Đẩy mạnh chi trả an sinh xã hội qua tài khoản ngay sau dịp Tết
Đẩy mạnh chi trả an sinh xã hội qua tài khoản ngay sau dịp Tết
Toàn thành phố Hà Nội có trên 91.000 người được chi trả chế độ an sinh xã hội dịp Tết qua tài khoản, với tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng.
Theo Cổng thông tin điện tử TP Hà Nội, nhiều năm qua, chăm lo đời sống người có công và các đối tượng xã hội khác nhân dịp Tết Nguyên đán luôn được Thành phố đặc biệt quan tâm mỗi độ Tết đến, Xuân về. Để đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố dịp Tết Nguyên đán năm nay, UBND Thành phố đã sớm ban hành Kế hoạch 308/KH-UBND về việc tặng quà các đối tượng chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo đó, Thành phố đã tặng quà cho 129.205 người có công với tổng kinh phí 200,978 tỷ đồng; Tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội là 209.450 người với tổng kinh phí 62,973 tỷ đồng; Tặng quà cho 580.691 người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng với tổng kinh phí 174,207 tỷ đồng; Tặng quà và mừng thọ 140.033 người cao tuổi với tổng kinh phí 103,447 tỷ đồng.
Tặng quà cho 86 đơn vị tiêu biểu và 150 suất quà cá nhân tiêu biểu với tổng kinh phí 1,811 tỷ đồng. Thành phố cũng tặng quà 10.000 người lao động và 300 nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 5,3 tỷ đồng. Tổng kinh phí thực hiện trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là 548,716 tỷ đồng.
Ngoài quà tặng của Thành phố, các quận, huyện, thị xã, căn cứ vào điều kiện và khả năng thực tế, còn có các cơ chế chính sách hỗ trợ các gia đình chính sách xã hội khó khăn trên địa bàn, đảm bảo mọi người đều có Tết.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong thì ngoài các chính sách chung của Nhà nước, thành phố Hà Nội có những chính sách riêng đối với các đối tượng đặc thù, đối tượng chính sách. Đó là, ngoài 2 mức quà tặng bằng tiền mặt 600.000 đồng/suất và 300.000 đồng/suất của Nhà nước đối với người có công với cách mạng, thành phố Hà Nội cũng đưa ra 2 mức là 2.000.000 đồng/suất và 1.000.000 đồng/suất. Chính sách này được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND, ngày 8/12/2022, của HĐND thành phố Hà Nội.
Qua đó, đã thể hiện chính sách rất nhân văn, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo Tết đối với các đối tượng trên địa bàn của thành phố Hà Nội.
Không chỉ có mức hỗ trợ cao hơn, thành phố Hà Nội cũng mở rộng thêm nhiều đối tượng được tặng quà so với quy định của Trung ương. Như, ngoài đối tượng tặng quà của Chủ tịch nước, thành phố Hà Nội tặng thêm quà cho các đối tượng là đại diện thân nhân của người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước” đã chết, với mức 2.000.000 đồng/suất và 300 nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức quà tặng 1.000.000 đồng/suất.
Cùng với việc thực hiện các quy định của Nhà nước, chính sách đặc thù của Thành phố, các đơn vị, quận, huyện đã vận động thêm những nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ để quan tâm, chăm lo thêm đối với những cơ sở có nhiều người lao động sản xuất, gia đình chính sách, đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội trên địa bàn quận, huyện.
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, UBND Thành phố phối hợp với Liên đoàn Lao động Thành phố chỉ đạo chính quyền và Công đoàn các cấp tổ chức chương trình “Tết sum vầy – Xuân chia sẻ”, Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2024”; Tổ chức hỗ trợ; Thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết đoàn viên và người lao động; Tổ chức Chương trình “Hành trình Tết Công đoàn – Xuân 2024”; Chăm lo cho đoàn viên, người lao động, người lao động không về quê đón Tết. Đã chi trên 113 tỷ đồng từ ngân sách Công đoàn, các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ cho 68 nghìn đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Riêng cấp Thành phố đã tổ chức các hoạt động chăm lo cho 42.451 lượt đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hơn 29 tỷ đồng. Tổ chức 30 chuyến xe hỗ trợ 1.000 công nhân lao động; Hỗ trợ vé xe cho 5.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết với tổng số tiền 1,96 tỷ đồng. Triển khai chợ Tết Công đoàn qua sàn giao dịch thương mại điện tử của Tổng Liên đoàn Lao động cho 1.176 đoàn viên với tổng số tiền 352,8 triệu đồng.
Điểm nhấn của công tác chăm lo Tết năm nay là sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an sinh xã hội.
Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết: Đến thời điểm này, 100% quận, huyện, thị xã đã tiến hành chi trả trợ cấp tháng 1, tháng 2 cho người thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội.
Theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, tính đến kỳ báo cáo tháng 1/2024, toàn Thành phố có 293.256 người đang hưởng chế độ ưu đãi, trợ cấp hằng tháng, gồm: 80.005 người có công và thân nhân người có công; 204.723 người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội và 8.528 đối tượng khác. Qua đợt cao điểm tập trung tuyên truyền, vận động, đã có 256.429 người có tài khoản ngân hàng, đạt tỷ lệ 87,44% số người hưởng chính sách ưu đãi người có công và thân nhân người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng.
Hiện nay, Thành phố đã tiến hành rà soát các trường hợp người dân thuộc diện hưởng chính sách an sinh xã hội bất khả kháng không đăng ký được tài khoản, gồm người già yếu không có khả năng đi lại, người không có người nhận thay… để linh hoạt thực hiện chi trả bằng hình thức qua dịch vụ bưu chính công ích, chi trả tận tay cho người dân.
Đối với các trường hợp yếu thế, gặp nhiều khó khăn hoặc không có khả năng thực hiện giao dịch, nhận trợ cấp qua tài khoản, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng các phương án, cách thức hỗ trợ phù hợp với đặc điểm tình hình và nhu cầu của người dân, bảo đảm nguyên tắc không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, đơn giản và thuận tiện.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị