Mùi của Tết
(Xây dựng) – 1Tết hẳn nhiên là có rất nhiều mùi. Mùi của hoa cỏ mùa Xuân. Mùi của hương trầm, nhà nhà thắp. Mùi từ lọ hoa chưng tết. Mùi của quả phật thủ, quả bưởi, quả trứng gà chín vàng… trong mâm ngũ quả. Mùi của bánh chưng, nem rán, gà luộc, giò chả, canh bóng trong mâm cỗ. Mùi của các vị mứt, bánh kẹo và cả mùi bỏng ngũ cốc nhà ai mới nổ…
Nhưng với riêng tôi, mùi của Tết còn là mùi của cây mùi già, thơm dìu dịu, tinh khiết, an lành…
Thủa trước, nhà tôi không có bình đun nước nóng trong nhà tắm. Mùa đông, thường thì vào ngày nghỉ Chủ nhật, mẹ mới đun nước nóng, rồi pha và lần lượt lôi từng đứa con trong nhà có đến 4 đứa ra tắm gội.
Cả tuần mới tắm một lần nên đứa nào đứa ấy tầng tầng lớp lớp ghét. Dội nước ấm vào, ghét bở ra, càng tắm, càng kỳ, càng ra ghét. Thành ra, lắm khi, da dẻ chúng tôi bị mẹ cọ mạnh, đỏ gần bằng tôm luộc rồi mà cảm thấy vẫn chưa sạch…
Vào ngày 29 Tết, năm nào cũng như năm nào, mỗi khi luộc nồi bánh chưng to, đến vài chục cái, làm từ 20 – 25 cân gạo nếp (chưa tính lượng đỗ, lượng thịt), mẹ tôi cũng đặt trên miệng nồi luộc bánh (cao, to như một cái thùng phi) một cái chậu nhôm lớn, ôm kít miệng nồi. Chậu nhôm khi đó giống như một nắp vung thứ hai của nồi bánh chưng. Mẹ đổ đầy nước vào chậu nhôm, thả vào đó vài bó mùi già…
Trong nhiều tiếng đồng hồ, ở phía dưới, nồi bánh chưng kín nhiệt vẫn sôi lục bục. Phía trên, trong chậu nhôm, cả nhà có nồi nước nóng lá mùi già “siêu to khổng lồ”. Các thành viên trong nhà lần lượt múc nước cốt mùi già nóng bỏng này ra, pha ấm rồi tắm gội…
Mẹ tôi tin rằng thứ nước nấu từ cây mùi già có màu vàng rộm, thơm phưng phức ấy không chỉ gột rửa đi sự nhem nhuốc, lấm lem của lũ trẻ, mà còn có thể xua tan những lo toan, những điều không vui của người lớn trong năm cũ…
Thế nên, trong không gian nhà tôi mỗi độ Tết, luôn có mùi khói của bếp củi, mùi của nồi bánh chưng đang sôi, mùi của nước mùi già tinh khiết…
Các ngày tiếp theo, mẹ tôi đều nấu nồi nước mùi bé hơn, để cho các thành viên trong nhà rửa mặt mũi, chân tay… Nếu trong ngày 30 tháng Chạp năm cũ, nước mùi già giống như nước “tẩy trần” thì vào ngày mùng 1, mùng 2 tháng Giêng năm mới, nước mùi già lại là thứ nước thơm đem đến sự may mắn, an lành để chúng tôi xông lên tóc, lên người rồi xúng xính mặc quần áo đẹp đi chơi Tết…
2Thời gian thấm thoắt thoi đưa, lũ trẻ chúng tôi giờ là những người trưởng thành, lần lượt có gia đình riêng. Bố mẹ tôi có gần chục đứa cháu nội – ngoại. Từ lâu, ngày Tết, nhà tôi không tự nấu bánh chưng nữa. Những năm đầu, mẹ tôi đặt mua cả Tết 10 cái bánh, sau dần dần chỉ còn đặt mua 5 cái. Thậm chí, những năm gần đây, chẳng đặt mua nữa. Bởi các con, mỗi đứa biếu 1 – 2 cái, thế là đủ bánh chưng cho cả Tết.
Cuộc sống hiện đại cũng tiện nghi hơn. Nhà nào chẳng có bình đun nước nóng, hễ bật lên là có nước nóng tắm gội. Bọn trẻ không còn lem luốc như chúng tôi thủa trước. Chúng tắm rửa hàng ngày, bất kể tiết trời nóng – lạnh, với muôn vàn loại dầu gội, sữa tắm thơm lừng…
Ấy vậy mà cứ đến Tết, thế nào mẹ tôi cũng lại xả nước nóng, thả vài bó mùi già vào chậu lớn ngâm, để tạo nên thứ nước có mùi thơm thuần khiết, tỏa bay ra khắp nhà, rồi giục người già, người trẻ tắm gội…
Tôi ảnh hưởng của mẹ nên khi đi chợ ngày Tết, sắm gì thì sắm, kiểu gì tôi cũng mang về nhà vài ba bó mùi già. Tôi đem mùi già cắm lọ trưng bày, vừa là trang trí ngày Tết, vừa hít hà hương thơm, thậm chí chụp choẹt, khoe với cả làng facebook…
Trong các ngày Tết, tôi đều dùng nước mùi già rửa mặt mỗi buổi sáng, tắm gội mỗi ngày. Tôi vẫn mặc nhiên tin là nước mùi già sẽ làm trôi đi những lo toan năm cũ và đem đến sự an lành, hy vọng tốt đẹp trong năm mới…
3Năm nay, gia đình nhỏ của em gái tôi ở nước ngoài, lần đầu tiên đón Tết Nguyên đán xa quê hương. Trong hành trang, em mang theo lọ tinh dầu mùi già.
Em bảo Tết này em sẽ cùng cộng đồng người Việt ở bên đó làm bánh chưng, nấu mứt, nấu cỗ, trang trí nhà cửa thật đẹp. Em sẽ xông tinh dầu mùi già thấm đẫm từng không gian nhà, sẽ pha chút tinh dầu mùi già cùng chút gừng, chút muối vào bồn ngâm người, rồi tắm…
Em rưng rưng chia sẻ: Mùi của tinh dầu mùi già càng khiến em nhớ người thân, nhớ quê nhà, nhớ mùi của Tết da diết…
Tết này, bố mẹ tôi quyết định nổi lửa, nấu bánh chưng, dù lượng gạo chỉ còn chừng vài cân. Mẹ tôi bảo chủ yếu là để cho lũ trẻ trong đại gia đình nhà được trải nghiệm quy trình ngâm – vo gạo, đỗ, rửa lá rong, ướp thịt, gói và nấu bánh chưng. Là để lũ trẻ trải nghiệm sự háo hức khi tự tay gói, hoặc xí, hoặc vớt cái bánh chưng bé xíu của riêng mình. Bánh chín, mẹ sẽ chia cho từng gia đình nhỏ…
Khỏi phải nói, toàn bộ quy trình gói, nấu, luộc bánh chưng được “tường thuật trực tiếp” cho gia đình em gái tôi ở phương xa…
Cái nồi nấu bánh chưng to vật như cái thùng phi vốn được cất kỹ như một kỷ vật lại được lôi ra. Mẹ lại mua mới cái chậu nhôm to, đặt vừa kít miệng nồi bánh chưng…
Tết này nhà tôi sẽ có mùi của Tết xưa: Mùi của củi lửa, mùi của bánh chưng đang luộc, mùi của nước mùi già… Từng thành viên trong nhà tôi lại có hương mùi già trên tóc, trên cơ thể, cùng nhau đón một cái Tết an lành, thuần khiết, nhớ thương…
Nguồn: Báo xây dựng