Chuyển đổi số ngành TCĐLCL: Nỗ lực để bứt tốc

Từ tầm nhìn tới hành động

Chuyển đổi số có tác động sâu rộng, bao trùm tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Tổng cục TCĐLCL đã dành sự quan tâm đặc biệt tới việc thúc đẩy chuyển đổi số. Để công cuộc chuyển đổi số có thể đi đến thành công, không thể không nhắc tới vai trò của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị. Bởi lẽ, chỉ khi người lãnh đạo đứng đầu cơ quan có quyết tâm thực hiện, quá trình chuyển đổi số mới có thể diễn ra một cách nghiêm túc, toàn diện và hiệu quả.

 TS Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL.

Tại Tổng cục TCĐLCL, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, toàn ngành đã đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Kể từ những ngày đầu tiên, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của TS Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng, Tổng cục đã bắt tay vào xây dựng đề án chuyển đổi số ngành TCĐLCL. Đây là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn, vì khi chuyển sang phương thức làm việc mới đòi hỏi phải thay đổi về văn bản quy phạm pháp luật, về nhận thức, phương thức làm việc.

“Chuyển đổi số không chỉ là xu thế mà là vấn đề mang tính chất rất cấp bách đang xảy ra trước mắt. Bản thân những người làm về TCĐLCL nếu không chủ động hội nhập, chủ động tiếp cận thì chúng ta sẽ khó bắt kịp những xu thế xã hội đang xảy ra. Thông qua những hội thảo, sự kiện được Tổng cục tổ chức, chúng ta thấy rất rõ rằng, doanh nghiệp đang đi rất nhanh trên con đường chuyển đổi số. Vấn đề này đặt ra những thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước như Tổng cục, các vụ quản lý, các đơn vị sự nghiệp, đặt ra bài toán phải làm gì để đẩy nhanh quá trình này”, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL chia sẻ về những khó khăn, áp lực khi tiến hành chuyển đổi số.

Cũng theo TS Hà Minh Hiệp, bất kỳ cuộc cách mạng hay công việc nào nếu không thực hiện triệt để sẽ không thể thành công. Và hoạt động chuyển đổi số không thể triệt để, không thể “vẹn tròn” nếu nhận thức của cán bộ, nhân viên, đặc biệt là người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị chưa cao. Về vấn đề này, ngay từ trước khi triển khai các hoạt động chuyển đổi số, Tổng cục đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc có giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Để hoạt động chuyển đổi số diễn ra thuận lợi, đạt hiệu quả cao, Tổ công tác chuyển đổi số của Tổng cục được ra đời.

“Cho đến thời điểm này, nhận thức về chuyển đổi số ở Tổng cục cơ bản đạt được mục tiêu. Từ lãnh đạo các đơn vị, những cán bộ công chức viên chức và người lao động, các đơn vị quản lý, đơn vị sự nghiệp đã ý thức được đây là trách nhiệm, đồng thời là cơ hội mà chúng ta cần nhanh chóng nắm bắt”, TS Hà Minh Hiệp vui mừng chia sẻ.

Những trái ngọt đầu tiên

Sau thời gian triển khai, hoạt động chuyển đổi số trong ngành TCĐLCL cũng đã đạt được những thành quả đáng tự hào. Từ giữa năm 2023, hoạt động chỉ đạo điều hành của Tổng cục thông qua ký số văn bản đã được thực hiện 100%. Các đơn vị chủ động số hoá dữ liệu của mình, đặc biệt là Vụ Đo lường, Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy, tất cả dữ liệu liên quan tới doanh nghiệp, tổ chức đã được số hoá.

Tổng cục cũng tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn, tổ chức đánh giá sự phù hợp, trong đó có tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định, tổ chức công nhận, tổ chức thử nghiệm hay cơ sở dữ liệu về các tổ chức đăng ký kiểm định, thử nghiệm đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường.

 Bản đồ số tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Sản phẩm đầu tiên của quá trình thực hiện chuyển đổi số tại Tổng cục chính là việc xây dựng, hình thành bản đồ số trong hoạt động TCĐLCL. Bản đồ số là nơi tập hợp thông tin chính thống về các tổ chức, đơn vị thực hiện dịch vụ tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng kèm theo các văn bản pháp lý, thông tin truy cập và hướng dẫn.

“Trên cơ sở bản đồ số, chúng ta có thể đưa ra thông tin khác hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp tổ chức tra cứu thông tin về các đơn vị, dịch vụ mà họ cung cấp một cách dễ dàng, chính xác nhất. Đây cũng là mong muốn của ban chỉ đạo chuyển đổi số Tổng cục”, ông Ngô Mạnh Hà, Tổ phó Tổ công tác Chuyển đổi số, Giám đốc Công ty Công nghệ Tech cho hay.

Ngoài sản phẩm bản đồ số, việc ứng dụng công nghệ Blockchain, QR Code trong cấp giấy chứng nhận, hiệu chuẩn, đo lường cũng được triển khai mạnh mẽ. Nhờ có công nghệ, thông tin được minh bạch, tránh sửa chữa, tẩy xoá, giả mạo thông tin.

Kiên trì, đồng lòng hướng tới thành công

Bắt đầu thực hiện đã khó, việc duy trì quyết tâm chuyển đổi số càng khó khăn hơn. Bởi lẽ theo TS Hà Minh Hiệp, chuyển đổi số đòi hỏi rất nhiều yêu cầu về nguồn lực, con người. Đặc biệt, cần có sự quyết tâm, kiên trì vì trên hành trình chuyển đổi số sẽ có rất nhiều khó khăn, trở ngại mà chúng ta có thể gặp phải. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị cần có sự đồng lòng từ trên xuống dưới, triển khai chuyển đổi số một cách bài bản, nghiêm túc. Nếu không có sự thống nhất, hoạt động chuyển đổi số rất khó để thành công.

“Để hoạt động chuyển đổi số diễn ra thuận lợi hơn, thời gian tới, Tổng cục sẽ tập trung đưa mô hình quản trị tinh gọn Lean vào trong hệ thống quản lý. Chúng tôi mong muốn xây dựng được hệ thống lõi trong quản lý nhà nước đối với hoạt động TCĐLCL để tạo sự gắn kết với các nền tảng số khác hiện Tổng cục đang triển khai. Đây cũng là công việc trọng tâm của ban chỉ đạo chuyển đổi số Tổng cục năm 2024”, TS Hà Minh Hiệp nhấn mạnh.

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL bày tỏ kỳ vọng hoạt động chuyển đổi số của Tổng cục tiếp tục gặt hái thêm những thành công mới, tạo thuận lợi hơn nữa cho cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích