Xuất khẩu lâm sản đặt mục tiêu 17,5 tỷ USD, liệu có khả thi?

Xuất khẩu lâm sản “lỗi hẹn” mục tiêu tăng trưởng

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023, là một năm khó khăn với ngành gỗ khi nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển nên Chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu; xung đột Nga-Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp,… Người tiêu dùng tại thị trường Hoa Kỳ và EU đang thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm gỗ, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính giảm mạnh dẫn đến các đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phải đóng cửa.

Cùng với đó, chính sách bảo hộ của các quốc gia nhằm bảo hộ cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước cũng ảnh hưởng tới thương mại sản phẩm gỗ của Việt Nam. Vì vậy, năm 2023 xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 14,39 tỷ USD, giảm 15,8% so năm 2022, nhập khẩu ước đạt 2,191 tỷ USD.

Đơn cử, năm 2023, ngành gỗ Bình Dương chiếm 42 – 45% kim ngạch xuất khẩu cả nước, doanh số xuất khẩu khoảng 5 tỷ USD. Riêng Công ty Cổ phần Lâm Việt (Bình Dương), đây là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tương đối tốt trong năm 2023, nhưng kim ngạch cũng chỉ đạt 80% so với năm 2022, đa phần các doanh nghiệp khác ở Bình Dương, doanh số chỉ đạt 50 – 60%.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Lâm Việt, chia sẻ, trong quý III, quý IV/2023, đơn hàng có tăng nhưng đây là đơn hàng bù vào giảm tồn kho của Hoa Kỳ, EU và phục vụ cho dịp lễ Noel, Tết Dương lịch, chứ không phải đơn hàng bền vững. “Triển vọng xuất khẩu gỗ chưa rõ ràng, đơn hàng cho đầu năm 2024 đã có nhưng nhà máy vẫn chưa chạy hết công suất”, ông Nguyễn Liêm chia sẻ với báo Công Thương.

Tuy nhiên, năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên tại Việt Nam, trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác Carbon trong Lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2 tương đương 51,5 triệu USD.

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc sáu tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Đánh giá về kết quả xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2023, ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, kế hoạch năm 2023, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 16-17 tỷ USD nhưng đến cuối tháng 12, kim ngạch mới đạt gần 14 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên trong 20 năm qua, chỉ tiêu xuất khẩu của ngành lâm nghiệp lại đi xuống. Đây là tín hiệu cho thấy ngành phải nhanh chóng tái cơ cấu sản phẩm từ nguyên liệu, sản phẩm, thị trường…

Mục tiêu đạt 17,5 tỷ USD liệu có khả thi?

Theo tạp chí Hải Quan, về mục tiêu trong năm 2024, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, bước sang năm 2024, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu, kế hoạch phấn đấu tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42,02%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5-5,5%; trồng rừng tập trung 245.000 ha; trồng cây phân tán 140 triệu cây; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 23 triệu m3; kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản 17,5 tỷ USD… “Nếu kết quả kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD thực hiện được, kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm tới sẽ vượt 21% so với ước thực hiện năm 2023 và vượt 3% so với năm 2022”, ông Triệu Văn Lực nhấn mạnh.

Xuất khẩu lâm sản đặt mục tiêu đạt giá trị 17,5 tỷ USD trong năm 2024. Ảnh minh họa: báo Công Thương
Xuất khẩu lâm sản đặt mục tiêu đạt giá trị 17,5 tỷ USD trong năm 2024. Ảnh minh họa: báo Công Thương

Tuy nhiên theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị, đây là một mục tiêu khá cao, đặc biệt trong bối cảnh xung đột chính trị đang kéo dài và khó đoán định, cả yếu tố đầu ra và đầu vào của xuất khẩu đều khó khăn.

Nhận định thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2024, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết, mặc dù thị trường hiện đã có một số dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số khó khăn cho ngành. Bên cạnh các khó khăn về đầu ra thị trường, ngành đang đối mặt với một số vấn đề thời sự ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững.

“Năm 2024 ngành gỗ vẫn nằm trong thế có nhiều bất ổn, do đó, về tổng thể, dự báo, ngành gỗ có tăng trưởng nhưng chậm, tăng trưởng khoảng 10 – 12% so với những quý cuối năm 2023”, ông Đỗ Xuân Lập nhận định.

Hiện Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, ông Phạm Quang Huy,  Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Hoa Kỳ, đánh giá, lạm phát tại thị trường Hoa Kỳ đang hạ nhiệt, việc làm đang tăng lên, đặc biệt là xây dựng và mua bán nhà đất có tín hiệu tích cực, điều này cho thấy xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên, rất khó đoán định do lạm phát giảm nhưng vẫn đang neo ở mức cao, sức tiêu thụ yếu và hầu hết mặt hàng gỗ xuất khẩu sang đây đều giảm mạnh. Thói quen tiêu dùng của người Hoa Kỳ chỉ dùng vài năm rồi thay nhưng do chi phí sinh hoạt tăng cao, thu nhập dành cho thiết yếu, không dành cho thay mới đồ nội ngoại thất.

Dù vậy, vẫn có những yếu tố tích cực. Ông Phạm Quang Huy phân tích, phân khúc giá rẻ bán kém, phân khúc giá cao vẫn ổn định. Thị trường Hoa Kỳ giảm xây dựng nhưng không đóng băng, các hộ khá giả vẫn tiếp tục xây và thay mới đồ nội thất.

Tỉ lệ hàng tồn kho tại Hoa Kỳ dự báo đến cuối năm 2023 sẽ giảm dần. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ vào Hoa Kỳ trong thời gian tới. Nhà nhập khẩu sẽ nhập trở lại, tuy nhiên đơn hàng sẽ không còn lớn như trước đây.

Ông Phạm Quang Huy cũng lưu ý môi trường pháp lý của Hoa Kỳ yêu cầu các sản phẩm gỗ nhập khẩu đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường, an toàn, doanh thu và thương mại công bằng. Do đó, các doanh nghiệp tuân thủ Nghị định 102 về hệ thống gỗ hợp pháp Việt Nam và thỏa thuận 301 giữa hai nước về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Đồng thời theo dõi các vụ việc phòng việc thương mại trong ngành, phát triển sản phẩm mới có hàm lượng kỹ thuật, tính sáng tạo cao, thân thiện với môi trường… để tăng sức cạnh tranh ở thị trường tiêu thụ đồ gỗ lớn nhất thế giới này.

Với thị trường EU, ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính lâm nghiệp (Tổ chức Forest Trends) cho biết, khoảng 77% tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU là các mặt hàng thuộc nhóm đồ gỗ, gần 23% còn lại là các mặt hàng thuộc nhóm gỗ và bán nguyên liệu. 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường EU giảm 32% so với cùng kỳ. “Quy định không phá rừng (EUDR) của liên minh châu Âu sẽ tác động không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam sang thị trường này”, ông Phúc nhấn mạnh.

Theo ông Tô Xuân Phúc, EUDR đưa ra 2 yêu cầu cốt lõi để các sản phẩm gỗ được lưu thông tại thị trường này là: không gây mất rừng và hợp pháp. Các doanh nghiệp tại EU đã và đang áp dụng nhiều tiêu chuẩn sản xuất và tiêu dùng bền vững tự nguyện đối với các sản phẩm gỗ, ví dụ các sản phẩm có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Đồng thời, Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (Hiệp định VPA/FLEGT); trong đó Việt Nam cam kết tất cả các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang EU là hợp pháp.

“Việt Nam đang tích cực nội luật hóa và xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp để kiểm soát toàn bộ chuỗi cung, bao gồm cả chuỗi cung nội địa và xuất khẩu. Theo EUDR, gỗ có chứng chỉ FLEGT nhìn chung đáp ứng được các yêu cầu của EUDR về tính hợp pháp”, ông Tô Xuân Phúc cho biết.

Theo Người đưa tin

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích