Những yếu tố tác động đến quản lý cốt xây dựng tại đô thị trung tâm TP Hà Nội

Những yếu tố tác động đến quản lý cốt xây dựng tại đô thị trung tâm TP Hà Nội

Thực trạng công tác quản lý cốt xây dựng tại đô thị trung tâm Hà Nội còn tồn tại một số bất cập. Nguyên nhân chủ quan từ thực trạng bộ máy tổ chức, nhân lực, công cụ quản lý,…

1. Đặt vấn đề

Trong bài báo số ra tháng 9 năm 2023 trên Tạp chí Xây dựng, Tác giả đã nhận diện và đánh giá được những nguyên nhân chủ quan về thực trạng công tác quản lý cốt xây dựng tại đô thị trung tâm TP Hà Nội [12]:

– Tổ chức bộ máy quản lý hạ tầng kỹ thuật nói chung chưa mang tính chuyên môn hóa, bộc lộ nhiều hạn chế về cả tổ chức quản lý (chồng chéo, kiêm nhiệm nhiều chuyên môn) và nhân sự quản lý (thiếu hụt kỹ sư chuyên môn về hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt kỹ sư có chuyên môn sâu về quy hoạch chiều cao khu đất xây dựng).

– Công cụ kỹ thuật quản lý cốt cao độ đã được quy định trong Luật Xây dựng và Thông tư 10/2016/TT-BXD thông qua mốc giới cắm ngoài thực địa. Tuy vậy việc triển khai thực hiện cắm mốc giới cũng còn chưa đầy đủ và đồng bộ, thiếu hụt thông tin về cao độ xây dựng dẫn đến khó khăn cho việc thi công công trình đúng theo cốt xây dựng được cấp phép và khó khăn cho công tác thanh tra xây dựng.

– Quy trình quản lý theo giấy phép xây dựng nổi lên 2 vấn đề chính: (1) tính chính xác trong việc xác định cốt xây dựng công trình từ phía cơ quan quản lý nhà nước do việc tính toán thủ công mà chưa áp dụng công nghệ BIM, GIS trong công tác quản lý; (2) tính chính xác trong việc xác định cốt xây dựng công trình ngoài thực địa do không có cột mốc làm chuẩn để đối chiếu.

Trên cơ sở thực trạng đó, bài báo tập trung nghiên cứu những yếu tố khách quan ảnh hưởng đến quản lý cốt xây dựng tại đô thị trung tâm TP Hà Nội để có góc nhìn chủ quan và khách quan tổng quát và đầy đủ nhất, làm tiền đề nghiên cứu và đề xuất những giải pháp quản lý cốt xây dựng một cách chính xác, hiệu quả trên địa bàn Hà Nội.

2. Những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến công tác quản lý cốt xây dựng

2.1. Nhóm yếu tố điều kiện tự nhiên tác động đến công tác quản lý cốt xây dựng

2.1.1. Địa giới hành chính và địa hình tự nhiên

Hà Nội nằm ở vị trí trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Sau đợt mở rộng địa giới hành chính tháng 8/2008, thành phố có diện tích 3.324,92 km², nằm ở cả hai bên bờ sông Hồng, trong đó đồng bằng chiếm 3/4 diện tích của thành phố với cao độ trung bình từ 5 đến 20 mét so với mực nước biển. Cốt xây dựng đô thị trung tâm Hà Nội cũng phù hợp theo cao độ địa hình tự nhiên: thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông với điểm thấp nhất là khu vực Yên Sở. Đây là khu vực trũng, là nơi tụ hội của 3 vệt tụ thủy (chính là 3 con sông gồm một nhánh của sông Tô Lịch, sông Sét và sông Kim Ngưu) và là vùng thoát lũ của Hà Nội khi mưa lớn.

2.1.2 Địa chất, thủy văn và ngập lụt đô thị trung tâm Hà Nội

TP Hà Nội nằm ven sông Hồng, về mùa lũ mực nước sông Hồng thường ở trên báo động cấp II (cao trình > 10,5m); cấp III (cao trình > 11,5m) trong khi cốt nền xây dựng phổ biến là 6.0 – 7.0 m. Chính vì vậy, Hà Nội được bảo vệ bằng hệ thống đê quốc gia chống được lũ với tần suất P = 1%, cao trình mặt đê Yên Phụ từ 14.0 – 14,5 m. Để tiêu úng cho Hà Nội, quy hoạch tiêu thoát nước thành phố theo 4 con sông (Kim Ngưu, Lừ, Sét, Tô Lịch) và thoát vào sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt. Khi mực nước sông Nhuệ thấp hơn 4m, hệ thống sẽ tiêu nước tự chảy; khi cao hơn 4m toàn bộ nước mưa được đưa về hồ Yên Sở và bơm cưỡng bức qua đê sông Hồng. Diện tích hồ đầu mối Yên Sở 130 ha, công suất trạm bơm 90m3/s.

Theo sự phát triển đô thị, hệ thống thoát nước Hà Nội đã trải qua nhiều giai đoạn quy hoạch như: “Nghiên cứu Quy hoạch tổng thể Thoát nước Hà Nội” được thực hiện theo chương trình của cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) năm 1995; “Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020” bao gồm cả kế hoạch phát triển toàn diện cơ sở hạ tầng; “Quy hoạch Thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; “Quy hoạch phát triển thủy lợi Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”,… Các quy hoạch giai đoạn sau vừa điều chỉnh định hướng tiêu thoát nước vừa điều chỉnh các thông số, đại lượng thiết kế công trình thoát nước.

Những yếu tố tác động đến quản lý cốt xây dựng tại đô thị trung tâm TP Hà Nội
Hình 1.1. Bản đồ phân chia lưu vực đô thị trung tâm Hà Nội [4]

Nhìn chung việc thoát nước cho Hà Nội được cải thiện đáng kể. Tuy vậy, do các yếu tố thất thường của thời tiết và đặc điểm mặt phủ thoát nước Hà Nội ngày càng bê tông hóa nên khi mưa lớn cường độ trên 150mm vẫn còn nhiều điểm bị ngập úng, trong đó có 18 điểm đen về ngập lụt tại khu vực nội thành Hà Nội. Vì vậy cường độ mưa tính toán với trận mưa 300 mm/2 ngày như quy hoạch thoát nước hiện nay tỏ ra không còn phù hợp mà cần phải tính toán cường độ mưa theo giờ.

Về địa chất, Hà Nội nằm trong vùng nền đất tương đối yếu, cường độ chịu tải dưới 1,5 kN/m2, mực nước ngầm cao.

* Tác động ảnh hưởng đến cốt xây dựng đô thị trung tâm Hà Nội

Cốt xây dựng đô thị trung tâm TP Hà Nội có xu hướng thoải dần về các sông hồ trong nội đô theo các lưu vực, tiểu lưu vực để đảm bảo thoát nước tự nhiên. Qua phân tích trên cho thấy mặc dù đã đầu tư hệ thống thoát nước đô thị nhưng đường phố vẫn ngập lụt khi mưa lớn vượt cường độ tính toán. Điều này dẫn đến tâm lý chủ đầu tư và người dân thường muốn tôn cao nền xây dựng tránh ngập lụt:

– Cốt xây dựng đường phố đô thị trung tâm sau mỗi lần cải tạo, duy tu sửa chữa thường có xu hướng tôn cao hơn một chút để đảm bảo thoát nước kéo theo sự tôn cao nền xây dựng công trình hai bên đường. Đặc biệt các công trình có hầm, nửa hầm thì càng chú ý tôn cao nền xây dựng tránh nước mưa chảy tràn vào hầm.

– Khu đô thị xây mới thường tôn nền thật cao so với đường phố và dân cư xung quanh đến hàng (m) (ví dụ khu đô thị Royal City, Times City, Mỗ Lao) khiến cốt xây dựng không hài hòa. Điều này còn có hệ lụy là nước mưa đổ dồn về các khu vực dân cư hiện hữu xung quanh dẫn đến ngập lụt nghiêm trọng đường phố và dân cư (ví dụ ngập lụt đường Nguyễn Trãi đoạn trước mặt khu đô thị Royal City).

– Với những công trình thấp tầng (nhà ở, công trình công cộng dưới 5 tầng): thường sử dụng móng băng, móng bè, bổ sung ép thêm cọc tre gia cố nền đất. Hố móng hay bị ảnh hưởng bởi mực nước ngầm nên móng thường nông (trên dưới 1m), do đó cốt xây dựng tầng 1 thường được tôn cao để đảm bảo chiều sâu hố móng và kết cấu công trình.

– Với những công trình cao tầng hơn (thường trên 5 tầng): thường sử dụng móng cọc, tùy tầng cao và tải trọng mà người ta sử dụng cọc bê tông cốt thép hay cọc khoan nhồi xuống tầng đất/đá cứng. Kết cấu công trình theo khung cột-dầm-sàn trên bệ đỡ móng cọc được đảm bảo nên cốt xây dựng công trình (tầng 1 và các tầng trên) không lệ thuộc vào điều kiện địa chất thủy văn, thường được thiết kế hài hòa với cốt đường phố, cốt sân vườn, cốt quảng trường trước công trình theo nguyên tắc đảm bảo thoát nước tự chảy từ chân công trình ra đường phố (i≥0,4%).

– Sự khai thác quá mức nước ngầm phục vụ sinh hoạt dân cư thủ đô làm điều kiện địa chất thủy văn thay đổi dẫn đến sụt lún cục bộ, phải xử lý và tôn cao lại nền đất, ảnh hưởng đến cốt xây dựng công trình.

2.2. Yếu tố kinh tế tác động đến công tác quản lý cốt xây dựng

Quy mô GRDP năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 1.196 nghìn tỷ đồng, ước tính tăng 8,89% so với năm 2021; GRDP bình quân đầu người đạt 141,8 triệu đồng (khoảng 5.950 USD), tăng 10,6% so với năm 2021. Cơ cấu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,08% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 24,04%; khu vực dịch vụ chiếm 63,22%. Tỷ lệ đô thị hóa thủ đô Hà Nội đạt 49,05% [Tạp chí Xây dựng và Đô thị].

* Tác động ảnh hưởng đến cốt xây dựng đô thị trung tâm Hà Nội

– Đất nông nghiệp, hoa màu khu vực đô thị trung tâm Hà Nội ngày càng thu hẹp, đô thị hóa bằng những công trình dân dụng, công nghiệp, vui chơi giải trí.

– Khu đô thị mới được xây dựng phục vụ nhu cầu ở của gần 10 triệu dân và thường có cốt xây dựng cao hơn cốt nền đường và cốt xây dựng các khu vực dân cư cũ xung quanh từ 0,3-1m. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến tháng 1/2019 trên toàn thành phố có 384 dự án khu đô thị mới và nhà ở đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư với diện tích khoảng 8.963,91 ha, hầu hết đều vênh cốt nền xây dựng với khu vực xung quanh [Báo Xây dựng]. Hiện sự chênh lệch cốt nền xây dựng giữa các khu đô thị mới và các đô thị cũ nội đô đang là nguyên nhân chính khiến cho việc ngập úng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

– Một số khu đô thị và nhà ở tuy cốt nền được nâng cao so với khu vực xung quanh và có xây dựng hồ điều hòa cảnh quan điều tiết nước nhưng hiện tượng ngập lụt vẫn xảy ra như: Khu đô thị Văn Quán (Hà Đông); Khu ĐTM Mỹ Đình – Mễ Trì; hay khu vực Keangnam; Nam Trung Yên… Nguyên nhân là do khâu thiết kế chưa tính toán đầy đủ dữ liệu đầu vào chính xác và do hệ thống thoát nước tổng thể khu vực phía Tây Hà Nội chưa hoàn chỉnh dẫn đến hạ tầng nội khu bị quá tải.

– Khu vực thương mại-dịch vụ tăng trưởng mạnh trong những năm qua nên một loạt các trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị được đầu tư xây dựng như hệ thống TTTM Aeon Mall, Vincom Mega Mall, Lotte Mal… Do có đất rộng, các TTTM thường có sân bãi đỗ xe lớn và xây dựng nhà để xe cao tầng, không có tầng hầm gửi xe nên không yêu cầu chống ngập lụt cao như khi có tầng hầm. Cốt xây dựng các TTTM này thường khá phù hợp với cốt nền đường, vỉa hè và khu vực xung quanh để có thể dễ dàng tiếp cận vào sân bãi công trình.

3. Yếu tố quy hoạch tác động đến công tác quản lý cốt xây dựng

Theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định tính chất Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt [2]. Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 xác định [3]:

3.1. Định hướng phát triển hệ thống đô thị

Quy hoạch chung xác định Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm: khu vực đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh. Gần đây có chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô theo hướng xây dựng thành phố phía Bắc và thành phố phía Tây cùng trục không gian cảnh quan hai bên sông Hồng (Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ [6]).

Khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, phía Nam đến đường Vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên, bao gồm:

– Khu “nội đô lịch sử” giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2, là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của Hà Nội như khu phố cổ, khu phố cũ, Hồ Gươm, Hồ Tây, Thành cổ …

– Khu “nội đô mở rộng” giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ, là khu vực phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ – thương mại cấp thành phố có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại.

– Khu mở rộng phía Nam sông Hồng từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4 gồm chuỗi các khu đô thị: Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì. Là khu vực phát triển dân cư mới đồng bộ và hiện đại, các trung tâm văn hóa, dịch vụ thương mại, tài chính của vùng, quốc gia.

– Khu mở rộng phía Bắc sông Hồng, Nam sông Cà Lồ, gồm 3 khu vực chính: Khu đô thị Long Biên – Gia Lâm – Yên Viên phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, y tế… gắn với các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng các quốc lộ 5 và quốc lộ 1, du lịch sinh thái, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khu di tích Cổ Loa, phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp kỹ thuật cao gắn với dịch vụ hàng không, sân bay Nội Bài.

– Khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm, với các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn. Khai thác, phát triển đồng bộ hai bên đoạn tuyến chảy qua Thành phố, đặc biệt trục không gian cảnh quan văn hóa đô thị Hồ Tây-Cổ Loa.

3.2. Định hướng không gian xanh và mặt nước.

– Hành lang xanh gồm khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp … được bảo vệ nghiêm ngặt để trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan và đảm bảo môi trường sống đô thị.

– Vành đai xanh dọc sông Nhuệ là vùng đệm cách biệt giữa khu vực nội đô mở rộng với khu vực đô thị mở rộng phía Nam sông Hồng.

– Các nêm xanh là vùng đệm xanh cách các khu đô thị mới dọc phía Đông tuyến đường vành đai 4 và phía Bắc sông Hồng.

– Hệ thống công viên đô thị: ưu tiên xây dựng mới và hoàn thiện các công viên, vườn hoa như Công viên lịch sử Cổ Loa; công viên văn hóa giải trí Hồ Tây, công viên Thống Nhất, Yên Sở, Mễ Trì …; công viên sinh thái gắn với hoạt động thể thao, kết nối liên hoàn với hệ thống cây xanh tự nhiên tại các khu vực Sóc Sơn, Ba Vì, Hương Tích và hệ thống sông hồ.

– Mặt nước: Giữ gìn và khôi phục hệ thống sông, hồ, đầm nước để cân bằng môi trường sinh thái, tăng cường khả năng tiêu thoát nước đô thị, phát huy giao thông thủy và hoạt động du lịch và vui chơi giải trí. Thiết lập các tuyến hành lang bảo vệ cho các sông, hồ, đập thủy lợi.

3.3. Quy hoạch cao độ nền đô thị

Quy hoạch cao độ nền phải kết hợp chặt chẽ với quy hoạch thoát nước mưa, đảm bảo không bị ảnh hưởng của lũ lụt, các tác động bất lợi của thiên nhiên và biến đổi khí hậu. Cao độ nền khống chế của từng khu vực đô thị được lựa chọn theo chế độ thủy văn của sông ngòi ảnh hưởng trực tiếp tới đô thị; không mâu thuẫn với các quy hoạch được duyệt và đảm bảo hài hòa với các khu vực đã xây dựng liền kề. Quy hoạch cao độ nền trong các đồ án quy hoạch đô thị là yêu cầu bắt buộc trong công tác quy hoạch đô thị theo Luật định cũng như áp dụng trên địa bàn TP Hà Nội [1], [7], [10]:

– Trong quy hoạch chung xây dựng chỉ xác định cao độ nền xây dựng khống chế cho từng khu vực, trên các trục đường giao thông chính và nếu đủ điều kiện có thể xác định cho toàn đô thị, khu chức năng.

– Trong quy hoạch phân khu xây dựng chỉ xác định cao độ nền xây dựng khống chế cho từng khu vực, đến các trục đường giao thông phân khu vực.

– Trong quy hoạch chi tiết thì việc xác định cao độ nền xây dựng khống chế bao gồm từ cốt đường, cốt hè, cốt nền công trình xây dựng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật khác trên khu vực được lập quy hoạch chi tiết 1/500.

Cao độ nền khống chế (hay còn gọi là cốt xây dựng) cần tính toán đến các ảnh hưởng của nền do các tác động của lún sụt; hạ mực nước ngầm theo công thức [8]:

Hkc ≥ Hmnmax + Hlu + a

Trong đó Hkc: cao độ nền khống chế; Hmnmax: cao độ mực nước ngập tính toán; Hlu: độ lún sụt (thực hiện ở bước lập dự án, thiết kế kỹ thuật thi công); a: hệ số an toàn (lấy bằng 0,3 m đối với khu đất dân dụng và 0,5 m đối với khu đất công nghiệp).

3.4. Cấp độ bảo vệ đô thị trung tâm Hà Nội

Khu vực đô thị trung tâm Hà Nội cần có giải pháp quy hoạch hài hòa phù hợp với quy hoạch cao độ nền khu đất xây dựng [8]:

– Khu vực có cao độ nền thấp hơn yêu cầu thiết kế, thường xuyên bị ngập lụt hay khu vực dân cư bất hợp pháp ngoài đê sông Hồng, sông Cầu, sông Nhuệ…: Quy hoạch đô thị bố trí các chức năng thứ yếu của đô thị và công viên cây xanh với mật độ xây dựng tối đa 5% theo quy định, tuyệt đối không phát triển đô thị.

– Khu vực có cao độ nền đáp ứng yêu cầu thiết kế, thường nằm trong phạm vi bảo hộ của đê sông: Khu vực này chiếm phần lớn diện tích đô thị trung tâm Hà Nội, bố trí phát triển đô thị và các hoạt động kinh tế xã hội.

– Khu vực có cao độ nền an toàn về ngập lụt, cao hơn yêu cầu thiết kế như khu vực đồi núi phía Tây, phía Bắc Hà Nội…: Quy hoạch đô thị bố trí các công trình đặc biệt quan trọng, công trình an ninh quốc phòng mang tính chất quốc gia, đồng thời làm nơi tạm trú khi đô thị trung tâm bị thiên tai, ngập lụt.

Những yếu tố tác động đến quản lý cốt xây dựng tại đô thị trung tâm TP Hà Nội
Hình 1.2. Các khu vực đô thị được bảo vệ phù hợp [8]

Sau khi Quy hoạch chung được duyệt, Hà Nội cũng đã xây dựng các quy hoạch chung chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật tỷ lệ 1/10000 như Quy hoạch giao thông (gọi tắt theo tên QĐ ban hành là QH 519), Quy hoạch thoát nước (gọi tắt theo tên QĐ ban hành là QH 725 gộp cả thoát nước mặt và thoát nước thải) [4], Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (gọi tắt là QH257) và Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của QH257 [5]. Bên cạnh đó, Hà Nội tiến hành lập quy hoạch phân khu đô thị trung tâm Hà Nội, tỷ lệ 1/2000, tuy nhiên việc triển khai còn bị chậm, chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị.

Gần đây, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, TP Hà Nội đã công bố các Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị tại 4 quận nội đô lịch sử: Hoàn Kiếm (H1-1:A, B, C), Ba Đình (H1-2), Đống Đa (H1-3), Hai Bà Trưng (H1-4) và Quy hoạch phân khu 40km hai bên sông Hồng do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập.

Như vậy tính từ khi Quy hoạch chung theo QĐ số 1259 [3] và Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung 1259 [9] được phê duyệt, phải mất khoảng 10 năm Hà Nội mới phủ kín được 38 quy hoạch phân khu chức năng.

Trong khoảng thời gian 10 năm chờ hoàn thiện quy hoạch phân khu, Hà Nội quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị trung tâm dựa vào các quy hoạch chuyên ngành kể trên mà không theo quy hoạch phân khu.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới cần thiết tách riêng Quy hoạch thoát nước thành Quy hoạch chuyên ngành Cao độ nền thoát nước mặt và Quy hoạch chuyên ngành thoát nước thải để đẩy mạnh chuyên môn hóa công tác quản lý theo quy hoạch.

* Yếu tố quy hoạch tác động đến cốt xây dựng đô thị trung tâm Hà Nội

Theo rà soát của Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) thì các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM chỉ lập đồ án quy hoạch thoát nước mà chưa có đô thị nào lập, phê duyệt quy hoạch cao độ nền thoát nước mặt đô thị riêng.

Cục Hạ tầng cũng chỉ ra cao độ nền đô thị được triển khai trong các quy hoạch phân khu (1/2000), mức độ chi tiết còn hạn chế; chủ yếu cập nhật những nội dung cơ bản từ quy hoạch chung đô thị (1/10.000). Vì vậy, thiếu các giải pháp cụ thể cho từng khu vực như khu vực đô thị hiện hữu, khu vực đô thị mới, khu vực hạn chế xây dựng, chưa xây dựng.

Đồ án quy hoạch chủ yếu mới nghiên cứu cao độ nền đường làm cốt khống chế, từ đó lên cao độ san nền lô đất xây dựng mà chưa có quy định cụ thể về cốt xây dựng cho từng lô đất, từng tuyến phố, từng khu vực.

Trên thực địa cũng mới chỉ có mốc lộ giới đường mà chưa tích hợp cốt xây dựng để các bên liên quan theo dõi, thực hiện. Thực trạng này dẫn đến loạn cốt nền xây dựng tại các khu vực đô thị.

Bên cạnh đó chất lượng đồ án quy hoạch thoát nước mặt đô thị còn bị hạn chế về các cơ sở khoa học, khả năng dự báo, chuỗi số liệu thủy văn xét đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Điều này cũng dẫn đến xác định cốt xây dựng chưa tính hết các điều kiện bất lợi cùng lúc xảy ra như mưa bão lịch sử kết hợp biến đổi khí hậu.

Thêm vào đó là tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm soát cao độ nền đô thị, thiếu sự phối hợp, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan 1 càng làm tăng thêm tình trạng loạn chuẩn cốt nền [11].

Trong Quy hoạch chung và sau đó là Quy hoạch phân khu đã xác định không gian xanh (hành lang xanh, vành đai xanh dọc sông Nhuệ, các nêm xanh, các công viên đô thị và hồ điều hòa) đóng vai trò là vùng đệm cách biệt giữa khu vực nội đô mở rộng với khu vực đô thị mới phía Nam sông Hồng, vùng đệm các khu đô thị mới dọc phía Đông tuyến đường vành đai 4 cũng như phía Bắc sông Hồng thuộc khu vực đô thị trung tâm Hà Nội.

Chính các cùng đệm này làm giảm bớt tác động tiêu cực của tình trạng loạn cốt nền xây dựng, góp phần điều phối, chuyển tiếp cao độ giữa các khu vực trong đô thị trung tâm Hà Nội. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước đô thị được đấu nối ra hệ thống thoát nước ngoại vi (sông, hồ, kênh mương…) thuộc khu vực không gian xanh kể trên đã giải quyết phần nào công tác thoát nước mặt, làm giảm đáng kể tình trạng ngập úng, thời gian ngập úng, điểm đen ngập lụt xảy ra tại đô thị trung tâm Hà Nội mỗi khi mưa xuống.

Sự ảnh hưởng của quy hoạch chung khu đô thị trung tâm Hà Nội đến cốt xây dựng được tổng hợp trong bảng 1.1 :

Bảng 1.1. Quy hoạch khu đô thị trung tâm Hà Nội ảnh hưởng đến cốt xây dựng

Những yếu tố tác động đến quản lý cốt xây dựng tại đô thị trung tâm TP Hà Nội

4. Hình thức cư trú tác động đến công tác quản lý cốt xây dựng

4.1. Nhà ở tổ chức kiểu phố – phường, hội

Kiểu tổ chức nhà ở kết hợp hoạt động buôn bán, sản xuất tạo thành các phố. Hầu hết các khu phố trong đô thị lõi trung tâm Hà Nội (4 quận nội thành cũ) đều kinh doanh thương mại dịch vụ và có tổ chức kiểu phố phường, tiêu biểu và lâu đời nhất chính là khu phố cổ Hà Nội (chúng ta hay gọi là khu 36 phố-phường). Đặc trưng nhà kiểu phố-phường hội là mặt tiền hẹp 3-6m kết hợp vừa buôn bán ở tầng trệt vừa để ở các tầng trên.

4.2. Nhà ở tổ chức kiểu tiểu khu (Khu chung cư cũ hoặc Khu tập thể cũ)

Khu chung cư cũ (KCCC) hay Khu tập thể (KTT) Hình thành trong giai đoạn bao cấp từ 1954 đến những năm 1990 theo mô hình lý thuyết quy hoạch xây dựng tiểu khu nhà ở gắn liền đời sống tập thể khép kín, có đầy đủ các dịch vụ công cộng như nhà trẻ, trường học, công trình văn hoá, cửa hàng dịch vụ thương nghiệp.

4.3. Khu đô thị / Khu đô thị mới

Những khu đô thị mới đầu tiên được xây dựng ở Hà Nội từ những năm 1992 theo mô hình lý thuyết đơn vị ở của C. Perry (Mỹ). Mô hình đơn vị ở về cơ bản có nguyên lý gần giống mô hình tiểu khu nhà ở; điểm khác biệt lớn nhất là thay những đơn nguyên (block) nhà ở tập thể bằng nhà ở mang tính cá nhân với đa dạng loại hình như nhà thấp tầng (liên kế, biệt thự, nhà vườn) hoặc nhà chung cư cao tầng căn hộ khép kín, hiện đại.

4.4. Làng xã đô thị hóa

Làng xã lọt vào đô thị trong quá trình phát triển mở rộng. Không gian làng xã bị “bao vây” bởi các đô thị mới xung quanh nên việc kết nối hạ tầng kỹ thuật từ trong làng ra bên ngoài gặp nhiều bất cập, khó khăn do sự khác biệt về mô hình tổ chức trong đó nổi lên các vấn đề:

– Kết nối giao thông đường trong làng với các đường quy hoạch mới gặp khó khăn do sự vênh cao độ.

– Kết nối nền xây dựng khu vực giáp ranh giữa làng cũ và đô thị mới gặp khó khăn do sự chênh cốt xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu do sự tôn quá cao nền xây dựng của các khu đô thị mới.

– Kết nối thoát nước mưa, nước thải từ làng cũ ra hệ thống thoát nước chung thành phố gặp nhiều vướng mắc do sự chênh cốt cao độ nền đường. Khu vực làng cũ thường bị trũng hơn và là nạn nhân của quá trình tôn nền xây dựng đô thị bao quanh, dẫn đến ngập úng. Đây là thực trạng nhức nhối trong công tác quản lý cốt xây dựng đô thị.

4.5. Đô thị nén

Đô thị nén (compact city) thường được xây dựng ở khu vực nội đô mở rộng diện tích hạn chế như Royal, Times City…với đặc điểm chính:

– Mật độ dân cư lớn phát triển theo chiều cao chứ không phát triển dàn trải theo chiều rộng do quỹ đất hạn chế.

– Tích hợp nhiều chức năng vào không gian khu đô thị (thương mại, dịch vụ, thể dục thể thao, giải trí, bãi đỗ xe…).

– Khai thác triệt để cả không gian nổi và không gian ngầm cho các yêu cầu tích hợp trên

Có một nghịch lý xảy ra tại Hà Nội mỗi khi mưa lớn: Khu nội đô lịch sử (phố cũ) được xây dựng từ thời phong kiến, trải qua thời Pháp thuộc khi khoa học công nghệ chưa phát triển như ngày nay thì ít khi bị ngập lụt trong khi khu vực đô thị mới xây dựng gần đây được thiết kế, đầu tư hệ thống thoát nước đồng bộ thì thường xuyên bị ngập lụt, có nơi ngập sâu đến cả m. Điều này đặt ra nhiều dấu hỏi về công tác quy hoạch, quản lý đô thị tại những khu phố mới.

Những yếu tố tác động đến quản lý cốt xây dựng tại đô thị trung tâm TP Hà Nội
Hình 1.3. Nghịch lý về ngập lụt đô thị giữa khu phố mới và khu phố cũ [16].

* Hình thức cư trú tác động, ảnh hưởng đến cốt xây dựng khu đô thị trung tâm Hà Nội

Yếu tố hình thức cư trú ảnh hưởng đến cốt xây dựng đô thị trung tâm Hà Nội được tổng hợp trong bảng 1.2:

Bảng 1.2. Hình thức cư trú ảnh hưởng đến cốt xây dựng đô thị trung tâm

Những yếu tố tác động đến quản lý cốt xây dựng tại đô thị trung tâm TP Hà Nội

5. Yếu tố khoa học kỹ thuật tác động đến công tác quản lý cốt xây dựng

Tại Việt Nam, công nghệ GIS (Geographique Information System) được sử dụng để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đô thị. Các nhóm và lớp thông tin trong cơ sở dữ liệu GIS phục vụ quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện nay bao gồm [13]:

– Dữ liệu hạ tầng giao thông đô thị (tim đường bộ; lòng đường; cầu đường bộ/sắt; bến xe, nhà ga, bến tàu…cao độ tim đường)

– Dữ liệu hạ tầng thoát nước đô thị (cống, mương thoát nước chung; hố ga, cửa xả; hồ điều hòa; cống thoát nước thải riêng; công trình xử lý nước thải…)

– Dữ liệu hạ tầng cấp nước đô thị, quản lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường, chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị

Yếu tố khoa học kỹ thuật tác động quản lý cốt xây dựng đô thị trung tâm Hà Nội

Xu hướng ứng dụng công nghệ số hiện đại như GIS và cả BIM trong quản lý hạ tầng kỹ thuật nói chung và quản lý cốt xây dựng nói riêng sẽ được phát triển trong tương lai gần bởi độ chính xác cao và hiệu quả quản lý so với hiện nay [14], [15]:

– Đối với công trình xây mới: Thông qua công nghệ số, nhà quản lý có thể cung cấp thông tin cốt xây dựng ô đất quy hoạch, cốt xây dựng đường phố và các công trình xung quanh cho các bên liên quan (chủ đầu tư; đơn vị thiết kế, thi công; người dân).

– Đối với công trình đã xây dựng: Công nghệ số giúp quản lý tất cả thông tin công trình về kiến trúc, kết cấu móng, thân, mái, các lớp vật liệu xây dựng tường, sàn, hệ thống kỹ thuật tòa nhà…

– Trong quá trình vận hành, nếu chủ đầu tư thay đổi cốt xây dựng công trình thì lập tức công nghệ số tự động cập nhật những thay đổi trên vào hệ thống hồ sơ bản vẽ và mô hình công trình. Những thay đổi về cốt xây dựng công trình xung quanh, cao độ đường phố cũng sẽ được tự động cập nhật trên hệ thống hỗ trợ công tác quản lý và quá trình ra quyết định của cơ quan chức năng chính xác, hiệu quả.

6. Kết luận, kiến nghị về yếu tố ảnh hưởng đến quản lý cốt xây dựng

6.1. Kết luận

Qua phân tích về những yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý cốt xây dựng tại đô thị trung tâm Hà Nội, chúng ta có thể rút ra một số kết luận sau:

– Bên cạnh yếu tố con người, những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến công tác quản lý cốt xây dựng tại đô thị trung tâm Hà Nội bao gồm: điều kiện tự nhiên, kinh tế, quy hoạch, hình thức cư trú và khoa học kỹ thuật. Trong số các yếu tố trên, yếu tố chuyển đổi số ứng dụng khoa học kỹ thuật đang là điểm hạn chế trong công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật nói chung và quản lý cốt xây dựng nói riêng trên địa bàn Thủ đô.

– Với yếu tố quy hoạch đô thị và mô hình cư trú: cao độ nền đô thị đã được quy định theo giai đoạn quy hoạch, tuy nhiên thời gian lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 kéo dài trong khi quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật tỷ lệ quá lớn 1/10.000 không đảm bảo công tác quản lý theo quy hoạch được duyệt; quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt chưa được lập riêng gây khó khăn cho công tác quản lý cốt xây dựng tại đô thị trung tâm Hà Nội.

Nhiều KCC cũ, KTT đã được xây dựng từ những năm 1960 khi chưa có quy hoạch chung cao độ nền và thoát nước mặt nên hầu như chưa đáp ứng được việc tiêu thoát nước hợp lý. Việc xây dựng các khu đô thị nén với nhiều nhà cao tầng, tận dụng không gian ngầm để đỗ xe khiến các chủ đầu tư phải tôn thật cao nền khu đô thị tránh úng ngập tầng hầm dẫn đến không tuân thủ theo quy hoạch chung.

Việc khai thác nước ngầm phục vụ các khu đô thị, KCC/tập thể cũng dẫn đến hiện tượng sụt lún cục bộ làm cốt nền trở nên thấp hơn. Đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng loạn chuẩn cốt nền xây dựng, làm tình trạng chênh lệch cốt giữa khu đô thị mới và khu dân cư làng xóm hiện hữu diễn ra phổ biến.

Do quỹ đất trong nội đô khan hiếm, giá trị kinh tế cao nên hầu như không có đất vùng đệm giữa khu cũ và khu mới giúp chuyển tiếp hài hòa cao độ xây dựng, đồng thời là vùng thoát nước ngoại vi giúp giảm úng ngập cho khu dân cư hiện hữu.

Việc thay đổi cốt đường sau mỗi lần cải tạo, nâng cấp theo hướng tôn cao hơn dẫn đến chênh lệch cốt xây dựng giữa đường với công trình, đường với đường.

– Trong đồ án quy hoạch chung, việc xác định cao độ nền xây dựng khống chế còn thiếu cơ sở mặc dù đã có công thức xác định (Hkc ≥ Hmnmax + Hlu + a) vì chuỗi số liệu thủy văn chưa đủ độ tin cậy, trong khi đó nội dung quy hoạch cao độ nền của đồ án quy hoạch chi tiết/phân khu chủ yếu trích dẫn lại nội dung quy hoạch chung dẫn đến việc xác định cao độ nền xây dựng chỉ được thể hiện tại một số điểm khống chế mà không cụ thể và chính xác cho từng ô đất và công trình cụ thể.

