Quốc hội hành động, đổi mới vì dân
Chủ động, từ sớm, từ xa
Chương trình lập pháp của Quốc hội năm 2023 được đề ra với nhiều dự án Luật, Pháp lệnh được xem xét cho ý kiến, thông qua, trong đó có nhiều dự án với những chính sách quan trọng, được nhân dân đặc biệt quan tâm như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV |
Để thực hiện được khối lượng công việc lớn này, các chương trình làm việc và tổ chức công việc của Quốc hội đã được xây dựng rất khoa học, hợp lý. Quốc hội thực hiện nhiều cải cách, như tổ chức Kỳ họp bất thường, đổi mới việc tổ chức Kỳ họp theo hướng giảm thời gian họp phiên toàn thể… Khác với trước đây, trong năm 2023, mỗi Kỳ họp được chia làm hai đợt để có khoảng thời gian giữa Kỳ họp dành cho các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu về các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.
Sau mỗi Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao, yêu cầu cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo, kỹ lưỡng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khảo sát, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động…
Các đại biểu cũng dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tính hợp lý, khả thi và các quy định cụ thể về từng nội dung chính sách được sửa đổi, bổ sung trong mỗi dự án Luật. Điều này càng được thể hiện rõ trong xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi). Theo dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ sáu vừa qua, nhưng qua thảo luận, do còn nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua, dành thêm thời gian để nghiên cứu, tiếp thu, đảm bảo Luật khi được ban hành khả thi, hợp lý, thật sự đi vào cuộc sống.
Cùng với hàng nghìn cuộc tiếp xúc cử tri được tổ chức định kỳ, thông lệ, năm 2023, Quốc hội đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo về kinh tế, xã hội, tạo thêm các kênh thông tin để Quốc hội lắng nghe ý kiến cử tri. Đặc biệt, lần đầu tiên, Văn phòng Quốc hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Người lao động với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”.
Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội đã trực tiếp lắng nghe 500 công nhân, viên chức, lao động, đại diện cho người lao động trong cả nước bày tỏ tâm tư nguyện vọng cũng như đưa ra các kiến nghị xây dựng pháp luật từ góc nhìn của người lao động. Từ Diễn đàn này, nhiều kiến nghị của người lao động đã được Quốc hội tiếp thu, ghi nhận, thể chế hóa vào các dự án Luật.
Đó là kiến nghị về việc giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm cơ quan chủ quản các dự án đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân lao động, xây nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp… trong Luật Nhà ở (sửa đổi). Hàng loạt các vấn đề khác về việc làm, thu nhập, tiền lương, trình độ, kỹ năng nghề của người lao động, bảo hiểm xã hội, cách tính lương hưu, rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội… được người lao động kiến nghị cũng đang được Quốc hội đưa ra bàn thảo trong quá trình xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.
Không chỉ góp phần tạo thêm cơ sở thực tiễn cho các cơ quan của Quốc hội trong xây dựng cơ chế, chính sách, Diễn đàn cũng giúp khơi dậy sự chủ động hơn nữa của người lao động trong việc tham gia phản ánh, góp ý quá trình xây dựng và thực thi chính sách…
Đổi mới mạnh mẽ về tư duy và cách làm
Năm 2023 cũng đánh dấu Quốc hội ngày càng đổi mới mạnh mẽ trong công tác giám sát, với nội dung đã bám sát các vấn đề bức xúc của cuộc sống, từ kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước đến văn hóa – giáo dục, khoa học công nghệ… Qua giám sát, Quốc hội đã phát hiện các bất cập, hạn chế, từ đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật.
Quốc hội luôn đồng hành, đổi mới để đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân (Ảnh: Nhân dân) |
Tại Kỳ họp thứ sáu vừa qua, lần đầu tiên Quốc hội không chất vấn theo nhóm vấn đề, mà chất vấn về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ tư đối với các lĩnh vực: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông. Việc thay đổi cách thức tổ chức và nội dung chất vấn đã cho thấy quyết tâm đổi mới hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, được cử tri, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Công tác dân nguyện của Quốc hội cũng có sự đổi mới cơ bản khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đưa nội dung này vào xem xét định kỳ tại phiên họp hàng tháng để kịp thời xem xét, giải quyết các vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm, gửi đến Quốc hội. Đồng thời, năm 2023 cũng là lần đầu tiên, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri – là hình thức giám sát trực tiếp tối cao của Quốc hội đối với vấn đề này…
Có thể thấy, với phương châm hành động “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”, năm 2023, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc vô cùng lớn. Đây cũng là tiền đề quan trọng để bước vào năm 2024 – năm bứt phá để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Nguồn: Báo lao động thủ đô