Đổi thay trên quê hương Bác

(Xây dựng) – Huyện Nam Đàn (Nghệ An) đang từng ngày đổi thay từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến đời sống người dân và phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu năm 2025.

Đổi thay trên quê hương Bác
Du khách thập phương về thăm quê Bác.

Quê Bác đổi thay từng ngày

Về Nam Đàn những ngày đầu tháng Chạp của năm Quý Mão, ai cũng cảm nhận không khí rạo rực và vui tươi của người dân quê Bác chuẩn bị đón Tết cổ truyền và đón Xuân Giáp Thìn 2024. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi năm 2023 vừa qua xã Kim Liên vinh dự đón nhận Bằng công nhận nông thôn mới kiểu mẫu. Bao nỗ lực vượt khó của cán bộ và Nhân dân huyện nhà đã làm nên những khởi sắc đáng mừng, những thành tựu đáng tự hào trên quê hương Bác Hồ kính yêu.

Những dự án, công trình mới hình thành, đã và đang làm thay đổi diện mạo đô thị trên quê hương Bác. Đặc biệt, công cuộc xây dựng nông thôn mới, đang giúp Nam Đàn đổi thay từng ngày từ kinh tế, hạ tầng, văn hóa, xã hội đến đời sống người dân.

Nổi bật nhất là cơ sở hạ tầng ở nông thôn phát triển mạnh, đồng bộ, các tuyến đường giao thông nông thôn cơ bản được bê tông hóa… tạo tiền đề phát triển kinh tế – xã hội. Mạng lưới chợ được đầu tư xây mới, nâng cấp góp phần phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, qua đó từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và mức độ hưởng thụ của người dân.

Hệ thống lưới điện được chỉnh trang, nâng cấp đảm bảo cung ứng điện thường xuyên và an toàn, phục vụ tốt nhu cầu về sản xuất và dân sinh của người dân. Tình hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, nhận thức của nông dân từng bước chuyển biến sang tư duy sản xuất hàng hóa, các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều đạt và vượt kế hoạch.

Năm 2023, huyện Nam Đàn đã đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế huyện nhà tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 9,6%, vượt kế hoạch đề ra; thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đ/người/năm; tổng thu ngân sách đạt 352,69 tỷ đồng, đạt 143% dự toán tỉnh giao. Phong trào xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục được đẩy mạnh; trong năm, có thêm 12 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, công nhận lại 1 sản phẩm, trình tỉnh nâng hạng 1 sản phẩm, hiện, toàn huyện có 69 sản phẩm OCOP. Đến nay, Nam Đàn đã đạt 35/42 nội dung xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về “văn hóa gắn với du lịch”. Công tác thu hút đầu tư tiếp tục được quan tâm, đặc biệt, 2 dự án trọng điểm: Khu du lịch văn hóa, thác 9 tầng tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với tổng đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng.

Phát huy những kết quả đạt được từ việc xây dựng nông thôn mới, chính quyền và nhân dân huyện Nam Đàn quyết tâm thực hiện Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 04/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thí điểm “xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 – 2025”.

Theo đó, mục tiêu tổng quát là nâng cao toàn diện chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng, làm động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội thông qua hoạt động du lịch, dịch vụ, đưa Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về “phát triển văn hóa gắn với du lịch”, góp phần tạo ra sức lan tỏa trên cả nước.

Mục tiêu đến năm 2025, có 100% số xã của huyện đạt tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 6/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch; cùng với đó, kinh tế du lịch gắn với văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa tỷ trọng du lịch, dịch vụ chiếm khoảng 42 – 43% cơ cấu kinh tế của huyện.

Ông Vương Hồng Thái – Phó chủ tịch UBND huyện Nam Đàn (Nghệ An) cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, đồng bộ trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh; gắn với quy hoạch vùng mà huyện được phê duyệt nhằm phát triển nông thôn mới trong một không gian hài hòa, bền vững, môi trường nông thôn được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Phấn đấu hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu, tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024 và được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch năm 2025”.

Kim Liên điểm sáng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Là một trong những xã được chọn là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, sau hơn 6 năm thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã Kim Liên đã đổi thay rõ nét. Kinh tế – xã hội của xã phát triển với tốc độ khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; sản xuất nông – lâm – thủy sản được quan tâm thực hiện và đầu tư hỗ trợ phát triển, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ngày càng phát huy có hiệu quả. Bên cạnh tập trung chỉ đạo sản xuất lúa, xã đã chú trọng phát triển sản xuất các cây màu như ngô, đậu các loại, cây rau làm hàng hóa đem lại giá trị thu nhập cao. Các hợp tác xã trên địa bàn đã đầu tư công nghệ, vốn để sản xuất rau màu cao cấp trong nhà màng, sản xuất các sản phẩm từ cây sen từ đó tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu nhập cho các xã viên cũng như người lao động trên địa bàn.

Đến nay, xã Kim Liên đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu, với nhiều tiêu chí nổi trội: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm qua của xã đạt 7,75%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng ngành nông – lâm – thủy sản chiếm 27,68%; tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 33,65%; tỷ trọng dịch vụ chiếm 38,67%. Xã đã có 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Đổi thay trên quê hương Bác
Tuyến đường sạch đẹp, rực rỡ sắc hoa tại nông thôn mới kiểu mẫu xã Kim Liên.

Đặc biệt, xã Kim Liên đã tập trung xây nông thôn mới mới kiểu mẫu theo chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống lịch sử, cách mạng, truyền thống yêu nước, gắn với phát triển du lịch tham quan học tập”. Trong nhiều năm qua, xã Kim Liên đã bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương như các di tích văn hóa lịch sử cách mạng, các lễ hội truyền thống, dân ca Ví, Giặm… gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa trong xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự, thân thiện và mến khách để du khách về thăm quê Bác luôn cảm thấy gần gũi, thân quen.

Để phát triển du lịch trên địa bàn, trong những năm qua, xã Kim Liên đã tập trung đầu tư xây dựng các điểm nhấn trong khu dân cư như kè các dãy ao sen, xây dựng xóm sáng – xanh – sạch – đẹp, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trên địa bàn để trở thành các sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, xã cũng đã tập trung phát triển một số mô hình du lịch trải nghiệm, tham quan học tập cộng đồng; xây dựng và phát triển các tour du lịch trên địa bàn…

Ông Nguyễn Quang Lộc – Chủ tịch xã Kim Liên cho biết: “Năm 2014, Kim Liên là xã đầu tiên của huyện Nam Đàn đạt chuẩn nông thôn mới. Trên cơ sở đó, xã được tỉnh chọn để xây dựng là xã nông thôn mới kiểu mẫu. Vinh dự, tự hào nhưng cũng rất áp lực. Thế nhưng nhờ quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đoàn kết chung sức, đồng lòng nên đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực và chính thức cán đích xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Với lợi thế có Khu di tích Kim Liên được xếp hạng Khu di tích Quốc gia đặc biệt, xã Kim Liên tập trung xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất theo hướng phục vụ du lịch, nâng cao các tiêu chí văn hóa và cải tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp”.

Xã Kim Liên, huyện Nam Đàn có nhiều thay đổi, phát triển vững chắc, xứng đáng với niềm tin yêu và sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Nghệ An. Sự phát triển của Kim Liên sẽ là điểm sáng tạo động lực thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Nam Đàn.

Về Kim Liên hôm nay, đi dưới những con đường trải nhựa, bê tông rộng rãi, những hàng cây xanh mát, hai bên nở hoa bốn mùa, ai cũng cảm nhận được bước chuyển mình trên quê Bác.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích