Bắc Giang: Những cây cầu mở lối đón tương lai

(Xây dựng) – Bắc Giang luôn xác định việc đầu tư phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông là chìa khóa để “gõ cửa” các nhà đầu tư. Năm 2023, việc triển khai xây dựng và hoàn thành hàng loạt cây cầu trọng điểm chính là điểm nhấn và minh chứng rõ nét nhất cho thấy khát vọng mở lối đón tương lai của tỉnh Bắc Giang.

Bắc Giang: Những cây cầu mở lối đón tương lai
Việc chủ động mở rộng cầu Như Nguyệt cho thấy tinh thần quyết tâm hóa giải điểm nghẽn hướng ra Thủ đô của tỉnh Bắc Giang.

Khơi thông điểm nghẽn trên tuyến đường huyết mạch

Bắc Giang có vị trí địa lý hết sức thuận lợi, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội và Sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 50 km, cách cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) 110 km và cách Cảng Hải Phòng 140 km. Bắc Giang có diện tích tự nhiên xấp xỉ 3.900 km2, trong đó trên 75% diện tích là đất nông nghiệp, đảm bảo quỹ đất rất lớn cho phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ trong tương lai.

Năm 2016, tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang được hoàn thành, đáp ứng niềm mong mỏi bấy lâu của người dân Bắc Giang, thế nhưng, cùng với niềm vui mừng khôn xiết là nỗi lo thường trực khi đường đã mở nhưng cầu chưa thông. Bởi trên tuyến cao tốc dài 45 km có 2 cây cầu lớn là cầu Như Nguyệt – nối 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và cầu Xương Giang, tuy nhiên cả 2 cây cầu lại tạo ra những “nút thắt cổ chai”, gây ra tình trạng ùn tắc trên con đường huyết mạch hướng ra Thủ đô.

Trong tình thế đó, với quyết tâm giải quyết ùn tắc, tháo gỡ điểm nghẽn, tỉnh Bắc Giang đã chủ động có văn bản xin ý kiến Chính phủ về việc đầu tư xây dựng mở rộng cầu Như Nguyệt bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương. Trước đề nghị đầy táo bạo của tỉnh Bắc Giang, tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Bắc Giang thực hiện đầu tư xây dựng mở rộng cầu Như Nguyệt.

Sau hơn một năm triển khai với nhiều khó khăn, thách thức, được sự giúp đỡ, ủng hộ của Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương cùng sự quyết tâm cao của lãnh đạo hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, và sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi trong chỉ đạo và triển khai thi công của chủ đầu tư và các nhà thầu thi công, cầu Như Nguyệt đã chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng vào ngày 16/6/2023, đảm bảo an toàn, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và tiến độ.

Tại buổi lễ khánh thành cầu Như Nguyệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bày tỏ sự vui mừng khi điểm nghẽn trên tuyến QL1 nối Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn suốt nhiều năm qua đã được khai thông, mở ra những cơ hội mới, hướng tới sự liên kết vùng mạnh mẽ trong tương lai.

Cùng với đó, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động, tự lực, tự cường của tỉnh Bắc Giang trong bối cảnh nguồn vốn Trung ương còn gặp nhiều khó khăn. Điều đó đã cho thấy trách nhiệm cao của tỉnh Bắc Giang, đặc biệt trong thời điểm đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Và thực tiễn đã chứng minh, quyết sách táo bạo của tỉnh Bắc Giang đã đem lại “trái ngọt”. Con đường lên biên giới, con đường hướng tới Thủ đô đã được khai thông, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung.

Những nhịp cầu bắc vào tương lai

Những năm gần đây, Bắc Giang luôn là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ấn tượng. Năm 2023, GRDP của tỉnh Bắc Giang đạt 13,45%, trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước. Để có được kết quả đó, ngoài việc quan tâm tới cải cách các thủ tục hành chính, mở rộng cửa đón chào các nhà đầu tư, tỉnh Bắc Giang còn đặc biệt chú trọng tới việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tăng tính liên kết vùng, đặc biệt chú trọng tới phát triển các công trình giao thông trọng điểm, trong đó nổi bật là đầu tư xây dựng hàng loạt cây cầu nhằm tăng tính kết nối như: Cầu Đồng Việt, cầu Hà Bắc 1, Hà Bắc 2, cầu Hòa Sơn, cầu Xuân Cẩm – Bắc Phú, cầu Á Lữ.

Bắc Giang: Những cây cầu mở lối đón tương lai
Hình hài cầu Đồng Việt – cây cầu dây văng đầu tiên của tỉnh Bắc Giang đang dần hiện ra rõ nét.

Nổi bật trong số đó phải kể tới cầu Đồng Việt, đây là cây cầu dây văng đầu tiên và lớn nhất của tỉnh Bắc Giang. Dự án cầu Đồng Việt được khởi công xây dựng vào ngày 24/6/2022, đây được coi là công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn 2022 – 2025. Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và trái phiếu chính quyền địa phương.

Công trình có tổng chiều dài 8,59 km, trong đó phần đường dẫn lên cầu hai bên khoảng 7,86 km. Cầu Đồng Việt có chiều dài thiết kế 730 m, kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tải trọng thiết kế HL93, mặt cầu rộng 22,5 m; mố, trụ cầu bằng bê tông cốt thép đặt trên móng cọc khoan nhồi.

Xác định đây là công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Bắc Giang, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy giao thông hàng hóa, phát triển du lịch giữa Bắc Giang và các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh cho nên ngay từ khi triển khai, chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã nỗ lực đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.

Có mặt tại công trường cầu Đồng Việt vào những ngày đầu năm 2024, mặc dù thời tiết có nhiều diễn biến bất thường nhưng không khí làm việc tại đây vẫn rất hăng say và sôi nổi, tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là sớm hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Tú – Giám đốc điều hành liên danh dự án cho biết, để đảm bảo tiến độ của dự án, nhà thầu đã huy động khoảng 150 công nhân thi công liên tục 24/24, chia làm 3 ca. Mặc dù trong quá trình thi công còn gặp nhiều khó khăn liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng, khan hiếm nguồn nguyên liệu san lấp, thời tiết… nhưng phía nhà thầu đã chủ động phối hợp với chủ đầu tư, UBND huyện Yên Dũng nhằm kịp thời tháo gỡ; đồng thời chủ động, linh hoạt trong việc triển khai công việc để không bị gián đoạn công tác thi công.

Theo dự kiến, cầu Đồng Việt sẽ hợp long vào cuối tháng 8/2024 và hoàn thành, đưa vào khai thác cuối tháng 9/2024, vượt tiến độ 3 tháng theo đúng cam kết với chủ đầu tư.

Bên cạnh cầu Đồng Việt, đến nay cầu Hòa Sơn kết nối với tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành và sẽ thông xe kỹ thuật trước Tết Nguyên đán; cầu Xuân Cẩm – Bắc Phú kết nối với TP Hà Nội cũng đang được thi công tích cực phần đường dẫn lên cầu tại địa phận huyện Sóc Sơn, theo dự kiến cũng sẽ đưa vào khai thác trước Tết Nguyên đán.

Năm Quý Mão chuẩn bị qua đi, nhường chỗ cho một năm Giáp Thìn được dự báo với nhiều khó khăn, thử thách đối với nền kinh tế. Với định hướng phát triển cụ thể, cùng sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Giang, tin tưởng rằng, hệ thống giao thông kết nối đa chiều sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ, tạo thế và lực để đưa tỉnh Bắc Giang phát triển xứng tầm là cực tăng trưởng mới tại khu vực trung du vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích