vùng ven biển khác nhau. Đầu năm 2023, các nhà địa chất đã báo cáo việc phát hiện ra những tảng đá nhựa màu xanh lam trên một hòn đảo núi lửa ngoài khơi bờ biển Brazil.
Mô tả phát hiện này, Fernanda Avelar Santos, nhà địa chất tại Đại học Liên bang Parana, cho biết: “Đây là một phát hiện vừa mới mẻ mà cũng vừa đáng sợ, vì ô nhiễm đã lan đến cả các tầng địa chất”.
Đá nhựa có thể tồn tại dưới một số dạng khác nhau. Trong một số trường hợp, nhựa đã tích hợp vật lý vào tầng đá trầm tích. Tuy nhiên, rõ ràng là đá và nhựa có thể kết hợp về mặt hóa học, liên kết chặt chẽ hai vật liệu này ở cấp độ phân tử.
Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác các tác động của đá nhựa đến các sinh vật biển xung quanh, mặc dù đã có những bằng chứng chỉ ra rằng nó có khả năng ảnh hưởng đến hàu và các sinh vật khác bám vào đá.
Các nhà nghiên cứu ở Madeira báo cáo rằng đã nhìn thấy những con ốc biển nhỏ đang gặm cỏ trên lớp gỉ nhựa. Các thí nghiệm đã chỉ ra rằng những loài động vật này gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa tảo, thức ăn tự nhiên của chúng và nhựa, làm dấy lên mối lo ngại rằng một số loài sinh vật biển có thể đang tiêu thụ nhựa, qua đó tạo nên một mối đe dọa tiềm tàng mới khác đối với hệ sinh thái biển rộng lớn.
Dù tác động của chúng là gì, sự hiện diện của đá nhựa là một dấu hiệu khá tai hại cho thấy tình trạng ô nhiễm nhựa đã trở nên nghiêm trọng như thế nào.
Người ta ước tính có hơn 171 nghìn tỷ mảnh nhựa trong lòng đại dương. Đây là một thống kê đáng kinh ngạc nếu bạn nghĩ rằng nhựa chỉ mới được sử dụng rộng rãi trong khoảng một thế kỷ.
Gỉ nhựa cũng là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy hoạt động của con người đang bắt đầu tác động sâu sắc đến các tầng địa chất.
Khi thảo luận về hoạt động của con người đang tác động đến hành tinh này như thế nào, các nhà khoa học đôi khi sử dụng thuật ngữ “Anthropocene”, một kỷ nguyên địa chất mới được đề xuất để mô tả hành động của con người đang thay đổi thế giới tự nhiên như thế nào. Điều này bao gồm tất cả mọi thứ từ phóng xạ hạt nhân, khí thải nhà kính đến ô nhiễm nhựa.
Không phải ai cũng nhận ra ý nghĩa thật sự của thuật ngữ này vì các khung thời gian địa chất thường hoạt động theo thang thời gian khổng lồ chứ không chỉ là hàng thế kỷ.
Cuối cùng, sự hiện diện của đá chứa nhựa là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy hoạt động công nghiệp của con người đang có một số tác động sâu sắc đến địa chất của hành tinh./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị