Những nẻo đường năng suất!

Đưa năng suất đến gần hơn với sinh viên

Hiện nay, theo các chuyên gia nhận định, các cơ sở giáo dục đào tạo (trong đó có các trường đại học, cao đẳng) là một trong 3 trụ cột của phong trào năng suất chất lượng quốc gia (bên cạnh Chính phủ và doanh nghiệp). Sứ mệnh của trường đại học là sáng tạo và chuyển giao kiến thức cho xã hội. Trong Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn đến năm 2030, các trường đại học tại Việt Nam có thể nghiên cứu và tư vấn chính sách phát triển năng suất chất lượng quốc gia (cho Chính phủ) dựa trên các phân tích lý thuyết, cơ sở khoa học, kinh nghiệm quốc tế, và thực tiễn của Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là đào tạo kiến thức chuyên môn về năng suất chất lượng, ý thức và thái độ, một số kỹ năng cơ bản về cải thiện năng suất chất lượng. Cùng với đó, đổi mới tư duy và hoạt động để biến trường đại học trở thành các trung tâm trí thức và trung tâm đổi mới sáng tạo có năng suất cao về nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, để cung cấp nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp, các trường đại học cần dự báo chính xác xu hướng phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu xã hội và doanh nghiệp, đặc điểm và tính chất nghề nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế số và làn sóng công nghiệp 4.0. Kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức thực hiện đào tạo theo hướng chuẩn đầu ra gắn với ứng dụng kiến thức tại doanh nghiệp.

Triển khai có hiệu quả về đào tạo năng suất

Với mục tiêu đưa kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng vào các trường đại học, cao đẳng, góp phần hình thành văn hóa năng suất, chất lượng trong đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã triển khai nhiệm vụ đào tạo về năng suất chất lượng tại 15 trường đại học trên toàn quốc trong đó, đào tạo trực tiếp cho 3.500 sinh viên tại 15 trường (7 trường miền Bắc, 4 trường miền Nam, 4 trường miền Trung), và đào tạo 10 buổi cho 6.500 sinh viên trong hệ thống đào tạo trực tuyến.

Cho đến nay, việc xây dựng học phần năng suất và thành lập Câu lạc bộ năng suất sinh viên tại một số trường cơ bản đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đây cũng được xem là tiền đề cho những mục tiêu tiếp theo về đào tạo năng suất chất lượng trong thời gian tới.

Theo TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, năng suất là thuật ngữ thể hiện sự cải tiến liên tục, là một con đường, cách thức để chúng ta luôn luôn thực hiện.

“Nếu chúng ta coi năng suất như hơi thở hàng ngày, nếu coi năng suất là dòng máu chảy trong tim thì phong cách làm việc, tư duy của chúng ta sẽ trở nên hiệu quả hơn”- TS. Hà Minh Hiệp nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Hà Minh Hiệp, năng suất phải trở thành một thói quen, tư duy và lăng kính để các bạn nhìn nhận mọi việc, lúc đó mới thực sự hiệu quả. Như hiện nay, người lao động tại doanh nghiệp đi học về năng suất, nhưng không áp dụng thì dần dần thói quen đó cũng mất đi. Do đó, thay vì đào tạo năng suất trong doanh nghiệp, Tổng cục TCĐLCL đề xuất đào tạo về năng suất trong trường Đại học và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Chia sẻ thêm về định hướng trong năm tới, TS. Hà Minh Hiệp cho hay, sẽ có 4 hoạt động đào tạo lớn, đó là: Lớp hướng dẫn chuyên gia năng suất được tổ chức đào tạo trực tiếp vào quý I năm 2024 với 5 nội dung về 5S, Layout, 7 lãng phí, Kaizen và MFCA; Hướng dẫn áp dụng cải tiến năng suất với hình thức đào tạo trực tuyến và trực tiếp được tổ chức tại các trường hoặc tại một số doanh nghiệp điển hình; Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Năng suất dự kiến vào quý 4 năm 2024. Đặc biệt, hàng tháng, Tổ chức năng suất Châu Á (APO) sẽ gửi đến Tổng cục TCĐLCL chương trình đào tạo, và Tổng cục sẽ biên soạn thành tài liệu để đào tạo tại các trường và doanh nghiệp với những thông tin cập nhật nhất về năng suất.

Cũng theo PGS. TS Phạm Minh Sơn – Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, từ trước tới nay, xã hội và doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề năng suất, cũng có nhiều cơ sở nghiên cứu, tư vấn đã triển khai nghiên cứu về năng suất để ứng dụng cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Tuy nhiên, đối với các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đây là lần đầu tiên, chúng ta đưa năng suất trở thành một môn học. Cũng lần đầu tiên, chúng ta tổ chức cho các bạn sinh viên trực tiếp tham gia sâu hơn vào việc tìm hiểu, nghiên cứu, thực hành cải tiến năng suất thông qua hình thức câu lạc bộ.

Việc đưa năng suất chất lượng vào chương trình đào tạo đại học, cao đẳng và đào tạo nghề sẽ đáp ứng được mục tiêu chung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo sinh viên, học viên sẽ được trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng cần thiết khi tham gia vào thị trường lao động.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích