Thời đại của đổi mới sáng tạo

Cụm từ khó cắt nghĩa nay thành ‘câu cửa miệng’

Trở lại thời điểm này cách đây 5 năm về trước, khái niệm ‘đổi mới sáng tạo’ vẫn còn khá mới mẻ và xa lạ với đại đa số người dân và doanh nghiệp. Số liệu tại diễn đàn CEO 2019 cho thấy, có đến 36% doanh nghiệp thừa nhận còn thiếu thông tin, chưa hiểu rõ hoặc chưa biết đến chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Thậm chí, tâm lý ‘e ngại’ đổi mới sáng tạo còn thể hiện rõ ở con số 20% trong tổng số hàng trăm doanh nghiệp được tiến hành khảo sát khẳng định do chi phí đầu tư cao nên họ chưa sẵn sàng đổi mới sáng tạo, 44% doanh nghiệp cho rằng vì doanh nghiệp đang ổn định và tư duy ngại thay đổi nên họ chưa có lí do để đổi mới sáng tạo.

Rõ ràng, vào thời điểm đó, khái niệm đổi mới sáng tạo vẫn còn khá xa lạ với nhiều doanh nghiệp chứ chưa nói tới chuyện doanh nghiệp có dám thay đổi, bứt phá từ tư duy đến hành động để quyết tâm đổi mới sáng tạo hay không. Tuy nhiên, trước những thách thức, những xu thế mới của cuộc cách mạng 4.0, đại dịch Covid-19 hay những mô hình phát triển kinh tế mới đã thúc đẩy các quốc gia phải tăng cường đổi mới sáng tạo. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Cụm từ đổi mới sáng tạo đã được cắt nghĩa một cách rõ ràng. Đó chính là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. Đổi mới sáng tạo đã dần đi sâu vào tư duy, hành động của Đảng, các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp và cả người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Bộ KHCN và đại diện các bộ ngành thăm quan gian hàng của các đơn vị khởi nghiệp tại Techfest 2023.

Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: “Đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao”; “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để khoa học và công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế”và “bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ,… thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Không chỉ dừng lại trong phạm vi giới khoa học như trước đây, đổi mới sáng tạo đã trở thành một “câu cửa miệng”, được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong các văn kiện của Đảng, các cuộc họp, các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành và trong mỗi doanh nghiệp. Cùng với khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo được xác định là động lực tăng trưởng của ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.

Chìa khoá mở ra cánh cửa phát triển đột phá

Cùng với sự phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế-xã hội, thời gian qua, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng ngày càng tăng cao. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, nằm trong nhóm dẫn đầu các nền kinh tế đang phát triển.

Vui mừng trước những thành tựu về đổi mới sáng tạo của Việt Nam, tại sự kiện ECHFEST – WHISE 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển đột phá cho doanh nghiệp, là động lực quan trọng phát triển nhanh, bền vững của các quốc gia, nhất là trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Thủ tướng cũng không quên nhắc nhở rằng, chúng ta phải coi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới.

Cũng theo Thủ tướng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, kiều bào ở nước ngoài, đã tích cực tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam được định giá hàng trăm triệu, hàng tỷ USD đã và đang hình thành, phát triển không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.

Cùng quan điểm ghi nhận những đổi thay tích cực của Việt Nam trong hoạt động đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhận định, việc chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 13 năm qua đã cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Và theo Bộ trưởng “đổi mới sáng tạo dần trở thành tư duy mới trong quản lý, điều hành”.

 Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt thăm quan gian trưng bày sản phẩm tại Triển lãm công nghệ chip bán dẫn. Ảnh: VNE

Kiên trì đổi mới tư duy

Mặc dù cho đến nay, hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng, đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới. “Điều này chưa tương xứng với tiềm năng, trí tuệ, năng lực của con người Việt Nam”, Thủ tướng nhận định.

Về lộ trình trong tương lai, Thủ tướng cho rằng, đổi mới sáng tạo phải được triển khai khoa học, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, phải phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng, nỗ lực đột phá vượt lên. Đổi mới sáng tạo cần phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Thủ tướng cũng kêu gọi các nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đóng góp tích cực hơn vào sự nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng được ấm no, hạnh phúc.

Để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành đột phá chiến lược và động lực chính cho phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, chúng ta cần tiếp tục kiên trì đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, những yêu cầu về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo đã trở thành cấp bách đối với Việt Nam. Với xu hướng đó, chắc chắn rằng, trong tương lai, hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ ngày càng đi sâu vào tư duy, hành động của cả hệ thống chính trị. Bởi nếu như chúng ta có một hệ thống đổi mới sáng tạo vững mạnh, Việt Nam sẽ rất nhanh sẽ trở thành một quốc gia giàu đẹp, vững mạnh như kỳ vọng của Đảng, Chính phủ và của cả nhân dân.

Hán Hiển

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích