Startup Việt khát vọng vươn tầm thế giới
Chinh phục thị trường khó tính
Khởi nghiệp với các sản phẩm đồ ăn truyền thống đóng gói, đội ngũ của K Products đã có cơ hội học tập và làm việc nhiều năm tại Nhật Bản, từ đó rút tỉa được những kinh nghiệm về ngành F&B tại đây.
Chị Mai Thị Thu Trang – Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần K Products cho biết, đội ngũ Công ty nhận thấy nhu cầu về các sản phẩm ăn uống tiện lợi đang có xu thế tăng cao, do đó, chị và đội ngũ Công ty đã bắt tay vào học hỏi, nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ này. Để từ đó, các món ăn truyền thống của Việt Nam được đi đến nhiều nơi trên thế giới mà chất lượng và mùi vị không đổi.
|
Để cho ra mắt được sản phẩm đồ ăn truyền thống đóng gói, doanh nghiệp của chị Trang đã trải qua rất nhiều khó khăn. Từ việc xây dựng quy trình sản xuất, lựa chọn nguyên liệu, nghiên cứu hương vị và đặc biệt “hiểu” về máy móc đang sử dụng để vận hành theo đúng mong muốn vô cùng gian nan.
“Sau khi hoàn thành nghiên cứu, chúng tôi lựa chọn xuất khẩu sang Nhật Bản đầu tiên. Tại đây chúng tôi có khách hàng có nhu cầu về món Phở bò – món ăn nổi tiếng của Việt Nam, mà trước đó trên thị trường Phở bò made in Thailand chiếm phần lớn tại các quốc gia. Đây là cú hích lớn nhất để chúng tôi khởi nghiệp với tốc độ nhanh như vậy”, chị Trang cho biết.
Hiện nay, ngoài Nhật Bản thì Australia là thị trường xuất khẩu chính của K Products. Chị Trang cho biết, những người Việt Nam xa xứ luôn muốn được thưởng thức hương vị ẩm thực quê nhà, nên những sản phẩm của Công ty rất được người Việt ở nước ngoài đón nhận.
Trong năm 2024, Công ty dự kiến hoàn thành mở rộng quy mô nhà máy. Hiện tại, công ty đang có mục tiêu xuất khẩu 80%, trong đó 30% hướng đến open OEM tất cả các sản phẩm sử dụng công nghệ retort để tối ưu công suất nhà máy, 20% sẽ dành cho thị trường nội địa. Công ty mong muốn đặt những dấu mốc đầu tiên đưa những sản phẩm tiêu chuẩn xuất khẩu để người tiêu dùng trong nước an tâm sử dụng và tin dùng trong cuộc sống hiện đại, bận rộn.
Biến xơ mướp thành “vàng”
Với mong muốn đem những sản phẩm nông nghiệp địa phương vươn tầm thế giới, anh Đỗ Đăng Khoa cùng những người bạn đã thành lập thương hiệu Mr Mướp.
|
Mục tiêu của Mr Mướp là biến một sản phẩm bỏ đi như xơ mướp trở thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao, thân thiện với môi trường như bông tắm, miếng rửa chén. Hiện sản phẩm startup này đã có chứng nhận OCOP 3 sao và giành giải quán quân cuộc thi Khởi nghiệp xanh 2023.
Doanh nghiệp của anh Khoa đã liên kết được khoảng 20 ha vùng trồng ở các địa phương: Đồng Tháp, An Giang, Bình Phước, Đồng Nai. Trung bình mỗi ha đất trồng, Mr Mướp sản xuất được 80.000 sản phẩm, thu lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng cho mỗi vụ.
“Các sản phẩm từ xơ mướp sẽ giúp giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa, vải… qua đó giảm thiểu tác động đến môi trường. Ngoài ra, chúng tôi còn đảm bảo việc tiêu thụ xơ mướp của các nông dân, giúp họ có công ăn việc làm và nguồn thu ổn định từ cây mướp”, anh Khoa chia sẻ.
Theo anh Khoa, hiện nay Công ty đã xuất khẩu sản phẩm sang nhiều đất nước khó tính như Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Trong đó, mặt hàng đem lại doanh số tốt cho Công ty là sản phẩm miếng rửa chén xơ mướp. Trong tương lai gần, Mr Mướp sẽ mở rộng thị trường tại Hàn Quốc và triển khai chiến lược, thủ tục mở bán trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử. Anh tin rằng, đây sẽ là “bệ phóng” để trở thành đơn vị hàng đầu Việt Nam cung cấp xơ mướp và thực hiện sứ mệnh kết nối con người với tự nhiên thông qua những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Nâng tầm sản phẩm quê hương
Ấn tượng với mùi vị bánh tráng mắm ruốc của quê hương Đơn Dương (Lâm Đồng), chị Hoàng Bảo Trâm – CEO&Founder Công ty TNHH 2G đã quyết tâm khởi nghiệp với sản phẩm này, nhằm đem một món ăn vặt tưởng chừng bình thường trở thành một sản phẩm có thương hiệu, tiếp cận rộng rãi với khách hàng cả nước.
|
“Bánh tráng Đơn Dương là một món ăn tuổi thơ của tôi. Đối với tôi, đây là một đặc sản ngon nhưng lại không có nhãn mác và chất lượng vệ sinh không rõ ràng nên ít ai biết đến. Bên cạnh đó, các hộ dân cũng sản xuất bánh theo kiểu tự phát với công nghệ thô sơ nên việc kinh doanh không hiệu quả. Tôi muốn nâng tầm sản phẩm này, nên đã bắt tay để định hình sản phẩm địa phương”, chị Trâm nói.
Từ quyết tâm đó, năm 2018, Công ty 2G của Hoàng Bảo Trâm ra đời với ý tưởng khởi nghiệp. Năm 2019, thương hiệu “Vị” được hình thành. Quá trình bắt đầu của Trâm gặp rất nhiều khó khăn như: Sản phẩm bánh tráng cồng kềnh, chi phí vận chuyển cao, hàng dễ bị bể vụn, giá trị đơn hàng không nhiều… Thế nhưng, Trâm quyết tâm làm đến cùng.
Sau nhiều nỗ lực, đến nay, Công ty của chị Trâm đã đi vào hoạt động ổn định. Các sản phẩm của Công ty đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Mỹ, Anh, Australia, Thái Lan, Singapore… Đồng thời bánh tráng mang thương hiệu “Vị” cũng có mặt ở hơn 6.000 điểm bán hàng, siêu thị lớn trên toàn quốc.
Nguồn: Báo lao động thủ đô