Công tác thẩm định quy hoạch phần lớn chỉ quan tâm hướng phát triển đô thị, mạng lưới giao thông, chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng mà ít khi đặt vấn đề sâu về các nội dung quy hoạch và quản lý cao độ nền xây dựng.

6.2. Kiến nghị

Kết quả nghiên cứu thực trạng công tác quản lý cốt xây dựng tại đô thị trung tâm TP Hà Nội [bài báo số tháng 9/2023, TCXD] và phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý cốt xây dựng giúp chúng ta có đánh giá tổng thể, từ đó đưa ra những giải pháp toàn diện cả về khía cạnh quản lý như hoàn thiện bộ máy quản lý, nhân lực và công cụ quản lý và khía cạnh kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ số đảm bảo tính chính xác, hiệu quả.

Qua nghiên cứu phân tích trên, kiến nghị với cơ quan chức năng :

– Nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch chung chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt để quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết nghiên cứu sâu hơn làm cơ sở hoàn thiện quản lý cốt xây dựng theo đồ án quy hoạch được duyệt. Nhanh chóng ứng dụng công nghệ GIS, BIM số hóa các đồ án quy hoạch và chia sẻ cho các cơ quan chuyên môn của thành phố, cộng đồng dân cư và các bên liên quan khác cùng thực hiện và giám sát quản lý cốt xây dựng.

– Nếu có điều kiện nên bố trí vùng đệm giữa đô thị mới/đô thị nén và khu dân cư/làng xóm hiện hữu để chuyển tiếp cao độ và thoát nước cho khu cũ. Nếu không thể bố trí vùng đệm, cần có giải pháp kỹ thuật thoát nước cho khu cũ như bơm cưỡng bức hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật giảm chiều sâu chôn cống khi chênh lệch cốt xây dựng không quá lớn để miệng cống xả khu cũ có thể ngang bằng và thoát nước từ khu cũ ra khu mới.

– Tuyệt đối tuân thủ cốt xây dựng đường (cốt tim đường, cốt hè, cốt chỉ giới đường đỏ) mỗi khi cải tạo để đảm bảo không có sự chênh cốt giữa đường với nhà sau mỗi lần sửa chữa.

1 Công tác xây dựng, quản lý cốt nền xây dựng liên quan đến phạm vi, trách nhiệm của một số ngành như ngành Xây dựng (quản lý quy hoạch xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng), tài nguyên và môi trường (quản lý sử dụng đất, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, lưới độ cao quốc gia, khai thác tài nguyên nước), giao thông (kết cấu hạ tầng đường giao thông), nông nghiệp và phát triển nông thôn (hệ thống thủy lợi, phòng chống lũ và đê điều).

Tống Ngọc Tú
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Quốc hội (2009), Luật quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/ 6/ 2009, Hà Nội.

[2]. Quốc hội (2013), Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/ 05/ 2016 về phân loại đô thị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

[3]. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/ 7/ 2011 về Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

[4]. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10/ 5/ 2013 về Phê duyệt quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

[5]. Thủ tướng Chính Phủ, Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (gọi tắt là QH257) và Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của QH257.

[6]. Thủ tướng Chính Phủ (2023), Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16/6/2023 về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

[7]. Bộ Xây dựng (2021), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD.

[8]. Bộ Xây dựng (2021), Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam TCVN:202X, Cao độ nền – Yêu cầu thiết kế, Hà Nội.

[9]. UBND TP Hà Nội (2011), Quy định Quản lý (2011) theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội.

[10]. UBND TP Hà Nội (2014), Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 17/ 9/ 2014 về Ban hành Quy định về lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị trên địa bàn TP Hà Nội, Hà Nội.

[11]. Nguyễn Hồng Tiến, Quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật. Hà Nội: NXB Xây dựng. 2019.

[12]. Tống Ngọc Tú, Thực trạng công tác quản lý cốt xây dựng tại đô thị trung tâm thành phố Hà Nội, Tạp chí Xây dựng số 9.2023, pp 70-77

[13].Trần Hùng (2011), Ứng dụng GIS trong quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị tại Việt Nam, Hội thảo ứng dụng GIS toàn quốc 2011.

[14]. Marzouk, Mohamed, and Ahmed Othman. Planning utility infrastructure requirements for smart cities using the integration between BIM and GIS. Sustainable Cities and Society 57 (2020): 102120. 2020.

[15]. Tao, W. Interdisciplinary urban GIS for smart cities: advancements and opportunities. Geo-spatial Information Science, 16 (1), 25-34. 2013.

[16]. An Vũ (2018), Hà Nội mưa lớn: Tại sao phố cổ “cạn”, đô thị mới lại thành sông? (https://reatimes.vn/ha-noi-mua-lon-tai-sao-pho-co-can-do-thi-moi-lai-thanh-song-27095.html)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích